Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã chứng kiến sự ra đời của hàng trăm loại vũ khí hiện đại và cũng rất kỳ lạ, trong đó có những vũ khí trở nên khá nổi tiếng, và cũng có rất nhiều loại vũ khí điên rồ mang tính “viễn tưởng” cao đã được nghiên cứu nhưng không bao giờ được triển khai. Tuy nhiên cũng có những vũ khí không có được danh tiếng lừng lẫy như vậy, và sau đây là 11 loại vũ khí được chế tạo và đem ra sử dụng trong trên chiến trường trong Thế chiến 2 mà có thể bạn chưa bao giờ biết tới sự tồn tại của chúng.
1. Đại bác bắn từ Pháp sang thủ đô Anh
Giống như người tiền nhiệm là tên lửa hành trình V1 và hỏa tiễn V2, đại bác Vergeltungswaffe 3 cũng là một loại “vũ khí phục thù” của Đức Quốc xã. Nó là một khẩu pháo siêu lớn được dựng trực tiếp ở một quả đồi và có khả năng bắn đạn pháo từ Pháp xuyên qua eo biển Anh tới London.
Đại bác V3 được gắn vào sườn đồi
Đại bác V3 hoạt động dựa trên nguyên lý đa liều phóng, trong đó các liều phóng thứ cấp được đốt cháy để tăng tốc cho đầu đạn khi nó di chuyển dọc theo nòng đại bác. Trong các đợt bắn thử vào tháng 5/1944, V3 đạt tầm bắn lên tới 88 km, và đầu đạn trong đợt bắn thử hồi tháng 7/1944 bay được 93 km.
Trong số 2 khẩu V3 được chế tạo thì chỉ có khẩu thứ hai là hoạt động được. Từ ngày 11/1/1945 đến 22/2/1945, V3 đã bắn khoảng 183 quả đạn. Mục tiêu của nó là thành phố Luxembourg mới được giải phóng. Tuy nhiên có vẻ như khẩu đại bác này không phát huy nhiều hiệu quả vì với 142 quả đạn trút xuống, V3 chỉ lấy đi sinh mạng của 10 người và làm 35 người khác bị thương.
2. Đại bác "quái vật" Dora và Gustav
Khi nói về những khẩu đại bác, ắt hẳn chúng ta phải nhắc tới hai quái vật khổng lồ cỡ nòng 800 mm của Đức Quốc xã, những khẩu đại bác lớn nhất thế giới cho đến nay. Chúng lớn đến mức Đức Quốc xã phải cho vận chuyển từng bộ phận một, lắp ráp lại và gắn trên một ụ súng chuẩn bị sẵn, một quy trình cần tới gần 4000 người tham gia. Đức Quốc xã đã bố trí hẳn một trung đoàn phòng không và lực lượng đặc biệt để bảo vệ những khẩu đại bác này khỏi máy bay và quân du kích.
Đại bác Gustav
Trong số 2 khẩu pháo được chế tạo, chỉ có khẩu Gustav được đưa vào hoạt động. Nó đã bắn 42 phát đạn trong chiến dịch vây hãm Sebastopol, và sức xuyên của quả đạn khổng lồ nặng tới 4,8 tấn này đủ sức phá hủy một kho đạn ngầm với lớp đá dày 30 mét bảo vệ. Quân Đức đã có kế hoạch trang bị đạn hỏa tiễn cho khẩu đại bác này để tăng tầm bắn của nó lên tới 145 km. Chuyên gia vũ khí Alexander Ludeke đã gọi những khẩu đại bác này là “kiệt tác về công nghệ” nhưng “về cơ bản là sự lãng phí vật liệu, chuyên môn kỹ thuật và nhân lực.”
Đại bác Gustav khai hỏa
3. Bom chuột
Sau khi Pháp thất thủ, Winston Churchill thề sẽ “cho châu Âu bốc cháy.” Để làm được điều đó, các điệp viên Anh đã được trang bị nhiều thiết bị nổ ngụy trang khéo đến mức James Bond ắt cũng phải ghen tị, đó là những quả bom trông giống bánh xà phòng, đôi giày, chai rượu vang, bơm xe đạp, va-li và thậm chí cả chuột.
Sơ đồ nguyên lý hoạt động của một quả bom chuột
Tờ The Guardian mô tả cách thức sử dụng bom chuột như sau:
Một sỹ quan tình báo Anh dưới vỏ bọc sinh viên đại học đã thu thập hàng trăm con chuột với mục đích “làm thí nghiệm”. Những con chuột này bị lột da, nhồi thuốc nổ dẻo vào và khâu lại. Ý tưởng của họ là đặt con chuột này lẫn trong than đá bên cạnh nồi hơi. Khi người ta nhìn thấy những con chuột này, họ sẽ ngay lập tức ném chúng vào lò và gây ra một vụ nổ lớn.
Tuy nhiên đó chỉ là lý thuyết. Hồ sơ của tình báo Anh ghi lại: “Thiết bị này đã gây rắc rối lớn cho quân địch, nhưng không phải theo cách dự định ban đầu.” Lính Đức đã chặn chiếc container chứa chuột chết này trước khi chúng được sử dụng vào “mục đích tác chiến”. Người Anh tuy “mất chì” nhưng không mất luôn cả chài. Những con chuột này đã gây ra “hiệu ứng tâm lý khác thường”: chúng được trưng bày tại tất cả các trường quân sự của Đức, dẫn tới phong trào săn lùng “hàng trăm con chuột mà kẻ thù được rải khắp lục địa.”
Tình báo Anh kết luận: “Rắc rối mà những con chuột này gây cho đối phương còn lớn hơn nhiều so với việc chúng thực sự được sử dụng.”
4. Máy bay cảm tử Yokosuka MXY-7 Ohka
Trong quá trình tìm cách nâng cao uy lực của hình thức tấn công cảm tử (Kamikaze), người Nhật đã chế tạo Ohka, một quả bom có người lái cỡ lớn vào tháng 9/1944.
Đây là loại máy bay phản lực được thiết kế riêng cho các vụ tấn công cảm tử với một đầu đạn nặng hơn 1 tấn. Khi thực hiện vụ tấn công, máy bay cảm tử Ohka được gắn dưới thân một chiếc máy bay Mitsubishi G4M cho đến khi mục tiêu vào phạm vi tấn công.
Máy bay cảm tử Yokosuka MXY-7 Ohka
Sau khi được thả ra, phi công sẽ lái chiếc Ohka này lượn càng gần càng tốt đến mục tiêu, khởi động động cơ phản lực và sau đó lao như một quả tên lửa xuống tàu địch với tốc độ kinh hoàng. Thế nhưng phe Đồng minh đã nhanh chóng phát hiện chiến thuật này và tập trung tấn công máy bay mẹ trước khi Okha có cơ hội được thả ra làm cho loại vũ khí này hoàn toàn mất tác dụng. Tuy nhiên ít nhất một lần nó đã thành công khi đánh đắm một chiếc tàu khu trục của Mỹ.
5. Chó cảm tử chống tăng của Liên Xô
Khi quân Đức tràn ngập mặt trận phía Đông, Hồng Quân Liên Xô đã sử dụng mọi biện pháp có thể để chống lại kẻ thù, trong đó có việc sử dụng chó chống tăng. Ban đầu, những chú chó này được huấn luyện để ngoạm một quả mìn tới một mục tiêu cụ thể, nhả thiết bị ra và sau đó quay lại với huấn luyện viên. Tuy nhiên việc huấn luyện này gần như là không thể, thế nên những người lính đã phải áp dụng chiến lược đơn giản hơn, đó là biến chú chó thành một quả bom.
Chó chống tăng của Hồng Quân Xô Viết
Những chú chó cảm tử này được dạy rằng bên dưới xe tăng có thức ăn dành cho chúng. Thế nên những chú chó bị bỏ đói mang theo hơn 11 kg thuốc nổ này sẽ chạy tới xe tăng địch để kiếm thức ăn. Chiếc đòn bẩy gắn trên khối thuốc nổ này sẽ chạm vào gầm xe tăng khi chú chó chui vào và kích nổ quả bom. Chiến thuật chó cảm tử này hiệu quả đến mức quân Đức bắt đầu bắn hạ bất cứ chú chó nào mà chúng nhìn thấy. Hồng Quân đã sử dụng khoảng 40.000 chú chó để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, và ước tính khoảng 300 xe tăng Đức đã bị những chú chó này tiêu diệt.
6. Những chiếc xe buồn cười của Hobart
Để chuẩn bị cho Ngày D, phe Đồng minh đã chế tạo rất nhiều phương tiện khác thường, trong đó nhiều xe được đặt tên theo chuyên gia chiến tranh Percy Hobart. Sau đây là một số mẫu xe kỳ dị đó:
Xe cua Sherman
Xe AVRE Bobbin
Xe bắc cầu AVRE Bridgelayer
7. Bom điều khiển vô tuyến Ruhustahl SD 1400 “Fritz X”
Loại vũ khí mang tên “Fritz X” này là loại bom điều khiển vô tuyến phóng từ máy bay của quân Đức. Chức năng chính của nó là phá hủy tàu thuyền có lớp giáp dày. Loại vũ khí này được dựa trên bom xuyên giáp SD 1400 tiêu chuẩn, tuy nhiên nó có đặc điểm khí động học vượt trội với 4 cánh nhỏ và phần đuôi. Tuy nhiên để thả được quả bom này, phi công phải bay trực tiếp trên mục tiêu, khiến cho anh ta trở thành miếng mồi ngon cho vũ khí phòng không của đối phương.
Bom “Fritz X”
Tuy nhiên nó lại tỏ ra là một loại vũ khí kinh hoàng đối với quân Đồng minh. Tháng 9/1943, quân Đức thả vài quả bom xuống tàu chiến Roma và đánh đắm nó cùng với 1455 thủy thủ trên boong. Nó cũng đã đánh chìm tàu tuần dương Spartan, tàu khu trục Janus và tàu bệnh viện Newfoundland, làm thiệt hại cho nhiều tàu khác. Quân Đức đã chế tạo hơn 2000 quả Fritz-X, nhưng chỉ thả xuống 200 quả. Lý do là loại bom này không thể chuyển hướng đột ngột nên phi đội đánh bom thường bị thiệt hại nặng nề.
8. Bom bay điều khiển vô tuyến Henschel HS 293
Loại bom bay điều khiển vô tuyến này là thứ vũ khí dẫn đường hiệu quả nhất trong Thế chiến 2 khi nó đã phá hủy rất nhiều tàu khu trục và tàu buôn. Sau khi được thả từ máy bay Đức, động cơ tên lửa của quả bom sẽ kích hoạt trong 10 giây, sau đó quả bom lướt đi tới mục tiêu.
Bom bay điều khiển vô tuyến Henschel HS 293
Thậm chí bên cạnh quả bom này còn được lắp đặt một đèn tín hiệu để phi công có thể dễ dàng quan sát cả ban đêm lẫn ban ngày. Loại bom này được triển khai lần đầu tiên vào tháng 8/1943 và đã đánh đắm tàu hộ tống Egret của Anh. Đến giai đoạn cuối của cuộc chiến, phe Đồng minh đã tìm ra cách can thiệp vào tần số vô tuyến để ngăn chặn và giảm thiểu hiệu quả của loại bom này.
9. Tên lửa Unrotated Projectile
Đây là một trong những ý tưởng nghe rất hay trên giấy tờ nhưng lại tỏ ra tệ hại trong thực tiễn. Loại vũ khí do người Anh nghĩ ra này là một loại tên lửa phòng không tầm ngắn với những sợi dây nhợ và dù gắn kèm nhằm tạo ra một bãi mìn trên không.
Nguyên lý hoạt động của tên lửa Unrotated Projectile
Khi những quả tên lửa này hết tầm và chầm chậm rơi xuống bằng dù, bất cứ máy bay nào bay qua khu vực đó sẽ có nguy cơ vướng vào sợi dây và kéo tên lửa về phía mình, gây ra một vụ nổ. Nhưng vấn đề ở chỗ chỉ cần hướng gió thay đổi là những quả tên lửa này có thể dạt về phía con tàu đã phóng chúng lên. Tuy vậy loại vũ khí này vẫn được sử dụng rất rộng rãi trong giai đoạn đầu của Thế chiến 2.
10. Tàu ngầm mini lớp X
Loại tàu ngầm 4 người của Anh này có thể đi được quãng đường gần 2000 km, lặn sâu tới gần 92 mét và di chuyển với tốc độ 6 knot (11 km/h). Nó chỉ có duy nhất một cửa ra vào, và đây chính là rắc rối trong những trường hợp khẩn cấp. Nguyên lý hoạt động của nó như sau:
Phương pháp tác chiến của tàu ngầm X là tìm cách tiếp cận gần mục tiêu bằng một trong hai cách: nó có thể được một chiếc tàu ngầm bình thường kéo theo và nằm lơ lửng bên dưới tàu địch hoặc được phóng ra từ một chiếc tàu ngầm khác và tự lái đến mục tiêu. Bộ Hải quân Anh đã cho gắn hai quả mìn nặng hơn 1.600 kg vào hai bên chiếc tàu ngầm này bằng một cái chốt.
Tàu ngầm mini lớp X
Hai quả mìn này được giải phóng bằng máy quay tay khi tàu ngầm ở ngay bên dưới thân tàu địch. Chúng được trang bị ngòi nổ chậm để chiếc tàu ngầm có thời gian thoát ra khỏi khu vực nổ. Loại thuốc nổ được sử dụng trong những quả mìn này là thuốc nổ quân dụng Amatex gồm 51% amoni nitrat, 40% TNT và 9% RDX.
11. Mìn di động Goliath
Mìn di động Goliath là một phương tiện hủy diệt điều khiển từ xa của quân Đức. Trong lần xuất hiện đầu tiên vào năm 1942, nó mang theo một quả mìn nặng 75 kg tiến tới mục tiêu, thường là xe tăng, đội hình bộ binh tập trung, cầu đường và các tòa nhà.
Mìn di động Goliath
Những phương tiện này được điều khiển hữu tuyến và sẽ phát nổ khi va chạm với mục tiêu. Khoảng 4.600 thiết bị như thế này đã được quân Đức chế tạo, trong đó có một phiên bản lớn hơn có thể mang theo quả mìn nặng gần 100 kg.
Tuy nhiên, thật không may cho quân Đức, những quả mìn di động này lại rất chậm chạp, khó điều khiển và tải trọng quá nhỏ. Ý tưởng của loại vũ khí này rõ ràng là đi trước thời đại, tuy nhiên công nghệ lại chưa đủ tân tiến để hoạt động hiệu quả như những robot ngày nay.