Tăng mức lương tối thiểu
Từ 1/1/2014, Nghị định 182 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã... có hiệu lực.
Lương tối thiểu vùng áp dụng theo 4 mức: vùng 1 là 2,7 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 2,4 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 2,1 triệu đồng/tháng; vùng 4 là 1,9 triệu đồng/tháng.
Theo quy định này, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức hiện nay từ 250.000 - 350.000 đồng/tháng. Mức lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Mức lương tối thiểu vùng trên dùng làm căn cứ để xác định, điều chỉnh các mức lương trong thang lương, bảng lương của doanh nghiệp và mức lương ghi trong hợp đồng lao động. Doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, tiền lương hoặc phụ cấp làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
Các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.
Không thu phí khi đổi tiền hư hỏng
Ngày 3/12/2013, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 25 quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
Theo đó, với loại tiền rách nát, hư hỏng do quá trình lưu thông hoặc bị lỗi kỹ thuật khi in ấn, các ngân hàng phải có trách nhiệm thu, đổi ngay mà không thu phí, không hạn chế số lượng và không cần bất cứ thủ tục giấy tờ nào.
Với tiền không đủ tiêu chuẩn do nguyên nhân chủ quan như bị thủng, rách, được can dán, đã cháy và biến dạng, tiền kim loại bị cong vênh... ngân hàng chỉ nhận và xem xét thu, đổi nếu tờ tiền đó vẫn đáp ứng các yêu cầu tối thiểu.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/1/2014 và thay thế Quyết định 24/2008/QĐ-NHNN.
Miễn thuế xuất khẩu vàng nữ trang
Theo quy định của Bộ Tài chính tại thông tư 164/2013, từ 1/1/ 2014, thuế suất xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ và các sản phẩm bằng vàng sẽ giảm về 0%. Riêng vàng nguyên liệu xuất khẩu không phân biệt hàm lượng sẽ chịu thuế 2%.
Tuy nhiên, việc áp thuế đối với vàng nguyên liệu, sẽ chỉ áp dụng khi Ngân hàng Nhà nước cho phép các công ty được xuất, nhập vàng nguyên liệu (hiện tại chưa doanh nghiệp nào được phép), còn khi Ngân hàng Nhà nước nhập vàng sẽ không chịu thuế.
Hiện vàng nguyên liệu hàm lượng dưới 99,99% sẽ chịu thuế suất xuất khẩu là 10%, còn với nữ trang vàng có hàm lượng trên 80% cũng chịu thuế 10%. Mức thuế này được quy định từ năm 2011, sau khi nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vàng dưới dạng nữ trang thô.
Giảm thuế nhập khẩu ô tô
Từ 1/1/2014, thuế suất thuế nhập khẩu rất nhiều loại ô tô từ các nước ASEAN sẽ giảm về mức 50%, thay vì 60% như hiện nay.
Mức thuế suất này được quy định tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2012 - 2014 do Bộ Tài chính ban hành kèm theo Thông tư 161/2011-BTC ngày 17/11/2011.
Cũng theo biểu thuế này, thuế nhập khẩu các mặt hàng tương tự hiện đang áp dụng ở mức 60% và trước đó, năm 2012 áp dụng ở mức 70%. Riêng các loại xe tải và xe chuyên dụng sẽ được hưởng mức thuế suất 0 - 5%.
Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong khu công nghệ thông tin
Theo Nghị định 154/2013 của Chính phủ hướng dẫn cụ thể về vấn đề quản lý khu công nghệ thông tin tập trung, từ 1/1/2014, các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghệ thông tin tập trung sẽ được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, trường hợp đặc biệt được kéo dài đến 30 năm; được miễn thuế 4 năm đầu và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo.
Doanh nghiệp cũng sẽ được miễn thuế nhập khẩu khi nhập khẩu hàng hóa tạo tài sản cố định, phục vụ sản xuất kinh doanh như máy móc, thiết bị, linh kiện, chi tiết, bộ phận rời...
Về tiêu chí thành lập, các khu công nghệ thông tin tập trung có ít nhất 2.000 lao động làm việc chuyên môn về công nghệ thông tin, chiếm tối thiểu 60% tổng số lao động làm việc trong khu.
Phạt nặng dự án triển khai không phép
Chính phủ mới ban hành Nghị định số 155/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2014 và thay thế các Nghị định số 53/2007 ngày 4/4/2007 và Nghị định số 62/2010 ngày 4/6/2010.
Trong đó quy định: Không thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định của pháp luật; tạm ngừng, giãn tiến độ thực hiện dự án nhưng không thông báo bằng văn bản tới cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư sẽ bị phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng.
Chuyển nhượng dự án không đúng quy định cũng sẽ bị phạt từ 50 triệu đến 70 triệu đồng. Đặc biệt, phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi triển khai thực hiện dự án khi chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Ban hành bảng giá đất mới
Luật Đất đai sửa đổi vừa mới được Quốc hội thông qua với nhiều điều thay đổi. Đáng chú ý là vấn đề định giá đất. Luật Đất đai 2013 quy định là bảng giá đất chỉ áp dụng cho một số trường hợp; các trường hợp liên quan đến thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, tính tiền bồi thường khi thu hồi đất và tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đều phải quyết định giá đất cụ thể.
Khung giá đất của Chính phủ và bảng giá đất của UBND cấp tỉnh được ban hành 5 năm một lần, khi có biến động lên hoặc xuống 20% thì phải điều chỉnh. Luật Đất đai 2013 quy định việc thành lập Hội đồng thẩm định giá đất để thẩm định giá trước khi UBND cấp tỉnh quyết định giá đất trong các trường hợp cụ thể.
Luật Đất đai 2013 quy định: trường hợp không đưa đất vào sử dụng (trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa) thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này.
Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.