Tâm và tầm của Chủ tịch Tập đoàn TH

Google News

Khi nghe bà  kêu gọi: “Hãy làm sữa bằng tấm lòng và trái tim người mẹ”, càng thấu hiểu hơn cái tâm và tầm của vị Chủ tịch Tập đoàn TH.

Đau đáu vì tầm vóc Việt
Nay thì cái tên Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH, đã quá quen thuộc với không ít người dân Việt Nam. Bởi tên tuổi của bà gắn liền với thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK, một thương hiệu mới có 5 năm xây dựng và trưởng thành, nhưng đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người tiêu dùng Việt Nam. Người ta thậm chí còn gọi bà là “kiến trúc sư trưởng” của cuộc cách mạng sữa tươi sạch Việt Nam.
Điều đó có lẽ đúng, vì chưa có TH, thị trường sữa nước Việt Nam có đến 92% là sữa bột pha lại - tức là sữa hoàn nguyên. Giờ, nhờ có TH, tỷ lệ còn lại chỉ là trên 72%. TH đã trở thành người dẫn đầu, là đơn vị duy nhất đạt tới 40% thị phần sữa nước trên thị trường hiện nay. Và dù chưa được như kỳ vọng của bà Thái Hương, đó là sự minh bạch hoàn toàn trên thị trường sữa, nhưng người Việt đã có sự chuyển biến căn bản về cách nhìn, thậm chí là thói quen tiêu dùng đối với sữa hoàn nguyên và sữa tươi, đặc biệt là sữa tươi sạch.
“Hay lam sua bang tam long va trai tim nguoi me”
 
5 năm, từ một “tân binh” trên thị trường sữa Việt Nam, TH đã trở thành một tên tuổi lớn trên thị trường, với hàng loạt sản phẩm được lần lượt đưa ra thị trường, từ sữa tươi sạch tiệt trùng và sữa chua ăn, sữa chua uống các loại, rồi sữa bổ sung canxi, collagen, phytosterol… Tất cả đều được làm từ dòng sữa tươi sạch, ngọt lành và đảm bảo được vẹn nguyên những gì tinh túy nhất từ trang trại sữa TH ở Nghĩa Đàn (Nghệ An), trang trại bò sữa có quy mô và diện tích lớn nhất Đông Nam Á.
Nhưng với bà Thái Hương, chỉ cuộc cách mạng sữa tươi sạch thôi chưa đủ. Khát vọng của bà là làm được cuộc cách mạng về nhân lực Việt Nam. Bà bảo, thực ra, đó không chỉ là khát vọng của riêng bà, mà của tất cả các bậc làm cha, làm mẹ, của cả nước Việt Nam nói chung. Thương cảm khi nhiều trẻ em nghèo Việt Nam không được uống sữa. Chạnh lòng xót xa khi so sánh mặt bằng chung về tầm vóc, thì chiều cao nam, nữ thanh niên Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Tầm vóc thấp sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước, nên bà lo lắm và cũng lấy làm mừng vì Đề án “Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030” đã được xây dựng theo chỉ đạo của Chính phủ. Nhưng để làm được điều đó, một trong những phần việc quan trọng là đưa sữa tới học đường - chương trình mà Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đánh giá là rất hiệu quả và cần thiết đối với trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học. Hiện 60 quốc gia trên toàn cầu đã triển khai Chương trình Sữa học đường.
“Vì thế, chúng ta không thể chậm trễ hơn. Nếu thực hiện hôm nay, sau 5-7 năm nữa, chúng ta có thể có thế hệ trẻ có tầm vóc cải thiện đáng kể. Mà tầm vóc không chỉ là thể lực, đó còn là sự tự trọng và tự tôn dân tộc”, bà Thái Hương chia sẻ tại Lễ triển khai Chương trình Sữa học đường - Vì tầm vóc Việt, tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.
Thực ra, Chương trình Sữa học đường - Vì tầm vóc Việt đã được tổ chức từ cuối tháng 9 năm ngoái, mà bà Thái Hương và Tập đoàn TH là một trong những đơn vị tiên phong. “Tôi làm sữa tươi sạch với tấm lòng của người mẹ lo lắng, chăm chút cho con mình. Giờ càng muốn làm sữa bằng tấm lòng và trái tim người mẹ vì tương lai của tầm vóc Việt. Tôi luôn trăn trở để làm sao những người mẹ nghèo nhất cũng có thể có được dinh dưỡng tốt nhất cho con mình”, bà Thái Hương nói.
“Hay lam sua bang tam long va trai tim nguoi me”-Hinh-2
Tập đoàn TH đã rất nỗ lực đưa sữa tươi tới học đường vì tương lai của tầm vóc Việt. 
Cánh én mùa Xuân
Nhớ có dịp trò chuyện, hỏi bà Thái Hương về cạnh tranh trên thị trường sữa Việt Nam, khi có quá nhiều doanh nghiệp ồ ạt nuôi bò, chế biến sữa, thì bà bảo bà không lo, mà lại thấy mừng. “Một cánh én không làm nên mùa xuân. Tôi muốn tất cả mọi người cùng nhau làm như TH để mọi người dân được lợi. Tiềm năng của thị trường sữa Việt Nam còn rất lớn, gần 100 triệu dân, mà sữa tươi sản xuất trong nước mới đáp ứng được 27-28% nhu cầu. Thay vì nói xấu nhau, các doanh nghiệp hãy bắt tay vào sản xuất sữa”, bà Thái Hương nói.
Bây giờ cũng thế. Với Chương trình Sữa học đường, bà cũng mong tất cả hãy chung tay, chung sức vì tầm vóc Việt.
Với tấm lòng của một người mẹ, vì tương lai của tầm vóc Việt, bà Thái Hương đã cùng các cộng sự ở TH cho ra đời bộ sản phẩm TH true MILK công thức TOPKID. Dòng sản phẩm TH school milk còn được thiết kế riêng cho học đường, mà sau thử nghiệm 9 tháng trên 3.600 trẻ mẫu giáo và tiểu học, suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm khoảng 3%, suy dinh dưỡng thấp còi giảm 1,5%, tình trạng thiếu hụt một số vi chất dinh dưỡng như vitamin A, sắt, kẽm đều được cải thiện rõ.
Đấy là kết quả được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến công bố từ năm ngoái và là cơ sở khoa học để Bộ Y tế cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai Chương trình Sữa học đường quốc gia nhằm nhanh chóng nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt, đáp ứng được sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước những năm tới. Và cũng vì thế, TH school milk là sản phẩm đầu tiên ở Việt Nam được Bộ Y tế xác nhận hiệu quả trong nghiên cứu cải thiện tình trạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng của trẻ em
Năm nay, có mặt tại Lễ triển khai Chương trình Sữa học đường - Vì tầm vóc Việt, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tươi cười bảo: “Chúng ta đã đi được những bước dài trên tiến trình hiện thực hóa Chương trình”.
Một cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân. Nhưng nếu không bắt đầu trồng cây, sẽ không bao giờ có trái ngọt. Vì thế, ngay từ năm học trước 2013 - 2014, bà Thái Hương đã thử nghiệm Chương trình Sữa học đường tại 15 trường mầm non và tiểu học ở Nghĩa Đàn (Nghệ An), với 3.600 học sinh được uống sữa đều đặn mỗi buổi đến trường. Năm học 2015 - 2016 này, vào đúng ngày khai giảng, TH mang sữa đến với học đường để tất cả các em đều được uống sữa TH school milk.
Để nhiều trẻ em được uống sữa, Chương trình được mở rộng hơn. Thay vì chỉ là 3.600 học sinh, thì năm nay, Chương trình sẽ giúp 428.306 học sinh mầm non và tiểu học ở 21 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh Nghệ An được sử dụng 1 hộp (180 ml) sữa tươi mỗi ngày, 5 ngày/tuần.
“Tôi hạnh phúc vì các em được uống sữa và uống sữa tốt”, bà Thái Hương bày tỏ và say sưa nói về việc Chương trình Sữa học đường không phải là một chương trình từ thiện, mà là một chương trình xã hội, đòi hỏi sự chung tay, chung sức của mọi tầng lớn nhân dân, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp.
Ở Nghệ An, Chương trình bước đầu thành công vì nhận được sự hỗ trợ của chính quyền. Ngân sách tỉnh chi 15%, Tập đoàn TH hỗ trợ 10%, phần còn lại là gia đình và sự hỗ trợ từ cộng đồng. “Ngoài Nghệ An, chúng tôi dự kiến triển khai ở 10 tỉnh, thành phố khác nữa. Nếu cứ đà này, thì chẳng mấy để triển khai ở cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước”, bà Thái Hương rạng rỡ.
Bà vui cũng phải thôi, bởi sáng kiến của mình bắt đầu được hưởng ứng. Chính ông JongHa Bae, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cũng bảo rằng, để Chương trình Sữa học đường thành công, phải từ một điểm sáng như vậy rồi nhân rộng. Tất nhiên, các yếu tố khác còn là một ngành sữa quốc gia đủ mạnh, có cơ chế huy động tài chính minh bạch từ các nguồn tài trợ, hệ thống phân phối sữa đưa sữa về tận nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Đóa hướng dương kiêu hãnh
Nhiều năm nay, tầm tháng 4 hay tháng 10, đi qua cao nguyên Phủ Quỳ (Nghệ An), người dân không khỏi ngỡ ngàng trước những cánh đồng hướng dương vàng rực dưới nắng. Hướng dương - một món ăn cho bò - bỗng trở thành biểu tượng cho sự đổi thay của vùng đất này, kể từ khi trang trại TH, quy mô đầu tư 1,2 tỷ USD được đặt tại đây.
Loài hoa luôn hướng về ánh mặt trời ấy cũng chính là hình ảnh một thương hiệu mạnh của quốc gia, lấy nghiêm túc - chân chính - kiêu hãnh và niềm tự tôn dân tộc, tự trọng cá nhân làm tôn chỉ hành động của mình. Mà có lẽ, đóa hướng dương kiêu hãnh ấy còn là hình ảnh của vị Chủ tịch đầy quyền lực Thái Hương, với tràn đầy nhiệt huyết, tâm và tầm để làm ra dòng sữa tươi ngon nhất, góp phần quan trọng hiện thực hóa cuộc cách mạng về nguồn lực cho đất nước.
“Chúng ta đã có đủ nguồn sữa tươi sạch trong nước. Vấn đề là phải quyết tâm và hành động để thay đổi cơ bản tình trạng dinh dưỡng và thể chất của trẻ em. Hãy tin vào chúng tôi, tin vào các doanh nhân, bởi không phải lúc nào chúng tôi cũng kinh doanh vì lợi nhuận. Hãy tin là chúng tôi thực sự muốn cống hiến và làm sữa bằng tấm lòng và trái tim người mẹ”, bà Thái Hương da diết.
Theo Báo Đầu Tư

Bình luận(0)