|
Máy bay VNA bất ngờ bị đặt vào tình huống bị khủng bố. Ảnh minh họa.
|
Trước đó, dư luận bất ngờ trước thông tin một chuyến bay của
Vietnam Airlines (VNA) từ TP HCM đi Vinh chiều tối qua (16/12) đã phải hạ cánh khẩn tại
sân bay Nội Bài do gặp sự cố. Chiếc máy bay A321 mang số hiệu VN1266, xuất phát từ TP HCM đi Vinh khởi hành lúc 17h12 (giờ địa phương), khi đến gần sân bay Vinh đã gặp trục trặc kỹ thuật. Áp suất trong khoang giảm đột ngột, máy bay phải hạ độ cao khẩn cấp từ 35.000 feet (tương đương khoảng 11.000 m) xuống 13.000 feet (tương đương khoảng 4.000 m), mặt nạ dưỡng khí bung ra để trợ giúp hành khách và phi hành đoàn. Cơ trưởng là ông Pechanec Marek, quốc tịch Séc đã xin hạ cánh khẩn cấp tại Nội Bài để có điều kiện trợ giúp tốt nhất. Máy bay cùng toàn bộ 135 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài lúc 19h15. Sau đó, đến 22h30 thì máy bay đã hạ cánh an toàn tại sân bay Vinh.
Phát ngôn viên của VNA tiết lộ, cơ trưởng đã ấn nhầm nút (7500 thay vì 7700) khi hạ độ cao, khiến máy bay bị đặt vào tình huống khẩn cấp.
TS Trần Đình Bá – người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành hàng không – chia sẻ với Kiến Thức những ý kiến về sự cố hy hữu này:
- Thưa ông, ông có nhận định tổng quan gì về sự cố vừa xảy ra của Vietnam Airlines?
- Tôi cũng như mọi người, biết thông tin qua báo chí! Sự cố này đã làm dày thêm danh sách những sự cố gây rúng động dư luận của ngành hàng không trong thời gian gần đây như: Máy bay hạ cánh nhầm sân bay, nhầm đường băng, mất điện tại sân bay…
Về nguyên lý, máy bay phản lực Boeing, Airbus... ở độ cao 10.000 mét sẽ thiếu ô xy và áp suất giảm nên hệ thống điều áp và điều khí là rất quan trọng, nếu trục trặc là đe dọa tính mạng toàn bộ phi hành đoàn và hành khách. Vì vậy công tác an toàn phải hết sức nghiêm ngặt. Do đó, theo tôi, máy bay VNA gặp trục trặc hệ thống điều hòa không khí là sự cố kỹ thuật đặc biệt nghiêm trọng.
Về nguyên tắc, khi gặp sự cố này thì cơ trưởng phải báo về trung tâm và tìm sân bay gần nhất để đáp xuống và xử lý ngay. Tháng 5/2012, còn nhớ từng xảy ra sự cố trong chuyến bay HN- TP HCM khiến phi hành đoàn phải cho máy bay “bổ nhào” khẩn cấp xuống sân bay Đà Nẵng trong tình trạng thiếu dưỡng khí và nhiều người lúc đó đã ngất xỉu.
Sự cố này cho thấy công tác an toàn bay vẫn chưa được coi trọng.
|
TS Trần Đình Bá.
|
- Là chuyên gia, ông đánh giá gì về việc cơ trưởng của VNA không cho máy bay đáp khẩn cấp xuống Vinh, lại nhấn nhầm nút khiến máy bay rơi vào tình huống phải đối phó khẩn nguy?
- Đây là điều phải chờ cơ quan chức năng vào cuộc và giải thích. Việc trục trặc kỹ thuật làm giảm áp buồng kín là phải đáp xuống ngay sân bay gần nhất để cấp cứu như trường hợp 5/2012 đáp xuống Đà Nẵng. Kéo dài thời gian bay rất lâu trên bầu trời từ Vinh đến Nội Bài hàng chục phút là tăng nguy cơ mất an toàn, cực kỳ nguy hiểm cho toàn bộ máy bay.
Ngoài ra, việc bấm "nhầm nút" thật là chuyện quá nực cười. Giả sử cơ trưởng có ấn nhầm thì còn có tổ lái là Hoa tiêu và phi hành đoàn chứ? Mọi nhất cử nhất động trên máy bay thì trung tâm phải nắm. Trung tâm quản lý bay của thế giới còn biết về thời gian bay của vụ này nữa cơ mà. Trong quá trình bay, thông tin từ máy bay tới mặt đất là Vinh và Nội Bài đều giữ được liên lạc hai chiều thì tại sao lại có chuyện “bé cái nhầm" đến thế? Vậy trách nhiệm của Cơ trưởng, tổ lái Đài chỉ huy sân bay, điều hành không lưu ở đâu?
- Ông nhận xét gì về tính chất nghiêm trọng của vụ việc này?
- Phải nói là rất nghiêm trọng, thậm chí còn nghiêm trọng gấp nhiều lần sự cố hạ cánh nhầm sân bay. Vì lần này là vừa trục trặc kỹ thuật an toàn; vừa ấn nút nhầm khiến hành khách hoảng loạn lại vừa hạ cánh trong điều kiện kéo dài thời gian trên bầu trời dù thiếu dưỡng khí, ảnh hưởng đến sức khỏe của toàn phi hành đoàn...
Sự việc đang được điều tra, mở hộp đen máy bay và băng ghi âm điều hành không lưu là sẽ biết tất cả.
- Xin cảm ơn ông!