Thượng đỉnh Mỹ - Triều thành công đến đâu?

Google News

Nhật Bản sẽ tiếp tục tập trận chung với Mỹ và tiếp tục kế hoạch tăng cường phòng thủ trước nguy cơ xảy ra tấn công bằng tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên.

Truyền thông Triều Tiên hôm 13/6 ca ngợi cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump là một thành công, cũng như nêu bật những nhượng bộ mà ông chủ Nhà Trắng đưa ra.
Hoài nghi về phi hạt nhân
Bản tin của hãng thông tấn Triều Tiên KCNA nhắc lại chuyện ông Trump bày tỏ ý định ngưng tập trận chung với Hàn Quốc, bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng và dỡ bỏ trừng phạt khi quan hệ hai nước cải thiện. Trả lời phỏng vấn kênh Fox News sau hội nghị, ông Trump xác nhận Mỹ sẽ không tập trận với Hàn Quốc trong lúc Triều Tiên thực lòng thương thảo về phi hạt nhân hóa. Động thái này, cũng như kết quả nói chung của hội nghị, không gây ấn tượng với các nhà lập pháp của cả Đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ.
Họ cho rằng thỏa thuận ban đầu này không có ý nghĩa nhiều trừ phi Triều Tiên hoàn toàn phi hạt nhân hóa. Theo AP, thủ lĩnh phe Cộng hòa tại thượng viện Mitch McConnell cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều là "bước đi quan trọng đầu tiên" nhưng không phải là bước đi quyết định.
Theo ông McConnell, Mỹ và các đồng minh vẫn phải sẵn sàng khôi phục chính sách gây sức ép tối đa. Chủ tịch hạ viện Mỹ Paul Ryan cũng nhấn mạnh: "Chỉ có một kết quả sau cùng có thể chấp nhận được đó là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể xác nhận và không đảo ngược".
Riêng thượng nghị sĩ Lindsey Graham chỉ trích việc ông Trump xem chuyện tiền bạc là một trong những lý do để ngưng tập trận Mỹ - Hàn. Theo ông, việc Washington triển khai lực lượng ở Seoul là nhằm mang lại sự ổn định, cũng như phát đi thông điệp cảnh báo đến Trung Quốc rằng nước này không thể kiểm soát cả khu vực như mong muốn.
 Báo chí Triều Tiên đưa tin về cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Thành công về chính trị
Phe Dân chủ cũng công khai hoài nghi về cuộc gặp và chỉ trích ông Trump từ bỏ một số đòn bẩy của Mỹ khi ngưng tập trận chung với Hàn Quốc. Thủ lĩnh phe Dân chủ tại thượng viện Chuck Schumer nhận định Tổng thống Trump đã trao cho Triều Tiên tính chính danh trên trường quốc tế mà nước này khao khát từ lâu.
Cũng theo ông Schumer, thỏa thuận đạt được tại hội nghị không xác định rõ phi hạt nhân hóa là gì và nếu không có gì khác xảy ra, cuộc gặp rốt cuộc chỉ là "một chương trình truyền hình thực tế".
Giới phân tích nhìn chung cho rằng hội nghị trên chỉ thành công về chính trị bởi thỏa thuận ký kết không có những nội dung được mong đợi. Chuyên gia Kim Sung-chull tại Trường ĐHQG Seoul (Hàn Quốc) nhấn mạnh thế giới muốn chứng kiến quá trình phi hạt nhân hóa và sự bảo đảm về an ninh nhưng 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên đã không đưa ra được thời gian biểu cụ thể hoặc cũng như chi tiết về cam kết này.
Trong khi đó, quyết định ngưng tập trận chung với đồng minh Hàn Quốc không chỉ vấp phải sự chỉ trích trong nội bộ chính trường Mỹ mà còn khiến chính quyền Tổng thống Moon Jae-in kinh ngạc ngay cả khi Seoul trong những tháng qua đã nỗ lực giúp tổ chức cuộc gặp giữa hai ông Trump và Kim.
"Triều Tiên đã có được những gì mình muốn. Họ dự hội nghị thượng đỉnh với tư cách một quốc gia hạt nhân, với ông Kim ngang hàng Tổng thống Trump và Mỹ ngưng tập trận chung với Hàn Quốc. Đó là chiến thắng dành cho ông Kim Jong-un" - chuyên gia Moon Seong-mook, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Thống nhất (Hàn Quốc), thừa nhận.
Lo ngại bước đi trên của ông Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đánh giá sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc và các cuộc tập trận chung giữa 2 nước đóng vai trò quan trọng đối với an ninh Đông Á. Ông Onodera khẳng định Nhật sẽ tiếp tục tập trận chung với Mỹ và tiếp tục kế hoạch tăng cường phòng thủ trước nguy cơ xảy ra tấn công bằng tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên.
Theo Lục San/Báo Người Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)