Bất bình cách đền bù khi EVN “tăng vống” số điện

Google News

(Kiến Thức) - Dù "ông lớn" EVN đã lên tiếng hứa đền bù vụ nhầm chỉ số công tơ, dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng đột biến, nhưng người dân vẫn vô cùng bức xúc.

Liên quan đến việc Phòng giao dịch của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), chi nhánh Ba Đình (tại số 62 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) phải trả hơn 9,1 triệu đồng tiền điện trong tháng 5, gấp đôi tháng 4, ông Nguyễn Tuấn Linh, Phó giám đốc phòng giao dịch cho biết, đã có văn bản gửi lên Công ty Điện lực Ba Đình (EVN Ba Đình) để phúc tra lại lượng điện sử dụng trong tháng 5.

Trao đổi với Kiến thức, ông Linh cho biết, trong buổi làm việc riêng với ông, EVN Ba Đình đã nhận lỗi sai và tìm hướng khắc phục. Trước đó, khi nhận được văn bản của Phòng giao dịch của VietBank chi nhánh Ba Đình, EVN Ba Đình đã cử đội kiểm tra xuống địa bàn để làm rõ tình hình. Kết quả cho thấy, đã có sự sai sót của ngành điện dẫn tới lượng điện năng ghi trên hóa đơn của khách hàng tăng đột biến. Cụ thể, tại điểm giao dịch 62 Quán Thánh, công nhân ghi chữ đã ghi nhầm 125 số điện. Phương án EVN Ba Đình đưa ra là sẽ trừ sản lượng điện ghi nhầm trong tháng 5 vào hóa đơn tiền điện tháng 6.

 Biên bản làm việc tại EVN Ba Đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ông Nguyễn Tuấn Linh cho biết, trong buổi làm việc với EVN Ba Đình, ngay từ đầu ông đã giải thích rằng, bộ phận hành chính ở VietBank khoán cho mỗi chi nhánh trong một tháng chỉ được sử dụng một số tiền điện nhất định. Chi nhánh Ba Đình của ông mỗi tháng chỉ được sử dụng trong khoảng 4-5 triệu đồng điền điện. Trong trường hợp sử dụng quá số tiền điện được khoán, chi nhánh phải bỏ tiền bù vào. Số tiền điện mà chi nhánh phải trả trong tháng 5 là hơn 9,1 triệu đồng, như vậy, chi nhánh phải ứng ra hơn 4 triệu đồng để bù vào số tiền thiếu hụt. 

Ông Tuấn Linh cũng cho biết, ông không hài lòng với cách khắc phục từ phía EVN Ba Đình là sẽ trừ sản lượng điện ghi nhầm trong tháng 5 vào hóa đơn tiền điện tháng 6. Ông giải thích: Việc chi nhánh của ông phải ứng tiền để trả tiền điện trong tháng 5 đã là một điều khó chịu. Vì theo như bên EVN Ba Đình giải thích thì việc bù trừ sẽ không gây tổn thất của VietBank do giá điện kinh doanh chỉ áp theo một mức giá. Tuy nhiên, theo tôi, việc bù trừ đó là không thỏa đáng, bởi nếu cứ áp dụng cách giải quyết này thì bên phía khách hàng sẽ chịu thiệt 4 lần. 

"Việc làm này càng thể hiện sự không minh bạch và sự độc quyền trong giá điện của EVN Ba Đình nói riêng và EVN nói chung", ông Tuấn Linh nhấn mạnh. 

Ông Tuấn Linh còn cung cấp cho phóng viên Báo Kiến Thức một số dữ liệu về số điện 10 ngày của tháng 6 để chứng minh cho cách tính số điện sai của EVN Ba Đình. Ông cho biết, chi nhánh của ông có 3 công tơ điện tính theo 3 mức giá khác nhau. 

 So sánh thông báo chỉ số điện 3 pha tại văn phòng của ông Nguyễn Tuấn Linh trong 10 ngày đầu tháng 6 đã tăng nhiều lần so với tháng 5... Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nếu tính từ ngày 8/6 đến ngày 18/6, công tơ 1 (giờ thường) đếm được 159 số điện. Nếu mang số điện này nhân với 3 (tức 20 ngày sử dụng điện tiếp theo) thì số điện chi nhánh dùng trong cả tháng 6 là 477 số, trong khi đó tháng 5 là 2263 số (tháng 5 gấp 4,74 lần tháng 6). Tương tự, công tơ 2 (giờ cao điểm) đếm được 101 số, nhân với 3 được 303 số của tháng 6. So với 808 số của tháng 5, thì con số này gấp 2,67 lần. Công tơ 3 (giờ thấp điểm) đếm được 46 số, nhân với 3 được 138 số của tháng 6, so với 266 số của tháng 5, kém 1,93 lần. Như vậy để thấy, số điện tháng 5 đã bị ghi sai rất nhiều theo chiều hướng tăng đột biến. 

Ông Linh cho rằng: "EVN cần có cách tính số điện công khai và minh bạch hơn. Ví như cả hai bên cùng chứng kiến việc ghi số điện và chốt vào sổ, chứ không thể để một mình EVN ghi số điện và muốn tăng lên bao nhiêu số cũng được", ông Tuấn Linh kiến nghị. Ông cũng cho rằng, đối với doanh nghiệp thì số điện được tính theo một mức giá nhưng đối với hộ gia đình thì lại áp dụng đến 3-4 mức giá, như vậy, khách hàng sử dụng điện càng nhiều thì càng thiệt thòi, vì bị áp mức giá càng cao. "Nếu như doanh nghiệp có thời gian và cơ sở để kiện cáo thì người dân thường cũng không nhiều thời gian và thường cũng ngại việc này. Họ đành ngậm ngùi chịu thiệt và chủ yếu là kêu ca với nhau chứ ít khi "tố" lên cơ quan chức năng. Tôi cho rằng, việc ghi nhầm số điện công tơ không phải là việc làm vô tình mà đó là sự cố tình", ông Tuấn Linh nhận định.

Đây không phải là trường hợp duy nhất tại quận Ba Đình bị ghi sai số điện. Một trường hợp tương tự, nhà chị Hương thuộc quận Ba Đình cũng phản ánh với báo Tiền Phong, tiền điện đã bị nhảy vọt từ 339.000 đồng trong tháng 4 lên 606.000 đồng trong tháng 5. Anh Trung, ngụ đường Kim Mã (Ba Đình) cũng cho biết, tháng 5 anh phải trả 2.024.000 đồng tiền điện, tăng gấp 2,34 lần so với tháng 4. 

Gia đình chị Hương ở Nguyễn Tri Phương (Ba Đình) tháng vừa rồi phải đóng hơn 2 triệu đồng tiền điện, gấp đôi bình thường dù thời gian này nhà chị có 4 ngày đi du lịch.

 PGS.TS Ngô Trí Long.

Trao đổi với phóng viên Báo Kiến Thức về việc EVN Ba Đình ghi nhầm số điện, PGS.TS Ngô Trí Long, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và giá cả, Bộ Tài Chính cho biết, EVN Ba Đình không chỉ "phủi tay" bằng việc bù trừ tiền điện vào tháng sau cho VietBank, đơn vị này phải tìm ra nguyên nhân (khách quan và chủ quan) của việc này và quy rõ trách nhiệm thuộc về ai, giải quyết hậu quả thế nào. Tất cả mọi thứ phải được làm minh bạch, minh bạch trong cả khâu kiểm tra, kiểm điểm. 

Ông cho biết: "Việc làm này của EVN Ba Đình thể hiện sự độc quyền về điện. Anh không thể lợi dụng sự độc quyền đó mà làm sai trái, lấn át người tiêu dùng được. Hoặc nếu người tiêu dùng không phát hiện ra thì anh ém nhẹm đi. Đó là việc làm rất thiếu trách nhiệm của một cơ quan nhà nước".

Ông Ngô Trí Long cũng nhận định rằng, đối với doanh nghiệp như VietBank hiểu rõ pháp luật và việc kiện cáo với họ là chuyện bình thường, nhưng đối với những người dân, họ gặp khó khăn trong việc đó. Các cơ quan chức năng cũng nên vào cuộc để răn đe những "ông lớn" độc quyền như thế này.



Hải Sơn

Bình luận(0)