Một thời khách sạn 5 sao
Chung cư 727 tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5, TP.HCM) trước đây được gọi là Building President, dành cho những sỹ quan cao cấp của quân đội ngụy quyền Sài Gòn. Tòa nhà được xây dựng vào những năm 1960 theo kiến trúc đơn giản gồm 13 tầng, chia làm 6 tòa với tổng số 530 phòng. Ở thời điểm đó, tòa nhà thuộc dạng khách sạn 5 sao, chỉ những tướng tá, sỹ quan cao cấp có chức quyền mới được lưu lại và nghỉ ngơi ở đây. Tòa Building President cách chợ Bến Thành khoảng 1km, nằm ngay mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, một thời là biểu tượng cho sự thịnh vượng của Sài Gòn hoa lệ.
|
Nhìn toàn cảnh chung cư 727. |
Sau 1975, tòa nhà Building President được đổi tên thành chung cư 727 là nơi sinh sống của 600 hộ dân với hơn 2.500 nhân khẩu. Khoảng thời gian đầu, chung cư vẫn đáp ứng được những tiêu chí về môi trường sống và cơ sở vật chất cũng khang trang, đầy đủ. Khi được đưa vào sử dụng làm chung cư, 727 là một trong những tòa nhà cao và hiện đại nhất Sài Gòn.
Nhưng đến khoảng giữa năm 2008, chung cư bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, cơ sở hạ tầng mục nát, không đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ nên UBND TP.HCM đã chỉ đạo các ban ngành liên quan khẩn trương di dời dân ra khỏi chung cư. Theo đó, hạn chót để di dời là ngày 30/4/2008. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện nay, chung cư vẫn có hơn 100 hộ dân còn đang sinh sống. Những hộ dân này chưa di dời khỏi chung cư do khúc mắc trong giấy tờ chủ quyền và thủ tục chuyển đổi tái định cư.
Cô Dương Hoàng D. (56 tuổi, ngụ quận 5), một hộ dân sống gần 20 năm tại chung cư 727 cho biết: "Tôi đã di dời sang chung cư mới ở quận 10 nhưng mỗi ngày vẫn về đây bán nước giải khát cho người dân sống trong chung cư. Sở dĩ, những hộ dân này chưa chuyển đi do tiền giải tỏa không đủ để mua nhà ở nơi khác. Nghe đâu, mỗi hộ dân phải trả thêm 950 triệu đồng để có được căn hộ chung cư mới. Mấy hộ dân sinh sống ở đây toàn dân lao động và buôn bán nhỏ, làm sao có đủ nhiêu đó tiền mà bù vào. Giờ đi cũng không được mà ở cũng không xong, sống ở đây nguy hiểm lắm".
Kể về nỗi khổ khi phải sống trong chung cư xuống cấp, bà Mai Thị T., nhà số 159, chung cư 727 cho biết: "Cầu thang sắt từ tầng 1 đến tầng 10 đều bị mục, không ai dám đi. Trần nhà và tường nhiều chỗ bị nứt, bê tông rớt hoài, người dân phải đập bỏ để tránh gây thương tích cho trẻ con. Chưa kể, do xây dựng từ lâu nên đến nay, hệ thống thoát nước của chung cư không còn sử dụng được. Chỉ cần cơn mưa nhỏ, người dân phải chầu chực tát nước cống từ hố ga tràn vào tận nhà. Khổ hơn là chuyện nước thải, phân hầm cầu thường trào ngược lên hố toilet, bốc mùi hôi khiến người dân không biết kêu ai".
|
Rác thải, nước bẩn tràn lan |
Chung cư "đệ nhất... hoang tàn"
Để ghi nhận thực tế tại chung cư 727, chúng tôi đã trải qua những giờ phút nghẹt thở và hoang mang khi bước chân vào chung cư hoang tàn. Ngay cả, chiếc cầu thang thoát hiểm bằng sắt mà cũng đã mục nát, nhỏ hẹp và tối tăm thì thử hỏi khi có sự cố người dân thoát bằng đường nào. Những thanh gỗ cũng đã mục được bắc và che lấy những chỗ sắt đã hoen gỉ, nứt dài hơn mấy chục cm. Bậc nào ở cầu thang thoát hiểm cũng có vết nứt và vài chỗ được lắp gỗ thay thế.
Cô Hoàng D. thông tin: "Cầu thang thoát hiểm này xây dựng cũng được hơn 10 năm rồi. Hồi cái đợt mà cháy lớn ở trung tâm thương mại, ban quản lý sợ ở đây cũng sẽ bị cháy nên xây dựng cho hai cầu thang thoát hiểm bằng sắt. Do chung cư không có thang máy nên người dân dùng để đi lại hàng ngày luôn. Đến nay thì cũng đã mục nát rồi, kiểu này có cháy thì cũng không dám chạy nhanh dễ rớt xuống lắm", cô D. kết thúc câu chuyện với một nụ cười bất giác trong sợ hãi.
Môi trường sống ở chung cư 727 rất nhếch nhác và nguy hiểm. Rác thải, nước thải chảy vô tổ chức, tràn ra lối đi, rơi xuống đầu người đi bên dưới. Người dân giặt quần áo, phơi phóng ngang dọc các lối đi, bên cửa sổ. Dưới hiên cửa sổ, rác chất thành đống, lớp mới chồng lên lớp cũ, bốc mùi xú uế, ruồi nhặng bu quanh. Nhiều ô cửa sổ bằng sắt đã bung song, lan can không rào chắn, tường chằng chịt vết nứt gãy, loang lỗ những mảng xi măng gãy đổ. Vậy mà, trẻ con vẫn thản nhiên tựa cửa sổ đùa giờn, trèo lên bậu cửa sổ ngồi chơi Game vô tư.
Hàng trăm hộ dân đã ra đi khiến chung cư đã cũ càng hoang tàn, trống vắng và dơ bẩn. Nhiều người vô gia cư và những thanh niên nghiện ngập, bụi đời tìm đến trú ngụ. Hiện chung cư chỉ có một người bảo vệ, mọi việc đều do các hộ dân ở đây tự quản lý, thỏa thuận nhau hễ thấy có người lạ vào thông báo ngay cho bảo vệ.
|
Người dân vô tư đánh cược tính mạng bên khung cửa sổ đã lung lay. |
Trong mắt những khách lạ như chúng tôi, nơi đây là những đường hầm hoang tàn, tối mịt có thể sập gẫy bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, nhiều hộ dân sống trong "chưng cư đệ nhất hoang tàn" này đều tin vào những quá khứ hào quang của nó để tự trấn an cuộc sống tạm bợ hàng ngày. Chị Ngọc N. cho biết thêm: "Trước đây, chung cư này gần như nổi tiếng vào bậc nhất Sài Gòn. Nó xây dựng để cho mấy ông tướng tá ở nên phải kiên cố, vững chãi. Nếu là chung cư khác, trải qua mấy chục năm, chắc đã thành đống đổ nát đâu có được như thế này".
Theo đó, những hộ dân còn trụ lại nơi đây luôn tin rằng chung cư vẫn còn rất tốt, những bong tróc, đổ nát, xuống cấp của nơi đây chỉ được họ nhìn nhận chỉ là việc bong tróc lớp xi măng bên ngoài. “Thực ra chung cư được đúc bê tông cốt thép, dễ gì sập nổi. Chúng tôi sống ở đây mấy chục năm rồi chả thấy nó suy chuyển gì, thậm chí khi có động đất vào năm ngoái. Tôi được biết, rất nhiều người không muốn dời đi nếu nó không quá xuống cấp và có lệnh của Nhà nước. Nhất là những người có tuổi như tôi vì chúng tôi đã gắn bó với nơi đây mấy chục năm rồi dù biết nó nguy hiểm và không đảm bảo", bà Hoàng D. khẳng định.
Cuộc sống thường nhật của những người dân bám trụ nơi hoang tàn này vẫn diễn ra bình thường khi nắng chiếu xuyên qua những song sắt cửa sổ gần như đang treo lơ lửng giữa không trung. Hầu như những hộ gia đình trên không mấy cảm thấy bất an chuyện xuống cấp trầm trọng của chung cư mà chỉ lo lắng tình hình an ninh tại đây sau khi hơn 90% các hộ gia đình đã chuyển đi. Nhiều hộ gia đình cho biết: Việc hầu hết các hộ gia đình đã chuyển đi khiến chung cư thêm vắng vẻ, tối tăm, cũ nát. Thậm chí, nhiều phòng còn bị đập hỏng, phá bỏ ngổn ngang vật dụng, bê tông. Điều này khiến nhiều người cảm thấy bất an.
Chị Ngọc N. khẳng định: "Chung cư quá lớn đã xuống cấp, giờ người ta đã chuyển đi gần hết trông càng thêm tối tăm, ẩm thấp, vắng vẻ, do đó, việc an ninh cũng kém hơn. Nhiều lần tôi chứng kiến một vài thanh niên lạ mặt lúi húi trong những phòng bị bỏ hoang, cũ nát chích ma túy. Hàng ngày người dân vẫn ra vào chung cư một cách bình thường, chuyện nhiều phần tử xấu lợi dụng tình hình hỗn tạp của chung cư trà trộn vào đây, lẩn trốn trong các phòng hoang để làm việc xấu là chuyện rất dễ xảy ra. Ai cũng biết điều này nhưng vì những khó khăn khác nhau mà phải trụ lại nơi đây".
Nhìn từ phía ngoài, chung cư 727 vẫn sừng sững hiện ra trước mắt đô thị đang thay da đổi thịt một mảng màu tối nghèo nàn, rách nát. Một khoảng thời gian đã quá đủ để một chung cư xuống cấp làm mất đi thiện cảm của người dân và du khách với thành phố Hồ Chí Minh, một thành phố trẻ năng động, trẻ trung.
"Hầu như không ai dám bước ra khỏi nhà buổi tối..."
Không có ban quản lý ở chung cư 727, người dân phải tự tổ chức mọi thứ, từ chuyện đảm bảo an ninh trật tự đến thu gom rác, sửa chữa máy bơm… Việc chập điện, mất nước cũng diễn ra như cơm bữa. Chung cư cũng đã mấy lần xảy ra cháy nhưng may mắn được dập tắt kịp thời. Ban ngày, chung cư chỉ còn người già và trẻ con ở nhà, nhà nào cũng có người nhưng vẫn đóng cửa im ỉm. Cảnh giao lưu giữa hộ này và hộ kia chỉ có ở những dãy nhà tầng dưới cùng, nơi có buôn bán đồ ăn, tạp hóa, nước giải khát. Mấy người phụ nữ khoảng 50 tuổi ngồi bàn nhau về chuyện di dời nhà cửa, rồi nhắc nhở nhau trông nhà cẩn thận, không cho mấy đứa con nít ra khỏi nhà, tránh gặp mấy tên nghiện hút. "Tối nào, hầu như không có ai dám bước ra khỏi nhà. Chung cư không có người quản lý, chỉ có một ông bảo vệ đâu xem xuể, mà lại có nhiều cửa ra vào, không rào chắn gì hết", cô Trịnh Ngọc N. chia sẻ cùng chúng tôi.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU: