Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hiện là một trong hai cổ đông lớn tại Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID) với số lượng cổ phần đang sở hữu là 19.528.409 cổ phần (chiếm khoảng 47,63%).
|
VIID là chủ đầu tư dự án 24 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội nhưng đến nay dự án này đã "gắn mác" Tân Hoàng Minh. |
“Hạ giá” vốn Nhà nước
Mới đây, SCIC tiếp tục thông báo lần 2 đấu giá cả lô 19.528.409 cổ phần đang sở hữu tại VIID với giá khởi điểm 390,569 tỷ đồng (khoảng 20.000 đồng/cổ phần).
Mức giá này SCIC đưa ra cao gấp đôi mệnh giá cổ phần của VIID. Bởi hiện nay VIID có vốn điều lệ là 410 tỷ đồng và có mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần.
Nếu đủ điều kiện, thời gian và địa điểm đấu giá dự kiến là 09h00 ngày 19/10/2022, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Đây là lần thứ 2, SCIC đem lô cổ phần sở hữu tại VIID này ra đấu giá.
Trước đó vào tháng 3/2020, SCIC từng đăng ký đấu giá bán toàn bộ 19.528.409 cổ phần với mức khởi điểm lên đến 26.400 đồng/cổ phần (tương đương 516 tỷ đồng). Tuy nhiên, kế hoạch thoái vốn này chưa thành do không có người đăng ký mua.
Như vậy, giá khởi điểm lô cổ phần VIID của SCIC đưa ra lần này đã thấp hơn so với lần trước khoảng 6.400 đồng/cổ phần, tương đương 125 tỷ đồng.
Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, VIID được thành lập vào năm 2008 trên cơ sở góp vốn của SCIC, Công ty CP cơ điện lạnh (REE) và Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) với vốn điều lệ là 100 tỷ đồng. Với hoạt động kinh doanh chính là đầu tư, xây dựng tòa nhà chung cư, văn phòng, đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng đất nền.
Đáng chú ý, VIID đã khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu nhiều dự án ở nhiều khu vực khác nhau. Đến nay đã thực hiện đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng một số dự án “đất vàng” tại những vị trí đắc địa trên địa bàn TP Hà Nội.
Cụ thể như, Dự án Tòa nhà hỗn hợp số 6 Nguyễn Công Hoan (Hà Nội), hoàn thành năm 2014. Đây là tòa nhà chung cư gồm 20 tầng nổi, 3 tầng hầm xây dựng trên tổng diện tích đất 3.228,1m2. Hiện tại VIID đang quản lý và khai thác 95 chỗ đỗ ô tô trong tần hầm.
Dự án 24 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội là tòa nhà văn phòng gồm 7 tầng nổi, 3 tầng hầm được xây dựng trên tổng diện tích 1.473m2, hiện tại đã cho đối tác thuê dài hạn đến năm 2058.
Và dự án Khu đô thị mới Nam Lê Lợi – Quảng Ngãi tại phường Chánh Lộ và phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi với diện tích khoảng 32ha, thực hiện từ năm 2016 và đến thời điểm hiện tại đạt khoảng 94% tiến độ hoàn thành. Đây là Khu đô thị do VIID đầu tư xây dựng hạ tầng và chuyển nhượng đất nền.
Tháng 6/2022 mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có quyết định chấp thuận VIID là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bắc Sa Huỳnh, thuộc thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Cổ đông lớn "thâu tóm" quá bán cổ phần
Dù VIID là chủ đầu tư của những dự án nằm tại vị trí “đất vàng” kể trên nhưng đến nay SCIC chưa thể thoái vốn tại VIID và tiếp tục giao đấu giá.
Chưa thể khẳng định lý do vì sao cổ phần của SCIC tại VIID lại chưa hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên diễn biến thay đổi tỷ lệ sở hữu của các cổ đông trong VIID rất đáng chú ý.
Cụ thể, sau khi VIID được SCIC, REE và Lilama góp vốn thành lập (năm 2008), thì đến ngày 27/02/2012 Lilama đã chính thức chuyển nhượng toàn bộ 2.000.000 cổ phần tại VIID cho REE.
Đến ngày 23/12/2020, REE cũng chuyển nhượng toàn bộ 20.751.197 cổ phần tại VIID cho Công ty TNHH Bất động sản REE (Bất động sản REE).
Ngày 22/10/2021 Bất động sản REE chính thức chuyển nhượng toàn bộ 20.751.197 cổ phần tại VIID cho một thể nhân là ông Nguyễn Thanh Tùng.
Tính đến nay VIID có hai cổ đông lớn là SCIC và cá nhân ông Nguyễn Thanh Tùng. Trong đó, SCIC sở hữu 47,63% cổ phần, và ông Nguyễn Thanh Tùng sở hữu 52,23% cổ phần.
Như vậy có thể thấy, dù sở hữu những dự án vị trí đắc địa nhưng tới nay SCIC vẫn chưa thể thoái 47,63% vốn tại VIID và tiếp tục phải “hạ giá” vốn Nhà nước.
Tuy nhiên, cần thấy rằng tới nay riêng cá nhân ông Nguyễn Thanh Tùng đã kịp "thâu tóm" sở hữu 52,23% cổ phần (tức là quá 50% cổ phần) tại VIID. Đồng nghĩa với việc nắm quyền chi phối biểu quyết nhiều vấn đề quan trọng của doanh nghiệp.
Tìm hiểu cho thấy, doanh thu thuần năm 2021 của VIID đã giảm mạnh so với năm 2020 (giảm 46,42%) do sự sụt giảm đáng kể doanh thu từ mảng chuyển nhượng bất động sản. Dù vậy nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VIID năm 2021 lại tăng đột biến, từ âm 4,7 tỷ đồng năm 2020 lên 1,7 tỷ đồng năm 2021.
VIID sở hữu 37% cổ phần (tỷ lệ vốn góp 185 tỷ đồng) tại Công ty TNHH Đầu tư xây dựng đường Trịnh Xá – Đa Hội. Tuy nhiên, tháng 12/2020 VIID đã ký hợp đồng chuyển nhượng 99,9% cổ phần tại đây cho Công ty Thông Hiệp (TNHH) với giá phí chuyển nhượng là 311,6 tỷ đồng.
Đến ngày 30/06/2022, các bên vẫn đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục pháp lý chuyển nhượng vốn góp trên. HĐQT VIID chưa có Nghị quyết duyệt chấp thuận cho VIID chuyển nhượng vốn góp của VIID cho Công ty Thông Hiệp và Công ty Thông Hiệp cũng chưa chuyển tiền thanh toán cho VIID.