Trong một bài viết đăng trên báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ.net), tác giả Rainer M. Holm-Hadulla cho rằng chắc chắn phải có nguyên nhân khác, chứ không phải chỉ do viên cơ phó này mắc bệnh trầm cảm.
Hành vi tự sát và giết người này cần được phân tích một cách kỹ càng. Trên thực tế, cơ phó Andreas Lubitz đã hành động một cách bình tĩnh và không có dấu hiệu nào cho thấy anh ta bị rối loạn tâm thần.
|
Từ lâu, Andreas Lubitz đã lên kế hoạch một cách kỹ càng cho vụ tự sát và giết người vô tội này. |
Nhiều ngày và nhiều tuần trước vụ
máy bay A320 của Germanwings lao xuống dãy núi Alps ở miền nam nước Pháp, người ta không hề phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu nào có thể gây nguy hại cho bản thân và cho tính mạng của người khác trong hành vi của
cơ phó Andreas Lubitz. Nếu không, giới hữu trách đã không để cho Andreas Lubitz lái máy bay.
Có thể nói rằng từ lâu, Andreas Lubitz đã lên kế hoạch một cách kỹ càng cho vụ tự sát và giết người vô tội này. Vào cái ngày mà anh ta bay tới Barcelona, các đồng nghiệp không hề thấy ở anh ta một chút bồn chồn lo lắng. Ngay trước khi quyết định lái máy bay lao xuống núi, anh ta vẫn tỏ ra rất tỉnh táo và bình tĩnh. Chính vì vậy mà cơ trưởng đã tin tưởng và để anh ta một mình lái chiếc A320 của Germanwings. Nói tóm lại, Andreas Lubitz không hề bị rối loạn thần kinh khi lái chiếc máy bay A320 lao xuống dãy núi Alps.
Ấy thế mà, người ta vội vàng nhận định rằng căn bệnh trầm cảm có thể là nguyên nhân khiến cho Andreas Lubitz trở thành một kẻ giết người hàng loạt. Nhận định này là không đúng với những lý do sau đây. Thứ nhất, những biểu hiện của căn bệnh trầm cảm là buồn chán, bi quan, mệt mỏi, mất hứng thú trong sinh hoạt thường ngày và không quan tâm đến bất cứ điều gì. Điều này có thể thấy qua sự thay đổi của nét mặt, hành vi khác lạ của người mắc bệnh. Tất cả những điều này không hề được biểu hiện vào thời điểm Andreas Lubitz quyết định lái máy bay đâm xuống núi và vào nhiều ngày trước đó.
Bạn bè và đồng nghiệp kể lại rằng Andreas Lubitz là con người cởi mở, hòa đồng và dễ gần. Thế nhưng, rất có thể cuộc sống nội tâm của anh ta lại hoàn toàn khác với cái vẻ bề ngoài dễ đánh lừa người khác đó.
Hành động của Andreas Lubitz chẳng khác gì hành động khủng bố, giết hại dã man hàng trăm con người vô tội. Andreas Lubitz phải chịu trách nhiệm về hành động tội ác này và cái gọi là “mắc bệnh trầm cảm” cũng không thể nào biện minh cho việc anh ta tăng tốc và cố tình lái chiếc Germanwings A320 chở 150 con người lao vào vách núi.