Sáng 19/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký thỏa thuận chung tại nhà khách chính phủ Paekhwawon ở thủ đô Bình Nhưỡng, sau hai vòng đàm phán trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba trong năm nay.
Với thỏa thuận vừa ký kết, hai nhà lãnh đạo Hàn-Triều nhất trí biến bán đảo Triều Tiên thành vùng đất không vũ khí hạt nhân. Trong đó, Chủ tịch Kim Jong-un đồng ý đóng cửa vĩnh viễn các khu thử nghiệm tên lửa chính của nước này trước sự chứng kiến của các chuyên gia nước ngoài cùng nhiều cam kết khác.
Mặc dù Bình Nhưỡng đã nhất trí thực hiện các bước đi "cần thiết, cụ thể" nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hướng tới thiết lập hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên nhưng giới chuyên gia vẫn hoài nghi rằng liệu những cam kết trong thỏa thuận này có được hiện thực hóa?
|
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters. |
Theo DW, dù Triều Tiên có những động thái tích cực, nhiều chuyên gia phân tích tin rằng Bình Nhưỡng cuối cùng vẫn có ý định duy trì khả năng răn đe hạt nhân của mình bởi đó là “lá chắn” đảm bảo sự tồn tại cho chế độ ông Kim Jong-un.
“Dĩ nhiên chúng tôi vẫn còn bận tậm. Tổng thống Moon đã dành nhiều thời gian và nỗ lực để tăng cường hợp tác về kinh tế và nhân đạo với Triều Tiên nhưng Mỹ quả quyết rằng họ biết tất cả về vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng”, Ahn Yinhay, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul, cho hay.
Theo bà Ahn, cho dù Triều Tiên có hứa hẹn như thế nào về việc “giải quyết” số vũ khí hạt nhân của họ thì các biện pháp trừng phạt vẫn sẽ không được dỡ bỏ cho đến khi Washington thực sự cảm thấy hài lòng.
“Không ai ở Hàn Quốc muốn chiến tranh, nhưng tôi phải nói rằng nguy cơ này vẫn xuất hiện trong tâm trí của chúng tôi bởi vì đa số người dân nơi đây không tin rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thực hiện cam kết loại bỏ vũ khí hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”, bà Ahn bình luận.
Mời độc giả xem thêm video: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đón Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Bình Nhưỡng (Nguồn: CNA)
Garren Mulloy, phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunkyo ở Nhật Bản, cũng không lạc quan về khả năng Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
“Mục đích duy nhất của ông Kim là tồn tại. Ông ấy có thể từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu quyền lãnh đạo của mình được đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, mỗi nhiệm kỳ tổng thống Mỹ kéo dài 4 năm, bất kỳ lời hứa nào được đưa ra bởi chính quyền trước đó thì vị tổng thống kế nhiệm không nhất thiết phải thực hiện. Nhà lãnh đạo Triều Tiên biết điều đó. Do vậy, ngay cả khi được Liên Hợp Quốc và Trung Quốc đảm bảo thì cũng không đủ để thuyết phục ông ấy. Đó là lý do tại sao tôi bi quan về cơ hội phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên”, giáo sư Mulloy nói.
Theo chuyên gia Ahn Yinhay, một viễn cảnh khác có thể xảy ra đó là sự cải thiện trong mối quan hệ liên Triều có thể gây chia rẽ Mỹ và nước đồng minh Châu Á - Hàn Quốc. Điều này có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.
“Theo trực giác của tôi, ông Kim sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình, và điều đó sẽ gây căng thẳng cho mối quan hệ giữa Seoul và Washington. Trước đây, chúng ta đã nói nhiều về sự thiếu tin tưởng giữa Triều Tiên và phần còn lại của thế giới nhưng hiện giờ tôi cho rằng nguy cơ lớn hơn là sự thiếu lòng tin giữa Mỹ và Hàn Quốc”, bà Ahn nói thêm.