Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đến khu nghỉ mát Mar-a-Lago vào ngày 17/4 để gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong bối cảnh đối mặt với nhiều thách thức bên ngoài lẫn những cuộc biểu tình kêu gọi từ chức trong nước, ông Abe đang mong chờ một thắng lợi chính sách hơn bao giờ hết.
Kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố đồng ý gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un, thủ tướng Nhật đã bị đặt vào tình thế bị động bất chấp lập trường cứng rắn về vấn đề Triều Tiên. Những cảnh báo của Tokyo về việc không nên tin tưởng Bình Nhưỡng bị phớt lờ trong lúc cả Washington và Seoul đều hướng đến cuộc tiếp xúc lịch sử.
Đó là chưa kể một tháng sau, ông Trump tuyên bố áp dụng chính sách tăng thuế nhập khẩu với nhôm và thép để bảo vệ nền sản xuất trong nước, miễn trừ hầu hết đối tác thương mại lớn của Mỹ nhưng không có Nhật Bản.
Cùng lúc, những cuộc biểu tình đòi ông Abe từ chức đang được triển khai rầm rộ sau hàng loạt bê bối của vị thủ tướng. Trong khi bê bối lạm quyền, "nâng đỡ" người quen vẫn chưa hạ nhiệt, ông Abe tiếp tục bị chỉ trích khi những ghi chép về hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) tại Iraq, việc được cho là trái với hiến pháp, bị phát giác. Tỷ lệ ủng hộ nhà lãnh đạo rớt xuống mức thấp kỷ lục kể từ khi nắm quyền.
|
Ông Abe và ông Trump được cho là có mối quan hệ cá nhân gắn bó. Ảnh: Reuters. |
Trắc trở với Trump
Các chuyên gia nói rằng điều quan trọng nhất lúc này với ông Abe là phải làm rõ ý định thực sự của Tổng thống Trump và đảm bảo lợi ích của Nhật được đề cập một cách thích hợp trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Washington và Bình Nhưỡng.
"Về vấn đề Triều Tiên, giờ Nhật có vẻ là nước bị cô lập nhất trong nhóm đồng minh Mỹ. Tokyo thậm chí đã thử nối lại các kênh liên lạc độc lập với Bình Nhưỡng cũng như hàn gắn mối quan hệ nguội lạnh với Trung Quốc", chuyên gia Euan Gramham, giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế của Viện Lowy tại Australia, trả lời CNN.
Trong lúc chính quyền Abe vướng vào hàng loạt tai tiếng, thủ tướng Nhật có lẽ sẽ xem sân khấu quốc tế là nơi ông có thể tỏa sáng để lôi kéo sự chú ý của dư luận ra khỏi các vấn đề trong nước. Song các chuyên gia cảnh báo ông Abe không thể gây ấn tượng với công chúng chỉ bằng việc xác nhận sự bền chặt của mối quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ.
"Ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Abe trong chuyến đi này là xác định liệu những thay đổi chính sách gần đây của ông Trump chỉ là một phần trong nỗ lực giành lấy sự ủng hộ trong nước trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, hay là phản ánh ý định sâu xa hơn là cân nhắc lại nền tảng đồng minh Mỹ - Nhật", giáo sư về chính trị quốc tế Yuichi Hosoya, Đại học Keio, nhận định trên Japan Times.
Một mối quan ngại lớn tại Tokyo là thỏa thuận mà Mỹ và Triều Tiên đạt được trong cuộc tiếp xúc sắp tới có thể đưa đến kết quả Bình Nhưỡng giữ lại các tên lửa với tầm bắn đến Nhật.
Phát biểu trước quốc hội tuần trước, Thủ tướng Abe nói một thỏa thuận về việc xóa bỏ kho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên "không có ý nghĩa gì với Nhật". Ông nói ông sẽ kêu gọi Tổng thống Trump ép Triều Tiên "xóa bỏ các tên lửa tầm trung và tầm ngắn vốn có thể bắn đến Nhật".
|
Ông Abe thăm Mỹ trong bối cảnh hàng loạt tai tiếng bủa vây khiến tỷ lệ ủng hộ sụt giảm nghiêm trọng. Ảnh minh họa: Kyodo. |
Tuy nhiên, phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ mới đây, ông Mike Pompeo, đề cử của Tổng thống Trump cho chức vụ ngoại trưởng thay thế ông Rex Tillerson, nói dù Mỹ vẫn tiếp tục bảo vệ Nhật, trọng điểm của cuộc gặp Trump - Kim là "giải quyết mối đe dọa hạt nhân với Mỹ".
"Không rõ là có ai chủ ý gạt Nhật Bản sang một bên hay không, nhưng họ chắc chắn không cố để Tokyo tham dự và do đó những ưu tiên của Nhật có thể bị xếp dưới cùng trong danh sách", Duncan Innes-Ker, giám đốc khu vực châu Á của Economist Intelligence Unit, nhận định trên CNN.
Tình thế bị động
Hội nghị thượng đỉnh hai miền bán đảo Triều Tiên dự kiến diễn ra vào ngày 27/4, còn cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều có thể diễn ra cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin nào về một cuộc tiếp xúc giữa Tokyo và Bình Nhưỡng. Do đó, Nhật buộc phải phụ thuộc lớn vào Hàn Quốc và Mỹ trong việc đàm phán với Bình Nhưỡng.
Theo chuyên gia Brad Glosserman, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Tama, Tổng thống Trump, một người khó đoán và đang đối mặt với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11, sẽ ưu tiên cho các vấn đề chính trị nội bộ.
"Lo lắng của tôi là Tổng thống Mỹ vì quá nóng lòng đạt được thắng lợi ngoại giao mà đi đến một thỏa thuận chẳng đả động gì đến việc bảo vệ lợi ích của Nhật", ông nói với Japan Times.
Vị chuyên gia nói ông Abe phải nhắc cho ông Trump về sự ủng hộ của thủ tướng Nhật và mối quan hệ bền chặt mà họ đã xây dựng, để đảm bảo tổng thống Mỹ sẽ nêu các vấn đề liên quan đến Nhật khi gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Giáo sư Matake Kamiya, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Học viện Quốc phòng, nói ông Abe nên cảnh báo cho tổng thống Mỹ về việc ông Kim Jong Un có thể đưa ra những lời hứa mà sau đó không bao giờ thực hiện, để đổi lấy sự nhượng bộ từ Mỹ.
"Những gì có vẻ là sự thỏa hiệp lớn lao từ phía Triều Tiên có thể sẽ không tốt đẹp gì. Abe phải bơm vào đầu ông Trump điều đó", chuyên gia Kamiya nói.
|
Ông Abe muốn sử dụng mối quan hệ với Trump để cứu vãn hình ảnh trong nước. Ảnh: Kyodo. |
Trong khi đó, bà Bonnie Glaser, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, tỏ ra lạc quan hơn về mối quan hệ Abe - Trump.
"Tôi nghĩ rằng Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe có mối quan hệ rất tốt cả về mặt cá nhân lẫn công việc. Nhận thức của tôi là Tổng thống Trump đánh giá cao các quan điểm của Thủ tướng Abe", bà Glaser nói.
"Nếu tổng thống Mỹ gặp ông Kim và nói rằng ông ta phải loại bỏ vũ khí hạt nhân, điều đó tốt cho Nhật Bản, và điều đó tốt cho Mỹ. Về những kẻ bắt cóc, vâng, Thủ tướng Abe sẽ nêu vấn đề này với Tổng thống Trump, và tôi không thấy lý do nào để Tổng thống Trump không đồng ý nêu vấn đề này với ông Kim".
Đặt cược hy vọng
Chuyến đi Mỹ của ông Abe trùng với thời điểm với ông đối mặt với tình thế nguy nan tại chính trường nước nhà. Chính phủ của ông, vốn từng được coi là gần như bất khả chiến bại, bị tấn công bởi hàng loạt bê bối liên tiếp, bao gồm các cáo buộc về nâng đỡ người quen liên quan đến chính thủ tướng, việc Bộ Quốc phòng giấu giếm dữ liệu và thông tin về việc một quan chức hàng đầu của Bộ Tài chính quấy rối tình dục.
"Tình hình rất tệ. Không phải chuyện toàn bộ nội các của ông Abe phải từ chức ngay lập tức, mà là chuyện một tấm thẻ vàng đang phất phơ trước cơ hội tái đắc cử chức chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông ấy", Norihiko Narita, giáo sư danh dự về khoa học chính trị tại Đại học Surugadai, cho biết.
Hai vụ bê bối riêng biệt nhưng cùng cáo buộc lạm quyền, ưu ái người quen từng khiến tỷ lệ ủng hộ ông Abe rơi xuống mức thấp nguy hiểm vào mùa hè năm ngoái. Khi đó, Abe đã vượt qua cuộc khủng hoảng bằng cách kêu gọi một cuộc bầu cử trước thời hạn, qua đó ông thể hiện lập trường cứng rắn với Triều Tiên và mối quan hệ keo sơn với Tổng thống Trump. Ông đã giành chiến thắng áp đảo.
|
Người biểu tình kêu gọi ông Abe từ chức tại Tokyo. Ảnh: Getty. |
Giờ đây, khi nền tảng quyền lực của mình một lần nữa đứng bên bờ vực, thủ tướng Nhật dường như đang đặt hết hy vọng vào một thắng lợi ngoại giao qua chuyến đi Mỹ, dù phần lớn giới quan sát quốc tế hoài nghi ông sẽ thành công.
"Dù chuyến đi này sẽ khiến một số vụ bê bối không xuất hiện trên báo trong vài ngày, tôi nghĩ rằng toàn bộ chuyến đi sẽ không giúp gì nhiều cho ông Abe với các vấn đề trong nước", nhà phân tích Tobias Harris của hãng tư vấn Teneo Intelligence nhận định.