Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, sẽ diễn ra vào lúc 9h sáng ngày 12/6 (giờ địa phương) tại khách sạn Capella nằm trên đảo nghỉ dưỡng Sentosa của Singapore.
Tại sự kiện chính trị “nóng” nhất và được cả thế giới quan tâm này, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên dự kiến sẽ thảo luận về ba vấn đề trọng điểm gồm: Thỏa thuận hòa bình chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và Mỹ rút quân đồn trú tại Hàn Quốc.
Liệu Washington và Bình Nhưỡng có đạt được những thỏa thuận dứt điểm những vấn đề trên là câu hỏi mà nhiều người quan tâm nhất hiện nay. Giới chuyên gia, phân tích đã đưa ra những dự đoán cũng như các kịch bản khác nhau có thể xảy ra trong hội nghị thượng đỉnh lịch sử này.
|
Tổng thống Trump (trái) và lãnh đạo Kim Jong-un sẽ thảo luận nhiều nội dung quan trọng trong cuộc gặp lịch sử 12/6. Ảnh: Express. |
“Dấu chấm hết” cho Chiến tranh Triều Tiên?
Có thể thấy, cả Washington và Bình Nhưỡng đều đang đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên và hy vọng nó sẽ thành công tốt đẹp. Song trên thực tế, kết quả đạt được như ý hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un có thể sẽ công bố thỏa thuận về một hiệp ước hòa bình nhằm chấm dứt hoàn toàn Chiến tranh Triều Tiên. Và để vấn đề này được giải quyết hoàn toàn thì cả Hàn Quốc và Trung Quốc cũng cần ngồi vào bàn đàm phán.
Theo William Overholt, chuyên gia cấp cao về châu Á tại Đại học Harvard, Hàn Quốc dường như đã sẵn sàng và Tổng thống Moon Jae-un có thể sẽ tới Singapore, cùng Chủ tịch Kim và Tổng thống Trump tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Trong khi đó, Trung Quốc – đối tác thương mại chính của Triều Tiên – luôn bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc đối thoại Mỹ-Triều.
Gần đây, Tổng thống Mỹ và các cố vấn của ông cho biết, những gì có thể chắc chắn đạt được trong cuộc gặp này là một hiệp định hòa bình nhằm chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, vốn được kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn vào năm 1953.
Tuy nhiên, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Ferial Saeed nhận định, Tổng thống Trump có thể sẽ đề cập “một tuyên bố về ý định, chứ không phải về việc ký một hiệp ước hòa bình thực sự, đòi hỏi thời gian và đàm phán để đạt được”.
Ý kiến của Saeed cũng có cơ sở bởi lẽ với lịch sử mối quan hệ Mỹ-Triều vốn chẳng mấy tốt đẹp, mọi thỏa thuận khó có thể được ký kết chỉ thông qua việc hai lãnh đạo gặp nhau trong một cuộc họp.
|
Tổng thống Trump đã tới Singapore để chuẩn bị cho cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters. |
Phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên
Việc Thượng đỉnh Mỹ-Triều được nối lại sau quyết định hủy đột ngột của Tổng thống Trump hôm 26/5 một lần nữa mở ra triển vọng về một thỏa thuận phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, việc đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên ngay trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới là điều gần như chắc chắn không xảy ra. Trong quá khứ, Mỹ và Triều Tiên từng có nhiều thỏa thuận bị đổ vỡ bởi lẽ không tin tưởng nhau.
Theo chuyên gia Rodger Baker, Phó Chủ tịch cấp cao về phân tích chiến lược tại công ty dự báo và thông tin tình báo địa chính trị Stratfor ở Texas (Mỹ), Triều Tiên có thể chưa có lý do nào để sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân theo ý muốn của Mỹ, trong khi Washington luôn muốn Bình Nhưỡng đảm bảo một quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược.
|
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (trái) hội đàm với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 10/6. Ảnh: ST. |
Theo Mintaro Oba, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nghiên cứu về Triều Tiên, Bình Nhưỡng có thể đồng ý đóng băng hoặc cắt giảm đáng kể chương trình hạt nhân nhưng không hoàn toàn dỡ bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân của mình. Dù như vậy, Mỹ cũng cần có động thái “có qua có lại”.
Giáo sư Park Won-gon về Quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc tế Handong (Hàn Quốc), nhận định: “Trước hết, ông Kim Jong-un có thể muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Các lợi ích về kinh tế cũng quan trọng đối với Triều Tiên. Và cuối cùng, tôi nghĩ rằng, Triều Tiên muốn nhận được "món quà" về mặt quân sự. Các cuộc tập trận Mỹ-Hàn luôn ‘chọc giận’ quốc gia Đông Bắc Á này”.
Còn Vipin Narang, một chuyện gia hạt nhân tại Viện công nghệ Masachusetts (Mỹ), khẳng định không có khả năng lãnh đạo Triều Tiên sẽ quyết định dỡ bỏ hoàn toàn kho hạt nhân của nước họ.
“Kết quả thực tế nhất có thể đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ là ‘một tuyên bố chung đề cập đến quá trình phi hạt nhân hóa như là mục tiêu cuối cùng trước khi chuyển sang các tiến trình khác’, bà Suzanne DiMaggio, chuyên gia tại Viện nghiên cứu New America, bày tỏ quan điểm.
Tổng thống Trump cũng từng thừa nhận cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 12/6 này mới chỉ là bước khởi đầu và tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ còn tiếp diễn với thêm nhiều cuộc gặp thượng đỉnh nữa.
Mời độc giả xem thêm video: Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Singapore (Nguồn: Daily Mail)
Mỹ rút quân đồn trú tại Hàn Quốc
Hơn một tháng trước khi cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra, hồi đầu tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Lầu Năm Góc xem xét giảm quân số lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Hiện tại, 28.500 binh lính Mỹ đang đóng quân tại Hàn Quốc và điều này khiến Triều Tiên không hề cảm thấy dễ chịu.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 6/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định số lượng lính Mỹ tại Hàn Quốc không phải là chủ đề thảo luận trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.
“Các cuộc thảo luận nào về số lượng lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc đều phải dựa vào đề nghị của Seoul đối với Washington. Vấn đề này sẽ không được đề cập trong hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên”, vị quan chức quốc phòng hàng đầu của Mỹ khẳng định.
|
Đối với Bình Nhưỡng điều duy nhất khiến họ có thể thỏa hiệp trong việc từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân chỉ có thể là việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc. Ảnh: ABC News. |
Tuy nhiên, Mỹ và Hàn Quốc cũng để ngỏ khả năng thảo luận rút bớt binh sĩ Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên nếu Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đạt được kết quả khả quan trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.
Bản thân "mắc xích" Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc có mối liên kết chặt chẽ với nhau, bởi đây cả Washington và Bình Nhưỡng đều xem đây là điều kiện tiên quyết để hai bên có thể tìm được tiếng nói chung cho khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Chiến thắng cho cả hai?
Từ những vấn đề cốt lõi trên tựu chung lại Mỹ muốn Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân một cách không thể đảo ngược và được quốc tế kiểm chứng. Chỉ khi Bình Nhưỡng có những bước đi theo hướng này, Washington mới được nới lỏng các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Nhưng điều này không có nghĩa là Mỹ trông đợi sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng ở Singapore. Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả cuộc gặp sắp tới là "tình huống để làm quen với nhau". Ông nói thêm: "Đây sẽ là một quá trình."
Các nhà phân tích cho rằng, bất chấp kết quả của thượng đỉnh Mỹ-Triều như thế nào đi nữa, ông Kim Jong-un vẫn sẽ là người dành chiến thắng khi ông được nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới đồng ý gặp mặt. Họ cũng đặt câu hỏi vì sao Bình Nhưỡng có thể dễ dàng từ bỏ vũ khí hạt nhân sau khi nỗ lực rất nhiều để có được chúng.
Nhận định này cũng cho rằng Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân, trừ khi tất cả các bên trên bán đảo Triều Tiên giải trừ vũ trang, trong đó bao hàm cả việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc.
Dù vậy mục tiêu quan trọng nhất của nhà lãnh đạo Triều Tiên trong hội nghị thượng đỉnh lịch sử này không phải là giữ khư khư vũ khí hạt nhân, mà là vực dậy nền kinh tế của Bình Nhưỡng thông qua việc nới lỏng cấm vận và thu hút đầu tư từ nước ngoài.
Câu hỏi đặt ra là liệu ông Kim Jong-un sẽ đồng ý nhượng bộ những gì, và liệu Bình Nhưỡng có thực hiện chúng. Cũng cần nhắc lại rằng đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên đề cập tới việc từ bỏ vũ khí hạt nhân hay chương trình hạt nhân của nước này.