Truyền thông Iran ngày 17/4 đưa tin, cuộc không kích của Mỹ và đồng minh nhằm vào Syria hôm 14/4 vừa qua đã tác động không nhỏ đến các cơ sở quân sự của Tehran tại Syria. Vụ việc càng trở nên nghiêm trọng hơn khi Mỹ và phương Tây còn cáo buộc Iran viện trợ vũ khí hóa học cho Syria.
Thiếu tướng Mohammad Ali Jafari, Tổng tư lệnh Vệ binh Cách mạng Iran cho biết, Iran sẽ có biện pháp đáp trả hành động khiêu khích của Mỹ và đồng minh và những biện pháp này sẽ không chỉ giới hạn trong lãnh thổ Syria.
|
Mặc dù cùng chung một liên minh quân sự giúp Syria chống lại các nước phương Tây, nhưng Nga và Iran chỉ bằng mặt nhưng không bằng lòng. Ảnh: aljazeera. |
Các chuyên gia quân sự cho rằng, Iran hoàn toàn có đủ khả năng để đáp trả Mỹ. Hiện Iran đang duy trì sự hiện diện quân sự tại nhiều quốc gia Trung Đông như Iraq, Syria, Yemen. Giới chức các nước nhận định, việc Mỹ và đồng minh không kích Syria có thể khiến Iran thay đổi lập trường và có các biện pháp đáp trả bằng cách sử dụng lực lượng quân sự đồn trú tại Iraq, Syria và Yemen.
Quyết định không kích Syria của Mỹ và đồng minh bị coi là hành động định hướng cho lập trường chưa nhất quán của Iran thời gian vừa qua. Rất có thể, Iran sẽ đứng hẳn về phía Nga chống lại phương Tây.
Được biết, một lượng lớn máy bay ném bom và máy bay chiến đấu của Nga đã có mặt tại các căn cứ không quân của Iran. Về phần mình, Iran cũng cho biết, sự có mặt của lực lượng Không quân Nga trên lãnh thổ Iran "sẽ không có giới hạn về thời gian". Sự có mặt của máy bay Nga trên lãnh thổ Iran rõ ràng là nhằm vào Mỹ và đồng minh. Sự ủng hộ của Iran có thể giúp máy bay ném bom Nga có thể không kích mọi mục tiêu ở Syria trong vòng vài tiếng đồng hồ.
|
Chiến lược sai lầm của Mỹ tại Syria có thể dẫn tới hậu quả khó lường, khi Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ thành lập một liên minh quân sự mới. Ảnh: aljazeera. |
Theo đánh giá của giới phân tích, là cường quốc sở hữu nền tảng công nghiệp hoàn chỉnh nhất Trung Đông, Iran có tầm ảnh hưởng quân sự rất lớn trong khu vực. Đặc biệt, chính phủ Iran luôn quan tâm phát triển công nghệ tên lửa và cả hạt nhân. Cho đến nay, Iran là quốc gia Trung Đông duy nhất nắm trong tay công nghệ chế tạo tên lửa đạn đạo tiên tiến mà không cần tới các công nghệ từ bên ngoài, điều này một phần nào đó cho thấy được nội lực của quốc gia này. Tầm bắn tên lửa đạn đạo của Iran có khả năng vươn tới bất kỳ nơi nào ở Trung Đông, thậm chí một nửa châu Âu cũng nằm trong phạm vi tấn công của các loại tên lửa này.
Do đó, nếu Iran hợp tác hoàn toàn với Nga trong cuộc chiến ở Syria thì cán cân chính trị lẫn quân sự ở Trung Đông sẽ nghiêng hẳn về phía Moscow. Đây là điều mà Mỹ và một số nước Trung Đông không muốn xảy ra, và những hành động thù địch của Washington nhắm tới Tehran càng khiến một liên minh quân sự Nga-Iran sớm hình thành.
Mời độc giả xem video: Liên minh quân sự Syria-Iran. (nguồn RT)