Luôn nhìn lại mình

Google News

Theo sự quán sát của tôi, khi một vị giảng sư mới đi giảng chưa có danh tiếng gì thì rất dễ thương, thái độ thì ôn hòa, lời nói thì khiêm cung từ tốn như sợ mình nói sai vậy.

Luon nhin lai minh
 Nhìn lại - Ảnh minh họa
Có một vị giảng sư mà trước đây tôi rất thích nghe những bài giảng của thầy ấy. Lúc đó chưa có YouTube mà chỉ có đĩa CD. Tôi thường hay ra các phòng phát hành kinh sách Phật giáo để tìm mua đĩa của thầy về nghe. Nghe xong rồi thì tôi cho lại má tôi hay những Phật tử khác. Họ cũng rất thích. Thầy giảng không cao siêu nhưng dễ hiểu và thực tế, nhất là thầy rất vui tươi với những câu chuyện dí dỏm nhưng ý nghĩa. Thế nhưng, cùng với tiếng tăm của thầy ngày càng lên cao thì cách giảng của thầy cũng thay đổi. Trước đây thầy rất khiêm tốn, nói ra sợ sai ý Phật, Tổ nên lời nói có phần e dè. Còn bây giờ thì hình như thầy tin rằng những gì thầy nói đều đúng, đều là chân lý, cho nên thầy không còn giảng nữa mà thầy… phán.
Có lẽ do quá tự tin nên thái độ và cử chỉ của thầy cũng trở nên rất thô tháo. Trong khi miệng thì phán như chửi lộn còn tay thì chỉ trỏ bên nọ bên kia. Đỏ mặt tía tai. Tôi không rõ thầy ấy có sân hay không nhưng tôi nghe thầy giảng mà tâm tôi không an lạc chút nào. Một Phật tử nhận xét rằng thầy ấy giống như đang hùng biện hơn là giảng Phật pháp.
Người giảng Phật pháp không chỉ truyền đi kiến thức mà còn truyền đi yêu thương và an lạc cho đại chúng. Nếu người giảng có thái độ hay tâm trạng sân si thì người nghe chỉ nhận được sự nóng bức của lửa sân si mà thôi, làm sao an lạc được, cho dù vị giảng sư có nói đúng, nói hay đi nữa. Mà thật ra vị giảng sư ngồi trên pháp tòa mà sân thì đã sai rồi, vì nó đi ngược lại với giáo pháp vậy.
Một số giảng sư còn nghĩ đến chuyện tạo ra sự huyền bí, linh thiêng để cho mọi người càng bái phục mình thêm. Họ bắt ấn, chú nguyện, tiếp xúc với cõi âm hoặc dựng cảnh cho mọi người thấy rằng họ độ được cả người âm, rằng ngay cả người âm cũng cảm cái đức độ của họ mà xin nương tựa tu học. Họ tạo ra sự mập mờ để cho mọi người nghĩ rằng “chắc là ông thầy này đã chứng được thần thông hay quả vị gì rồi đây”. Những giảng sư như thế thật sự họ đã bị rơi vào cơn khát danh vọng. Họ khát sự kính trọng, khát lời khen của người khác không biết bao nhiêu cho vừa.
Thật ra khi mới đi giảng pháp, ai cũng chứa đựng một tâm hồn trong sáng, rằng chỉ muốn đem giáo pháp của Thế Tôn để giúp cho chúng sinh được lợi ích, an lạc. Nhưng đến khi có danh vọng rồi thì người ta quên đi cái tâm trong sáng ban đầu ấy mà say sưa với sự tung hô của mọi người. Khi đã quen với danh vọng thì họ không muốn nó bị mất. Muốn nó còn mãi và ngày càng nhiều hơn. Thậm chí để làm được điều đó, họ còn có thể làm những điều không đúng với đạo lý. Do những gì họ giảng được nhiều người tin tưởng nghe theo quá nên dần dần họ cũng tưởng rằng có lẽ họ đã chứng được phần nào thánh quả, nói đâu trúng đó và có khả năng ban phước lành cho người khác.
Người xưa có nói, “Hành tàng hư thật tự gia tri/ Họa phúc nhân do cánh vấn thùy?” Con người của mình như thế nào nếu mình bình tâm mà xét thì biết liền chứ đâu cần phải hỏi ai. Trong kinh Đức Phật cũng đã chỉ ra rất rõ ràng rằng trong mười căn bản phiền não, diệt phiền não nào thì chứng được quả vị nào… Hòa thượng Thanh Từ có dạy rằng, muốn biết mình tu giỏi hay chưa thì cứ coi tâm mình có động trước cảnh hay không. Mắt thấy sắc có chạy theo không, tai nghe tiếng có chạy theo không… Và đối với tám ngọn gió "thịnh-suy, hủy-dự, xưng-cơ, khổ-lạc" mình đã tự chủ được chưa. Nếu mình vẫn còn vui buồn với cái được mất, sướng khổ với sự khen chê… thì cho dù thiên hạ có tung hô mình là thánh sống đi nữa thì mình cũng nên biết rằng mình vẫn còn phàm phu lắm, cần phải tiếp tục tu học.
Tôi chỉ là một ông thầy tu bình thường ở chùa. Tôi viết bài này với tư cách là một người học Phật pháp, một khán thính giả của các vị giảng sư cao quý. Tôi bày tỏ những điều trên đây không nhằm phê bình mà chỉ vì một mục đích duy nhất là muốn cho hình ảnh các vị thầy giảng sư luôn luôn đẹp trong lòng Phật tử và thính chúng nói chung để các ngài có thể cống hiến nhiều hơn nữa cho Phật pháp và chúng sinh bằng với bài giảng vô cùng ý nghĩa, trong đó bài giảng bằng thân giáo cũng không kém phần quan trọng.
Theo Hữu Huệ/giacngo

>> xem thêm

Bình luận(0)