Một phái đoàn gồm các quan chức Mỹ dự kiến sẽ đến Trung Đông trong tuần này. Cùng với các Ai Cập và Qatar, các nhà đàm phán trung gian sẽ làm việc trước để giải quyết những bất đồng về điều kiện ngừng bắn của Israel và lực lượng Hamas, trước khi hòa đàm chính thức diễn ra vào ngày 15/8.
Đây là mốc thời gian có tính bước ngoặt với cuộc đàm phán về Gaza bởi trước đó giới chức Israel đã nhiều lần nhấn mạnh bây giờ hoặc không bao giờ để đạt thỏa thuận ngừng bắn.
Hôm qua, văn phòng Thủ tướng Israel thông báo nước này sẽ cử đoàn tham gia cuộc đàm phán để hoàn tất các chi tiết về việc thực hiện thỏa thuận "khung” liên quan đến ngừng bắn và trao đổi con tin. Các nguồn tin nội bộ Israel thể hiện thái độ lạc quan về cuộc đàm phán tới đây, cho rằng thỏa thuận có thể hoàn tất và triển khai ngay sau đó.
Trái với thái độ của Israel, đại diện của phong trào Hamas của Palestine hôm qua cho biết, họ không có kế hoạch cử phái đoàn đến tham gia các cuộc đàm phán hòa giải với Israel về thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin vào ngày 15/8 tới, sau vụ tấn công vào trường học ở Gaza.
Trong một thông cáo báo chí, lực lượng Hamas yêu cầu các nhà hòa giải trình bày một kế hoạch dựa trên các cuộc đàm phán trước đây, thay vì tham gia vào các cuộc đàm phán mới để đạt được thỏa thuận. Tuyên bố trên của Hamas cho thấy sự thay đổi thái độ của Hamas đối với tiến trình đàm phán hiện nay.
Trước đó hai ngày, vụ Israel không kích trường học ở Gaza đã làm thổi bùng làn sóng phẫn nộ của khu vực và quốc tế. Mặc dù phía quân đội Israel cho rằng số người chết đã bị phóng đại, song vụ tấn công nhằm vào một địa điểm được xem là khá nhạy cảm – nơi trú ẩn cuối cùng ở Gaza của nhiều người dân Palestine đã khiến Israel đối mặt với khá nhiều chỉ trích, thậm chí cả từ đồng minh Mỹ.
Phát biểu trong sự kiện vận động tranh cử tại, bang Arizona hôm qua (11/8), Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho rằng đã có quá nhiều người dân thiệt mạng trong vụ tấn công vừa qua của Israel nhằm vào một trường học tại Gaza. Bà đồng thời nhấn mạnh Israel phải có trách nhiệm quan trọng, hạn chế thương vong cho dân thường. Theo Phó Tổng thống Mỹ, ưu tiên hàng đầu của chính quyền Mỹ hiện nay là thúc đẩy các bên liên quan đạt nhất trí về việc thả con tin và đi đến thỏa thuận ngừng bắn.
"Vâng, trước hết và quan trọng nhất là chúng ta cần đưa các con tin ra ngoài, chúng ta cần một thỏa thuận về con tin và chúng ta cần một lệnh ngừng bắn. Đây là điều mà Tổng thống và Chính phủ Mỹ đã làm việc liên tục suốt ngày đêm để đạt được mục tiêu này. Và tôi nhấn mạnh, điều đó cần phải được thực hiện, một thỏa thuận cần phải được thực hiện và thực hiện ngay bây giờ”, bà Harris nói.
Trong một diễn biến có liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm qua đã ra lệnh triển khai một tàu ngầm trang bị tên lửa dẫn đường đến Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong khu vực. Dù tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Georgia của Mỹ đã hiện diện ở Địa Trung Hải từ tháng 7, nhưng việc Mỹ công khai tuyên bố triển khai tàu ngầm là động thái được đánh giá là hiếm thấy.
Cùng với những diễn biến đầy căng thẳng ở khu vực Trung Đông vừa qua, sau 2 vụ ám sát nhằm vào hai quan chức cấp cao của phong trào Hamas tại Dải Gaza và lực lượng Hezbollah ở Lebanon, tuyên bố của các bên cùng những diễn biến liên quan sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cục diện ở Trung Đông.
Trong bối cảnh đó, cuộc đàm phán về Gaza vào ngày 15/8 tới sẽ phức tạp hơn, đòi hỏi nỗ lực của các bên và sự thay đổi cả kế hoạch mà các nhà đàm phán trung gian đã dày công sắp đặt nhằm mang đến một cơ hội hòa bình cho dải Gaza.
Theo bình luận của trang tin Axios, kết quả ngoại giao lần này sẽ cho thấy liệu Trung Đông có thể tạm thời thoát cơn nguy hiểm hay xung đột vẫn tiếp diễn và có nguy cơ lan rộng hơn.