Nga và Israel lâu nay có mối quan hệ tương đối tốt đẹp bất chấp sự bất ổn ở Trung Đông, nhưng mối quan hệ này đang có nguy cơ bị ảnh hưởng khi Nga đổ lỗi cho Isarel về vụ máy bay Il-20 của Nga bị phía Syria bắn rơi.
Mặc dù về mặt kỹ thuật, chiếc máy bay bị bắn hạ bởi tên lửa Syria, nhưng Nga đã chính thức lên tiếng cáo buộc phi công Israel đã lợi dụng Il-20 của Nga như một vỏ bọc vì vụ việc xảy ra đúng vào thời điểm các chiến đấu cơ của Israel không kích vào Latakia của Syria.
Trung Đông lâu nay vẫn là mảnh đất tranh giành ảnh hưởng giữa những đối thủ “ghét nhau cay đắng”. Căng thẳng gia tăng sau sự kiện Mùa xuân Arab đã tàn phá thêm khu vực vốn đã phức tạp này, các bên - dù lớn hay nhỏ đều tranh giành lợi ích và xung đột tham vọng ở khu vực này. Tuy vậy, Nga và Israel vẫn luôn cố duy trì mối quan hệ tốt đẹp.
|
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RT |
“Làm bạn với đồng minh của đối thủ”?
Chỉ riêng trong năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu 3 lần, và cả 3 lần báo chí đều có rất ít thông tin chi tiết từ những cuộc họp kín. Tháng 5/2018, người ta thấy Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là một trong những khách mời tới dự lễ diễu binh của Nga tại Quảng trường Đỏ ở Moscow, dù trước đó, báo chí không hề có thông tin nào về điều này
Thông qua ngoại giao “sau rèm”, Nga duy trì mối quan hệ gần gũi với Israel. Việc Israel là một trong những đồng minh thân cận của Mỹ chưa bao giờ là vấn đề với Nga. Bản thân Nga cũng tiếp tục phát triển quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, những kẻ thù không đội trời chung với Israel.
Đối với Nga, Israel là một đối tác quan trọng về mặt địa chính trị, được cho là có khả năng hạt nhân, nằm ở trung tâm khu vực bất ổn nhất thế giới. Không chỉ thế, Israel còn là nhà của khoảng 1,3 triệu người sinh ra ở các nước thời hậu Xô Viết. Điều này đóng vai trò quan trọng khi Nga đưa ra những cách tiếp cận đối với Israel.
Ngay cả cuộc chiến ở Syria, nơi mà Israel – với hy vọng kiềm chế tầm ảnh hưởng của Iran – hỗ trợ và trang bị vũ khí cho các nhóm phiến quân chống chính phủ gây nhiều tranh cãi, cũng không dẫn tới một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong quan hệ giữa Israel với Nga.
Với lý do xung đột, Quân đội Israel (IDF) đã tiến hành nhiều cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu ở Syria và thậm chí nã tên lửa vào máy bay chiến đấu của Syria. Mỗi cuộc tấn công này đều bị Syria và Nga chỉ trích mạnh mẽ rằng can thiệp quân sự vào một nước mà không được sự đồng ý của chính phủ của nước đó và Liên Hợp Quốc là bất hợp pháp. Tuy nhiên, Nga không hề có những phản ứng mạnh mẽ hơn đối với Israel để ngăn chặn những vụ tấn công như vậy.
Nga không thiếu cách “đánh” Israel
Nga có nhiều cách trực tiếp hay gián tiếp để có thể làm tổn hại tới lợi ích của Israel nếu Nga muốn theo đuổi lựa chọn như vậy, ông Sergey Balmasov, thuộc Viện nghiên cứu Trung Đông có trụ sở tai Moscow cho biết.
Theo ông Balmasov, sau sự kiện Il-20, Nga “gần như chắc chắn” sẽ hoàn tất việc bàn giao hệ thống phòng không S-300 đã từng bán cho phía Syria trước đây. “Nếu Nga quyết định như vậy, Không quân Israel sẽ có lý do phải sợ khi tiến hành không kích trong không phận Syria”.
Các lựa chọn khác có thể sẽ bao gồm từ việc ngầm cung cấp vũ khí Nga cho các bên mà Israel coi là kẻ thù, như Iran hay lực lượng Hezbollah của Lebanon, đe dọa bắn hạ bất cứ máy bay Israel nào tới gần không phận Syria hoặc thậm chí tấn công vào các mục tiêu quân sự của Israel, chuyên gia này Balmasov gợi ý. Tất nhiên, sự việc leo thang như vậy sẽ không có lợi cho cả Israel và Nga, và “quả bóng đang ở trên sân của Israel” để họ ngăn chặn điều đó.
Nói với RT, ông Nikolay Surkov thuộc Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế, cho rằng, Nga và Israel có thể sẽ thảo luận về vụ việc Il-20 một cách không chính thức ở thời điểm này. Nhưng bao nhiêu trong số những lời giải thích hay xin lỗi mà Israel có thể đưa ra với Nga sẽ được công khai lại là một vấn đề khác. Việc Nga nhanh chóng đổ lỗi sự vụ việc Il-20 cho thấy “Nga bức xúc thế nào với những hành động vô trách nhiệm” của Israel.
Trong khi đó, chuyên gia Mirzayan của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế cho rằng, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có thể ngăn tình hình thêm trầm trọng bằng cách công khai thừa nhận sai lầm và đề xuất bồi thường. Nếu Israel “giữ im lặng, chối bỏ trách nhiệm cho điều này hay đổ lỗi cho Syria, thì hậu quả sẽ rất nặng nề đối với Israel”, ông nói. Cho tới giờ IDF vẫn nói rằng, trách nhiệm về vụ việc Il-20 không phải là của Israel, mà là của Syria, Iran và Hezbollah.
Quan hệ Nga-Israel không dễ tổn hại?
Bộ Quốc phòng Nga xác nhận, máy bay Il-20 đã bị các hệ thống phòng không Syria bắn hạ sau khi thực hiện nhiệm vụ trinh sát tại vùng giảm căng thẳng ở Idlib. 4 chiến đấu cơ F-16 của Israel đã tấn công Syria và lợi dụng máy bay Il-20 làm lá chắn vì tin rằng lực lượng phòng không Syria sẽ không kháng cự. Phía Israel cũng không thông báo với Nga khi thực hiện vụ tấn công.
Trong khi Bộ Quốc phòng Nga mô tả hành động của Israel là “liều lĩnh” và “không thân thiện”, thì Tổng thống Putin sau đó đã xoa dịu tình hình. Ông nói rằng, vụ việc của Il-20 trông giống như một vụ tai nạn hơn bất cứ điều gì khác. Một số người cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy vụ việc có thể nhanh chóng dịu đi và sẽ ít gây tổn hại tới các mối quan hệ.
“Tôi tin chúng ta đang nhìn nhận nó như một vụ tai nạn. Israel không cố tình sát hại các binh sỹ Nga hay phá hủy các tài sản của Nga”, ông Grigory Lukyanov, một học giả của Nga cho biết. Tuy nhiên, ông vẫn tin rằng, trường hợp này sẽ trở thành một chủ đề tranh luận về thực trạng quan hệ Nga-Israel. Theo ông, cả hai, đều cần một mối quan hệ tốt để có thể duy trì hợp tác trong các vấn đề cấp thiết, bao gồm cả cuộc xung đột ở Syria, các mối quan hệ giữa Israel và Iran – vấn đề mà Nga sẽ tìm thấy vị thế của mình như một nhà trung gian hòa giải.