“Ông lớn” EVN sắp bị truất “ngôi” độc quyền?

Google News

Đề án xoá bỏ tình trạng độc quyền điện của EVN đã có từ năm 2009 nhưng 11 năm sau (2024), giấc mơ này mới hi vọng sẽ có thật.

 
Tháng 4/2009, Hiệp hội năng lượng Việt Nam đã trình lên Thủ tướng đề xuất thành lập Tổng công ty mua bán điện quốc gia và Tổng công ty điều độ hệ thống điện quốc gia do Chính phủ quản lý để xoá bỏ tình trạng độc quyền từ các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, mua bán điện đều trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo đó, Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho biết, Chính phủ chỉ cần tách khâu mua bán điện và điều độ hệ thống điện quốc gia ra khỏi EVN là đủ điều kiện để hình thành một thị trường điện cạnh tranh lành mạnh.
Theo ý tưởng của Hiệp hội, EVN sẽ nắm giữ khâu truyền tải, phân phối và vẫn tiếp tục sở hữu các nguồn điện đang thuộc EVN hiện nay. Trên thị trường điện sẽ hình thành 5 Tổng công ty phân phối trên cơ sở nâng cấp Công ty điện lực Hà Nội và điện lực TP.HCM thành 2 tổng công ty phân phối, sáp nhập các công ty điện lực địa phương còn lại thành 3 tổng công ty phân phối đại diện 3 miền.
Phải đến năm 2024, thị trường phát điện cạnh tranh mới được hoàn thiện, và khi đó mới hy vọng EVN chấm dứt độc quyền.
Sau một thời gian dài xem xét, chuẩn bị, đến ngày 1/7/2011, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức được vận hành. Tuy nhiên, sau đó, tất cả các khâu truyền tải, mua, bán và phân phối điện… vẫn do EVN độc quyền. Tiến trình lại phải lùi hẳn sang năm 2012.
Một năm sau, đến tháng 8/2012, tình hình vẫn không có gì mới mẻ. Vẫn là EVN truyền tải điện, phân phối điện vẫn là EVN, EVN mua điện ở công ty "con” của mình.
Đã có khoảng 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào ngành điện. Song, tất cả quyền định giá, mua điện của ai, bán cho ai, phân phối điện thế nào… đều một tay EVN điều hành.
Chưa hết, nói về tính minh bạch của thị trường phát điện cạnh tranh cũng lại bộc lộ những mảng tối khi mà chính bản thân vị Phó Tổng giám đốc EVN vẫn thừa nhận, chưa thể tách rời các công ty phát điện ra khỏi EVN.
Tại một cuộc họp báo liên quan đến vấn đề giá điện do EVN tổ chức hồi trung tuần tháng 7/2012, khi được đặt câu hỏi: Thị trường phát điện cạnh tranh liệu có đảm bảo sự minh bạch hay không khi bản thân EVN không thể tách rời khỏi những công ty phát điện?
Phó Tổng giám đốc EVN – ông Đinh Quang Tri đã nhấn mạnh rằng, bản thân EVN đã rất muốn tách các công ty phát điện ra khỏi EVN, và chính EVN đã từng có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép EVN tách các công ty này ra khỏi cơ quan chủ thể.
Song lại chính EVN lên tiếng "cảnh báo” rằng: Nếu các công ty phát điện tách khỏi EVN, e rằng sẽ khó mà tồn tại được, vì món nợ mà các công ty này đang gánh lớn hơn gấp 5,6 lần vốn chủ sở hữu, và như vậy, không thể tự đứng độc lập để vay vốn ngân hàng được.
Nói như vậy, rõ ràng EVN đã chơi đòn "lập lờ”… để rồi, những "mong muốn” được tách bạch ấy của EVN lại không có gì thay đổi, khi nhà quản lý vẫn chấp nhận không tách các công ty phát điện khỏi EVN cho đến khi nào các công ty này thực sự khỏe mạnh, có thể đứng được độc lập.
Một thị trường phát điện chỉ thực sự minh bạch khi EVN không thâu tóm toàn bộ các công ty phát điện. Điều này, cho đến thời điểm này là hoàn toàn không có.
Đến tháng 4/2013, một lần nữa, kế hoạch tách các Tổng công ty phát điện ra khỏi EVN và khởi động thị trường bán lẻ điện cạnh tranh được đề cập đến.
Tuy nhiên, theo dự thảo quyết định của Thủ tướng về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành, phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam được Bộ Công thương hoàn thiện thì từ 2015 thí điểm để tới 2017 mới có thị trường bán buôn điện chính thức và tận 2024 Việt Nam mới thật sự có thị trường bán lẻ cạnh tranh.
Theo đó, các Tổng công ty phát điện sẽ được tách khỏi EVN từ năm 2015 - 2017. 9 năm sau (năm 2022) Việt Nam mới bắt đầu thì điểm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, và đến 2024 thị trường bán lẻ điện cạnh tranh mới được hoàn chỉnh.
“Doanh nghiệp được độc quyền quá lâu nên sẽ không dễ dàng từ bỏ đặc lợi của mình, nếu tiếp tục trì hoãn việc tái cơ cấu thì việc hình thành thị trường điện cạnh tranh vẫn giậm chân tại chỗ và nhiều khả năng sẽ bị trễ so với lộ trình đề ra” - GS-TSKH Trần Đình Long nhận xét.
Như vậy, để xoá bỏ tình trạng độc quyền, để thoát khỏi cảnh người dân nươm nướp lo sợ EVN tăng giá điện bất cứ lúc nào thì cần thêm 11 năm nữa.
Hy vọng sau 11 chờ đợi dài cổ, người tiêu dùng có thể có quyền lựa chọn người cung cấp điện cho mình, được đòi hỏi chất lượng, giá cả, thái độ phục vụ và không phải "lựa" EVN mà sống như hiện nay.
Theo Đất Việt

Bình luận(0)