Không lâu trước cuộc bầu cử năm 2016, ông Barack Obama nói với những người ủng hộ rằng sẽ là "sự xúc phạm đối với cá nhân" nếu nước Mỹ chọn ông Donald Trump - ngôi sao truyền hình thực tế khoa trương, phân biệt chủng tộc và chống lại mọi di sản mà ông dành 8 năm xây dựng - làm tổng thống kế nhiệm.
Nhưng có thế nào, nước Mỹ vẫn lựa chọn như vậy. Về sau, ông Obama thừa nhận: "Chuyện này thật khó chịu", theo New York Times.
Bốn năm sau, cựu tổng thống Obama trở lại chiến trường chính trị một cách ngoạn mục hôm 19/8, và rõ ràng đã khiến người kế nhiệm - Tổng thống Donald Trump - khó chịu không kém.
|
Cựu tổng thống Obama phát biểu tại Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ hôm 19/8. Ảnh: DNCC. |
Ông Obama cho biết khi ông Trump nhậm chức, ông biết người kế nhiệm sẽ thay đổi nhiều chính sách, nhưng "tôi đã hy vọng... ông Donald Trump có thể quan tâm đến công việc một cách nghiêm túc".
“Nhưng ông ấy không bao giờ làm vậy. Trong gần bốn năm nay, ông ấy không để tâm đến công việc... không quan tâm đến việc sử dụng sức mạnh tuyệt vời của đội ngũ của mình để giúp đỡ bất kỳ ai ngoài bản thân và bạn bè; coi chức vị tổng thống chẳng là gì ngoài một chương trình thực tế có thể thu hút sự chú ý mà ông ấy khao khát. Donald Trump không làm tròn chức vụ tổng thống vì ông ấy không thể", ông Obama nói trong bài phát biểu hôm 19/8.
Sự trở lại ngoạn mục của ông Obama
Trong bài phát biểu tại Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ hôm 19/8, ông Obama coi Tổng thống Trump là mối đe dọa hiện hữu đối với nền dân chủ Mỹ. Việc một cựu tổng thống lên tiếng chỉ trích người kế nhiệm như vậy là chưa từng có trong lịch sử Mỹ gần đây, The Hill nhận định.
"Chính quyền này đã cho thấy rằng nó sẽ phá hủy nền dân chủ của Mỹ nếu đó là việc làm cần thiết để giành chiến thắng", ông Obama nói ở gần cao trào của bài phát biểu.
Tại Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ, tổng thống thứ 44 của Mỹ đã công kích người kế nhiệm trên nhiều phương diện.
Ông Obama cáo buộc ông Trump sử dụng các sĩ quan quân đội "như công cụ chính trị để triển khai chống lại những người biểu tình ôn hòa trên đất của chính chúng ta". Ông cũng chỉ trích việc Tổng thống Trump coi các nhà phê bình "không phải là người Mỹ”.
Về đại dịch Covid-19, cựu tổng thống cho rằng bất kỳ thành tựu nào cũng "phụ thuộc vào lòng tin đối với sự thật, khoa học và logic, chứ không chỉ là bịa đặt".
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là cựu tổng thống Obama đang cố gắng sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để đánh bại ông Trump.
Ở giai đoạn đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, những người theo chủ nghĩa tự do đôi khi thất vọng bởi ông Obama chỉ miễn cưỡng khi lên tiếng về người kế nhiệm. Trong thời kỳ đó, cựu tổng thống thường im lặng hoàn toàn hoặc che giấu những lời chỉ trích của mình.
Nhưng giờ đây mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn. Tổng thống thứ 44 của Mỹ đã quyết định sử dụng tiếng nói của mình vào thời điểm này.
Sau khi chứng kiến người kế nhiệm lần lượt phá bỏ nhiều di sản của mình, cựu tổng thống Obama coi kỳ bầu cử này là cơ hội thứ hai để cứu vãn những di sản đó và để chứng minh với lịch sử rằng chiến thắng của ông Trump năm 2016 là điều bất thường.
Đây không chỉ là cơ hội để khôi phục lại các chính sách và thỏa thuận quốc tế mà ông Trump đã từ bỏ, mà còn để gây dựng lại hình ảnh nước Mỹ với những giá trị mà ông Obama tôn thờ, New York Times nhận định.
Ông Trump nhạy cảm trước chỉ trích vì ôm hận nhiều năm?
Những lời chỉ trích của cựu tổng thống Obama có vẻ đã khiến ông Trump tức giận.
Trên Twitter, ông chủ Nhà Trắng đáp trả bằng loạt bài viết với tất cả chữ cái in hoa. Một trong số đó cáo buộc ông Obama "do thám chiến dịch tranh cử" của ông Trump.
Dòng tweet này đề cập đến cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về các cuộc tiếp xúc giữa Nga và các quan chức phụ trách chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016.
Tuy nhiên đó là điều ông Obama không nhất thiết phải bận tâm. Gần bốn năm sau khi rời khỏi Nhà Trắng, tổng thống thứ 44 của Mỹ vẫn được lòng người dân hơn người đương nhiệm. Và kiểu đáp trả của ông Trump trước những lời chỉ trích này có thể phản tác dụng.
Theo The Hill, Tổng thống Trump chắc chắn sẽ tăng cường hơn nữa việc công kích lại người tiền nhiệm. Trong nhiều năm, ông Trump cho thấy bản thân khá nhạy cảm trước những chỉ trích của ông Obama.
Một số người theo dõi vị tổng thống tỷ phú lâu năm khẳng định ông Trump vẫn ôm hận vì bị ông Obama làm mất mặt trong bữa tối của Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng gần một thập kỷ trước. Mối hận đối với ông Obama vẫn tồn tại xuyên suốt nhiều năm sau đó cho tới ngày nay.
Vào tháng 5, NBC News đưa tin Tổng thống Trump không có kế hoạch công bố bức chân dung chính thức của người tiền nhiệm Obama được treo trong Nhà Trắng, mặc dù buổi lễ này là truyền thống lâu đời. Trong lịch sử Mỹ, ngay cả tổng thống kế nhiệm thuộc đảng đối lập cũng vẫn tổ chức buổi lễ như vậy cho người tiền nhiệm.
Cuộc chơi đã bắt đầu
Theo góc nhìn của ông Trump, cuộc đụng độ với ông Obama cũng có thể phục vụ một số mục đích chính trị.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm và những người ủng hộ ông thường tỏ ra rằng họ đang bị kẻ thù bao vây. Nếu kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử phụ thuộc vào việc thay đổi niềm tin cố hữu của các cử tri kiên định thay vì thuyết phục các cử tri còn đang lưỡng lự, thì cuộc khẩu chiến giữa ông Trump và ông Obama có thể phục vụ cho mục đích của cả hai bên.
Ngoài ông Obama, đại hội tối 19/8 cũng chứng kiến sự góp mặt của cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và ứng cử viên phó tổng thống, Thượng nghị sĩ bang California Kamala Harris. Trong đó, bà Clinton coi Tổng thống Trump về cơ bản là không có khả năng đảm nhiệm công việc của mình.
“Tôi ước Donald Trump biết cách làm tổng thống, bởi vì nước Mỹ cần một tổng thống ngay bây giờ", bà Clinton nói trong bài phát biểu.
Quan điểm cho rằng ông Trump không đủ năng lực làm tổng thống cũng được cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama nêu ra trong đêm đầu tiên của đại hội. Và chồng bà đã tái khẳng định quan điểm này.
Tổng thống Trump chưa bao giờ tỏ ra nhẫn nhịn những lời chỉ trích nhằm vào năng lực của ông. Loạt bài viết trên Twitter đáp trả bài phát biểu của ông Obama có thể chỉ là khởi đầu cho các cuộc phản công của vị tổng thống tỷ phú.
Nhưng đảng Dân chủ không để tâm, bởi họ đã có ông Obama trở lại trên vũ đài chính trị. Và thông điệp ở đây rất đơn giản: Cuộc chơi đã bắt đầu.