Vàng và trống
Victory là tên gọi đầu tiên của Cúp vàng ở World Cup 1930 - năm đầu tiên tổ chức World Cup. 16 năm sau, Victory đổi thành Jules Rimet - tên của cựu chủ tịch của FIFA Jules Rimet, với mục đích vinh danh ông Jules Rimet. Chiếc Cúp này cao 35 cm và nặng 3,8 kg.
Sau World Cup 1970, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đã phát động cuộc thi nhằm tạo ra chiếc Cúp mới cho nhà vô địch World Cup. Silvio Gazzaniga - hoạ sĩ người Ý đã giành chiến thắng và Cúp vàng có tên gọi FIFA World Cup.
FIFA World Cup hiện tại khác biệt so với Jules Rimet với chiều cao 36,8 cm, nặng 6.142 kg, làm 5 kg vàng nguyên khối 18 cara. Nói ví von thì Cúp vàng thế giới trị giá 270.000 USD (theo giá vàng hiện tại) nhưng “đắt giá” nhất thế giới, bởi 32 đội tuyển tranh tài trong vòng 1 tháng để tìm ra nhà vô địch. Nhìn xa hơn, giá trị của World Cup là không thể nào đong đếm, điển hình chủ nhà Qatar đã chi 300 tỷ USD để tổ chức World Cup 2022.
Ngoài Cúp vàng, một trong những thứ không thể thiếu ở World Cup là trống - dụng cụ cổ vũ của các CĐV. Sở dĩ chọn trống là nhằm tôn vinh ông Manolo del Bombo - người đã có 10 kỳ World Cup và 8 kỳ Euro tham gia cổ vũ cho tuyển Tây Ban Nha, tính luôn World Cup 2022.
Cụ thể, Manolo del Bombo luôn mặc chiếc áo số 12 của tuyển Tây Ban Nha và xuất hiện ở World Cup cùng chiếc trống in dòng chữ El bombo de España. Con số 82 cũng đại diện cho kỳ World Cup đầu tiên mà ông Manolo del Bombo cổ vũ cho Tây Ban Nha: World Cup 1982.
Manolo del Bombo có một người bạn khác châu lục là ông Héctor Chávez - người cũng có 40 năm cổ vũ cho tuyển Mexico. Thật kinh ngạc khi ông Héctor Chávez đã có hơn 450 trận cổ vũ cho tuyển Mexico.
Cổ động viên luôn tạo ra niềm cảm hứng bất tận cho mọi đội bóng và mọi giải đấu. World Cup chính là sân khấu bóng đá được chứng kiến rất nhiều câu chuyện về tình yêu bóng đá của người hâm mộ trên toàn thế giới. Nên World Cup không chỉ tôn vinh các đội bóng mà còn dành CĐV - hãy cảm ơn họ vì tình yêu bóng đá bất tận.
Đến “vàng” và “trống” về ứng viên vô địch
Đây là một ý nghĩa khác để nói về đội bóng có thể giành Cúp vàng ở World Cup. Sự thú vị là phần lớn các đội bóng được truyền thông và chuyên gia đánh giá cao thì khả năng vô địch càng thấp.
Kể từ World Cup 2002, các đội bóng đương kim vô địch đều phải về nước sau vòng bảng, dù họ luôn được đánh giá rất mạnh, bao gồm Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Đức. Đây là cái dớp đáng sợ nhất trong lịch sử bóng đá, vì nhà vô địch phải chạm đáy thất vọng ở giải đấu kế tiếp.
Một câu chuyện khác là ứng viên vô địch World Cup. Đức vô địch World Cup 1990 và 2014 đều không được đánh giá cao nhất. Pháp vô địch World Cup 1998 là bất ngờ khi hạ Brazil 3-0 ở chung kết. Brazil vô địch năm 2002 cũng không được đánh giá mạnh bằng Pháp, Argentina. Ý vô địch World Cup 2006 là minh chứng sống động nhất, khi đến giải đấu với tâm thế của đội bóng bị tổn thương nghiêm trọng về scandal ở giải vô địch quốc gia.
Trong nhiều kỳ World Cup liên tiếp, Argentina luôn được đánh giá là ứng viên vô địch nặng ký. Họ sở hữu ngôi sao Messi đã có 6 lần giành QBV nhưng vẫn không thể vô địch World Cup, lần gần nhất là năm 1986.
Tuyển Anh cũng là minh chứng. Người Anh đã có 56 năm chưa thể vô địch World Cup, ngay đến vào đến chung kết cũng không thể làm được. Nghịch lý là tuyển Anh thường rất ồn ào về truyền thông, hay được đánh giá theo kiểu thổi phồng về năng lực thực sự. Hay nói thẳng là “thùng rỗng thường kêu to”.
Vàng khối được gõ không kêu to, còn trống đánh sẽ vang to. Đây là câu chuyện chung để đi tìm nhà vô địch World Cup 2022. Những ứng viên nặng ký như Brazil, Pháp, Argentina, Anh, Tây Ban Nha rất mạnh nhưng chưa chắc là “vàng thật”, họ có thể chỉ là “trống” được đánh lên ồn ào tại giải đấu. Ngược lại, sự âm thầm đáng sợ của tuyển Đức có thể là “vàng thật”, tức là tân vương ở World Cup 2022.