Hình ảnh vệ tinh do Jane’s Defense Weekly công bố cho thấy Trung Quốc đang xây dựng trái phép đường băng bê tông trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.
|
Phần đầu tiên của đường băng trông giống như một mảnh băng màu xám trên bức ảnh chụp Đá Chữ Thập hồi tháng trước. |
Phần đầu tiên của đường băng trông giống như một mảnh băng màu xám trên bức ảnh chụp Đá Chữ Thập hồi tháng trước. Tiếp giáp với đường băng là đường dẫn đến một bãi đỗ máy bay đang được xây dựng.
Đường băng sân bay ở Đá Chữ Thập dự kiến dài khoảng 3.000 mét, đủ độ dài cho các loại máy bay chiến đấu và máy bay trinh sát cất hạ cánh. Theo Giáo sư Peter Dutton của Học viện chiến tranh hải quân Mỹ, đây chính là một yếu tố “thay đổi cuộc chơi” trong ván bài cạnh tranh ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Mỹ.
Đe các nước nhỏ, mở rộng đấu trường với Mỹ
Giáo sư Dutton nói: "Đây là một động thái có tầm quan trọng chiến lược. Để có thể kiểm soát trên biển, người ta cần phải kiểm soát trên không”.
Các nhà phân tích từng dự đoán rằng Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một đường băng trên Đá Chữ Thập và các hình ảnh vệ tinh chụp ngày 23/3 - do tạp chí Jan’s Defense Weekly công bố - chính là bằng chứng đầu tiên.
Đồng thời với việc xây dựng đường băng sân bay, theo Giáo sư Dutton, Trung Quốc có khả năng lắp đặt radar và tên lửa đe dọa các nước như Philippines và Việt Nam. Việc Trung Quốc sử dụng Đá Chữ Thập làm bãi đáp cho máy bay chiến đấu và máy bay trinh sát sẽ mở rộng phạm vi đối đầu với Mỹ ở Biển Đông.
Trong 15 năm qua, đã xảy ra một loạt các cuộc đối đầu căng thẳng giữa các lực lượng Mỹ và Trung Quốc trên biển trên không, bắt đầu bằng vụ va chạm năm 2001 giữa máy bay do thám EP-3 của Mỹ và máy bay chiến đấu Trung Quốc trên không phận phía bắc Biển Đông.
|
Từ lâu, Trung Quốc đã đưa quân đồn trú ở Đá Chữ Thập.
|
Theo Giáo sư Dutton, các công trình (quân sự) mới của Trung Quốc trong quần đảo Trường Sa cách điểm cực nam của đảo Hải Nam khoảng 1.000 dặm sẽ tạo ra một đấu trường rộng lớn hơn nhiều.
Công trình xây dựng trên Đá Chữ Thập là một phần của dự án cải tạo đất lớn trái phép (thực chất là đắp đảo nhân tạo, thay đổi nguyên trạng) của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đang biến các rạn san hô và các bãi đá ngầm hiếm khi ngoi lên trên mặt nước thành các “đảo nhân tạo” đủ lớn để xây dựng các công trình quân sự, hậu cần, nhà ở và cơ sở vui chơi giải trí cho các lực lượng đồn trú trên đảo.
Trong chuyến công du châu Á đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter cảnh báo các nỗ lực cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington, đồng thời gây tổn hại cho các giải pháp ngoại giao.
Sau tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Carter, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington công bố hình ảnh Đá Vành Khăn (Mischief Reef) cũng trong quần đảo Trường Sa. Hình ảnh chụp Đá Vành Khăn cho thấy hoạt động hút cát vét cát và san hô qui mô lớn để đắp đảo nhân tạo trên rạn san hô vốn chìm trong nước biển.
Sử dụng Đá Chữ Thập để khống chế nam Biển Đông
Việc xây dựng trên Đá Chữ Thập, cách Đá Vành Khăn hàng trăm dặm về phía tây Mischief Reef, đã diễn ra trong mấy tuần qua. Một bức ảnh chụp ngày 6/2, cũng do Jane’s Defense Weekly công bố ngày 16/4, cho thấy bãi cát trống nơi đường băng đang được xây dựng.
Chuyên gia James Hardy, biên tập viên đặc trách về châu Á-Thái Bình Dương của Jane’s Defense Weekly, nói: "Chúng tôi hoàn toàn nghĩ rằng đường băng này dành cho máy bay quân sự. Dĩ nhiên, đường băng vẫn là đường băng và mọi thứ có thể cất hạ cánh trên đó, nếu nó đủ dài. Ba ngàn mét (10.000 feet) là đủ dài cho khá nhiều loại máy bay”.
Ông Hardy lưu ý rằng các đường băng dùng cho loại máy bay chở khách khổng lồ Airbus A380 chỉ dài có 2.950 mét (chưa đầy 10.000 feet).
Để so sánh, ông cho biết đường băng mà Không quân Mỹ dùng cho các loại máy bay chiến đấu, kể cả máy bay ném bom chiến lược khổng lồ, ở đảo Diego Garcia trên Ấn Độ Dương cũng chỉ dài có 11.800 feet (khoảng 3.900 mét).
|
Trung Quốc mưu đồ dùng căn cứ quân sự trên Đá Chữ Thập để khống chế quần đảo Trường Sa và nam Biển Đông.
|
Ông Hardy cho biết quân đội của Trung Quốc dường như đã chọn
Đá Chữ Thập làm một trung tâm chỉ huy các hoạt động và kiểm soát quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc đã dựa vào cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn” mà họ tự vẽ để tuyên bố chủ quyền hơn 80% diện tích Biển Đông. Không một quốc gia nào trên thế giới công nhận tính hợp pháp của cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn ngắt quãng” (đường lưỡi bò) đó và nhiều người lo ngại rằng các hoạt động cải tạo đất trái phép (thực chất là đắp đảo nhân tạo, biến không thành có) chính là mưu đồ khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.