Thật vui khi biết bạn nhảy của bà Nguyễn Thị Hương (ở số nhà 48, ngõ 66 phố Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội) đã từng bị tai biến mạch máu não 3 lần, trong đó lần 3 tưởng đã "đi" nhưng hiện vẫn khiêu vũ tốt. Ông là Nguyễn Văn Bình, người bạn đời, tri kỷ của bà Hương.
Con cháu đã tưởng ông "đi"
Đưa hai tay vòng ra phía trước như đang ôm bạn nhảy, ông Bình vừa đi quay vòng vừa đếm nhịp "trình chát chát, trình chát chát"... rồi ông giải thích: "Người ta khoẻ đi van xoay tròn, còn tôi vừa đi vừa xoay thế này thôi. Nhịp độ vừa phải, xoay vừa phải. Mỗi lần đi vừa dẻo người, dẻo chân, các khớp vận động, đầu óc thư thả theo tiếng nhạc...". Cũng như bà Hương, ông Bình vừa là thành viên câu lạc bộ xe đạp Đông Đô, vừa tham gia câu lạc bộ khiêu vũ Thành Công. Ngoài xe đạp và khiêu vũ, ông còn mê cái "món" hát karaoke.
|
Ông Bình và người bạn đời trong một điệu nhảy. |
Ông Bình nay đã 75 tuổi, mang trên mình đủ thứ bệnh mà khi ông liệt kê, người nghe khó nhớ hết được, chỉ nhớ ông bị tăng huyết áp, phình động mạch, từng bị khớp đến nỗi tưởng như không đi được, và đặc biệt là ông đã bị tai biến đến 3 lần. Lần thứ 3, khi bị tai biến, ông đã hôn mê 3 ngày.
Ông nói: "Không có bà ấy thì tôi đã chết rồi. Sau này mọi người kể lại, khoảng 3h sáng, bà ấy phát hiện ra tôi giãy giật, bác sĩ bảo tôi bị chảy máu não cấp, tôi được chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Họ nghiên cứu và bảo tôi bị thiếu muối, cho truyền muối". Cũng ở lần tai biến thứ 3, con cháu đã về tề tựu đông đủ vì nghĩ ông khó qua khỏi. May sao sau đó ông lại tỉnh. Sau tai biến, bà định đưa ông đi châm cứu để hồi phục vận động. Nhưng bác sĩ nói: Ông vẫn nhúc nhắc được thì cứ để ông nhúc nhắc, tự vận động. Thế là, từng chút một, từ đi lò dò, ông đã đạp xe, khiêu vũ được.
Tinh thần vui vẻ là quan trọng
Hằng ngày, ông Bình dùng rượu tỏi với mục đích chữa bệnh. Cứ 4 củ tỏi ông đem ngâm với 100ml rượu lúa mới, ngâm khoảng 10 ngày thì uống. Cứ ngâm nối tiếp nhau để liên tục có rượu tỏi dùng. Buổi sáng, ông thường uống ngũ cốc (gồm gạo lứt, vừng đen, đỗ tương...), có khi ăn nắm xôi hoặc ăn mỳ nấu ở nhà. Ông cũng như bà đều ít ăn ngoài đường vì cho rằng: Ăn hàng vừa tốn kém, vừa không đảm bảo vệ sinh bằng ở nhà.
Ông cho rằng, điều cốt yếu để giữ sức khoẻ, ngoài vận động phải là tinh thần vui vẻ, chăm giao lưu. So với nhiều người, ông may mắn vì có người bạn đời ăn ý, nên hai ông bà lúc nào cũng dí dủm, đi đâu cũng có nhau. Tuy nhiên, nếu chỉ hai ông bà suốt ngày vào ra nhìn nhau rồi thở dài thì không thể khoẻ được. "Phải ra ngoài thì mới khoẻ được", ông Bình tâm sự.
Ông mê khiêu vũ vì nhảy một bài bằng đi bộ cả cây số. Mà cái chính là vui. Không chỉ khiêu vũ ở câu lạc bộ của mình, ông cùng bà còn tới các câu lạc bộ khác để giao lưu. Với bộ môn xe đạp, ngày ông đạp xe 40 - 50 cây số ra ngoại ô là thường.
Nhà ông Bình có bộ dàn karaoke, khi có dịp, bạn bè của ông bà lại tụ họp để hát. Mà kể cả không có ai tụ họp, chỉ mình ông với sự cổ vũ của bà cũng hát hò xôm trò.
Rượu tỏi được coi là có tác dụng tốt trong điều trị bệnh tăng huyết áp. Tất nhiên, đây chỉ là một loại thực phẩm chức năng, không phải là thuốc chữa bệnh. Khi huyết áp không cao lắm (huyết áp tâm thu xấp xỉ 140 - 160mmHg), có thể đi bộ nhanh khoảng 30 phút/ngày, xoa bóp cơ thể, khiêu vũ nhẹ nhàng (không phải để thi như cặp đôi hoàn hảo), đi xe đạp vừa phải, nhưng nên tập vừa sức, bắt đầu mệt hoặc ra mồ hôi thì ngừng".
GS Phạm Gia Khải (Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam)