Những vụ ám sát chính trị gia sau đây đã gây chấn động thế giới, khiến nhiều người bàng hoàng và đôi khi dẫn đến những thay đổi lớn. Gần đây nhất là vụ Cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bị bắn chết hôm 8/7.
1. Tổng thống Mỹ John F. Kennedy
|
Vợ chồng Tổng thống Kennedy trước khi ông bị ám sát. Ảnh: AP. |
Trước khi chuẩn bị cho tái tranh cử, Tổng thống Kennedy và vợ, Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy, tới Texas vào ngày 22/11/1963 trong chuyến thăm hai ngày nhằm giải tỏa những bất hòa trong nội bộ Đảng Dân chủ ở bang này. Lúc 12h30, khi cặp vợ chồng ngồi trên chiếc xe mui trần đi dọc thành phố Dallas và chào người dân, hai tiếng súng vang lên, trúng đầu và cổ Tổng thống Mỹ. Ông được đưa tới bệnh viện sau khi trúng đạn nhưng không qua khỏi.
Lee Harvey Oswald, một cựu lính thủy quân lục chiến, bị cáo buộc gây ra vụ ám sát. Hai ngày sau, Oswald bị Jack Ruby, quản lý một hộp đêm địa phương, giết chết khi đang được giải từ chỗ tạm giam về nhà tù.
Sau nhiều tháng điều tra, chánh án Mỹ kết luận Oswald một mình lên kế hoạch ám sát ông Kennedy. Tuy nhiên, tranh luận vẫn nổ ra nhiều năm sau đó về việc liệu có tay súng thứ hai nào liên quan hay đây có phải là một phần của thuyết âm mưu lớn hơn hay không.
2. Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee
|
Ông Park Chung-hee tiếp Tổng thống Mỹ Jimmy Carter (phải) tại Seoul vào tháng 6/1979. Ảnh: Korea Times. |
Khi tiếng tăm của Park Chung-hee giảm dần qua nhiệm kỳ (từ 1963 đến 1979), ông vài lần trở thành mục tiêu của một số nỗ lực ám sát. Ngày 26/10/1979, ông Park bị Cục trưởng Cục Tình báo Trung ương Hàn Quốc bắn chết trong nhà hàng gần tư dinh nơi ông sống.
Kẻ ám sát ông Park Chung-hee là Kim Jae Kyu, một người bạn lâu năm của Tổng thống Hàn Quốc. Kim nổ súng sau cuộc tranh cãi gay gắt trong khi dùng bữa tối. Ngoài ra, vệ sĩ, tài xế và bốn người khác cũng bị bắn chết.
Kim bị tử hình vào ngày 24/5/1980 nhưng động cơ ám sát đến nay vẫn chưa rõ ràng. Theo một số suy đoán, Kim hy vọng cái chết của Tổng thống sẽ giúp khôi phục các quyền tự do dân chủ mà ông Park từng bước thực hiện trong suốt 18 năm cầm quyền.
3. Cố Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat
|
Cố tổng thống Sadat trước khi bị ám sát tại sự kiện diễu binh năm 1981. Ảnh: AP. |
Ngày 6/10/1981, ông Sadat đang dự buổi diễu binh kỷ niệm ngày quân đội đã vượt qua Kênh đào Suez và chiếm lại một phần nhỏ của Bán đảo Sinai từ Israel thì một chiếc xe tải bất ngờ dừng lại. Bốn người đàn ông nhảy từ trên xe xuống và bắt đầu nổ súng, ném lựu đạn về phía một nhóm quan chức Ai Cập. Tổng thống Sadat bị trúng lựu đạn liên tiếp và qua đời sau hai tiếng. Có 10 người khác cũng thiệt mạng trong vụ ám sát, trong khi phó Tổng thống Hosni Murabak may mắn sống sót.
Nhóm tấn công được cho là phản đối quyết định của ông Sadat khi đưa ra thỏa thuận hòa bình với Israel hai năm trước đó.
4. Nữ Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi
|
Cố thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi. Ảnh: AP. |
Bà Indira Gandhi là nữ thủ tướng đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Ấn Độ. Bà bị 2 vệ sĩ đạo Sikh bắn chết vào ngày 31/10/1984, sau khi bà ra lệnh cho quân đội lục soát một ngôi đền thiêng của người theo đạo Sikh.
Vụ ám sát dẫn đến những vụ bạo loạn chống đạo Sikh vào cùng năm, khiến hàng ngàn người theo đạo này tại Ấn Độ bị sát hại.
5. Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme
|
Thủ tướng Olof của Thụy Điển tại Moskva năm 1981. Ảnh: AP. |
Tối 28/2/1986, ông Palme và vợ, bà Lisabeth, đang đi bộ từ rạp chiếu phim về nhà ở trung tâm thủ đô Stockholm thì bị một tay súng tấn công. Ông bị trúng đạn ở lưng và qua đời, trong khi vợ ông bị thương.
Sau khi nổ súng, hung thủ bỏ chạy với vũ khí. Vụ việc tiếp tục là bí ẩn dù hơn 10.000 người đã bị thẩm vấn và hơn 130 người nhận trách nhiệm. Các công tố viên sau đó cho rằng hung thủ là Stig Engstrom, một người được huấn luyện sử dụng súng và mâu thuẫn với các chính sách của ông Palme. Engstrom tự sát vào năm 2000 khi đang bị điều tra.
6. Thủ tướng Israel Yitzhan Rabin
|
Thủ tướng Yitzhan Rabin ở Washington D.C năm 1993. Ảnh: AP. |
Cố Thủ tướng Israel Yitzhan Rabin bị ám sát vào ngày 4/11/1995, khi ông rời cuộc biểu tình ở thủ đô Tel Aviv - sự kiện có hàng chục nghìn người tham dự để ủng hộ các hiệp định Oslo giữa đất nước và tổ chức Giải phóng Palestine.
Ông Rabin bị sát hại bởi đối tượng cực đoan cánh hữu tên Yigal Amir. Hung thủ đã rất tức giận trước các cuộc đàm phán của ông Rabin với phía Palestine.
Sau vụ sát hại ông Rabin, giải pháp hòa bình cho vấn đề Israel-Palestine trở nên khó khăn hơn. Bị cáo Amir sau đó lãnh án chung thân.
7. Cựu Thủ tướng Lebanon Rafiq Hariri
|
Cựu Thủ tướng Hariri năm 2004, một năm trước khi ông bị ám sát. Ảnh: AP. |
Ông Hariri qua đời sau khi chiếc xe chở ông bị một xe tải đánh bom vào ngày 14/2/2005 trên đại lộ ven biển ở Beirut. Hơn 20 người khác cũng tử vong sau vụ tấn công. Sự kiện này gây ra nhiều năm biến động chính trị tại Lebanon.
Một tòa án đặc biệt do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn cuối cùng kết tội ba thành viên của nhóm chiến binh và đảng chính trị Hezbollah đứng sau vụ ném bom này.
8. Cố Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto
|
Cố Thủ tướng Benazir Bhutto. Ảnh: AP. |
Cố Thủ tướng Benazir Bhutto bị sát hại trong vụ tấn công khủng bố không bao lâu sau khi bà phát biểu tại cuộc vận động ở công viên Liaquat ở Rawakpindi vào tháng 12/2007. Vụ tấn công bằng bom cũng khiến hơn 20 người khác thiệt mạng. Giới chức Pakistan khẳng định thủ lĩnh Taliban là kẻ đứng sau.
9. Cố Tổng thống Haiti Jovenel Moïse
|
Cố Tổng thống Haiti Jovenel Moise, người bị ám sát tại nhà riêng hồi tháng 7/2021. Ảnh: Reuters. |
Tối muộn ngày 7/7/2021, một nhóm đàn ông mang theo vũ khí xông vào nhà Tổng thống Jovenel Moïse. Chúng nã nhiều phát đạn, khiến ông thiệt mạng, trong khi vợ ông thì trọng thương. Vụ tấn công xảy ra sau nhiều tháng mất ổn định chính trị và bạo lực băng đảng ở quốc gia vùng Caribbean. Các công tố viên cho rằng vụ việc đã được lên kế hoạch một phần ở Mỹ.
Hàng chục người đã bị bắt và nêu tên là nghi phạm. Tuy nhiên, cuộc điều tra về vụ ám sát này của chính phủ Haiti đã bị đình trệ và đến nay chưa rõ động cơ tấn công là gì.
10. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
|
Ông Abe phát biểu ngay trước khi bị bắn và qua đời. Ảnh: Yomiuri Japan. |
11h30 ngày 8/7, ông Abe bị bắn trúng hai phát đạn vào ngực và cổ khi phát biểu vận động bầu cử bên ngoài một nhà ga ở thành phố Nara. Tuy được đưa đến bệnh viện, ông qua đời sau hơn 5 tiếng cầm cự do mất quá nhiều máu. Cảnh sát đã bắt hung thủ Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, từng làm việc cho Lực lượng Phòng vệ Hàng hải trong ba năm cho đến khoảng năm 2005.
Tetsuya dùng súng tự chế bắn cựu Tổng thống 67 tuổi vì nghĩ ông có liên quan đến một tổ chức tôn giáo mà mẹ mình quyên góp rất nhiều tiền dẫn đến phá sản. Tại hiện trường, cảnh sát thu giữ một khẩu súng tự chế với hai nòng dài 40 cm, được quấn băng keo đen.