Hành trình hơn 16 tiếng đi vào bãi thử hạt nhân Punggye-ri Triều Tiên

Google News

Ước tính nhóm 20 phóng viên quốc tế sẽ phải mất hơn 16 giờ đồng hồ để có thể đến được bãi thử trên vùng núi hẻo lánh Punggye-ri miền Bắc Triều Tiên, chưa kể đến tình hình thời tiết xấu.
 

Theo phóng viên của đài truyền hình CNN có mặt trong nhóm truyền thông quốc tế được mời đến Triều Tiên để chứng kiến lễ dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri, chuyến bay của hãng hàng không Air Koyro đáp xuống thành phố cảng Wonsan bờ Đông Triều Tiên vào hôm 22/5 chỉ là đoạn đường đầu tiên trong hành trình dài tới Punggye-ri – nơi cách Wonsan khoảng 600 km.
Từ thành phố nghỉ dưỡng Wonsan tới được bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nhóm phóng viên quốc tế sẽ phải ngồi tàu hỏa mất 11 tiếng, đi ô tô thêm 4 tiếng nữa và mất 1 tiếng để leo bộ lên núi tới được địa điểm quan sát để họ có thể đưa tin về lễ phá bỏ bãi thử hạt nhân. Trang mạng 38 North (38 độ vĩ Bắc) của Mỹ chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên ngày 20/5 cho biết các hình ảnh vệ tinh cho thấy Bình Nhưỡng đã chuẩn bị xây một đài quan sát để khách mời có thể theo dõi quá trình dỡ bỏ bãi thử hạt nhân.
Chuyến đi kéo dài hơn 16 tiếng có thể sẽ gặp nhiều khó khăn vì tình hình mưa lớn trong thời gian hiện nay ở Triều Tiên. Tối 22/5, đoàn phóng viên dự kiến sẽ đi tàu đến khu vực đặt bãi thử Punggye-ri. Tuy nhiên, sau khi chuyến đi bất ngờ bị huỷ vì thời tiết xấu, các phóng viên được sắp xếp nghỉ đêm tại thành phố. Triều Tiên đã lập một trung tâm báo chí cho các phóng viên ngay tại đây.
 Các phóng viên Hàn Quốc lên máy bay tại sân bay ở Seongnam, đông bắc thủ đô Seoul, để tới Triều Tiên đưa tin về sự kiện dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri ngày 23/5. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Với quãng đường dài 600 km, chưa kể tình hình mưa lớn hiện nay, các nhà báo quốc tế phải mất ít nhất 16 tiếng mới đến được bãi thử hạt nhân Punggye-ri.
Trong một diễn biến liên quan, ngay vào phút chót, 8 nhà báo Hàn Quốc đã được phía Triều Tiên thông qua và cho phép tới tham dự cùng truyền thông quốc tế đưa tin về lễ dỡ bỏ bãi thử hạt nhân. Họ được cấp thị thực và đáp chuyến bay xuống sân bay thành phố Wonsan vào ngày 23/5.
Hiện vẫn chưa rõ truyền thông quốc tế có thể được nhìn thấy bao nhiêu phần trăm công tác dỡ bỏ bãi thử Punggye-ri. Mặc dù thời gian cụ thể cho sự kiện vẫn chưa có thông báo chính thức, song dựa trên hành trình dài xuất phát từ Wonsan, rất có thể lễ dỡ bỏ phải lui lại cho tới chiều muộn thứ Năm (24/5) hoặc sang ngày thứ Sáu (25/5). Một quan chức Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng sẽ tiến hành phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri vào ngày 24/5 nếu điều kiện thời tiết thuận lợi.
Với quãng đường dài 600 km, chưa kể tình hình mưa lớn hiện nay, các nhà báo quốc tế phải mất ít nhất 16 tiếng mới đến được bãi thử hạt nhân Punggye-ri.
 
Không có bất kỳ một giám sát viên hay chuyên gia vũ khí nào được mời tới sự kiện. Một số nhà phân tích trả lời kênh truyền hình CNN cảnh báo rất có thể những chứng cứ quan trọng về năng lực và chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ bị biến mất cùng bãi thử hạt nhân.
Theo Tom Cheshire – phóng viên của báo Anh Sky News có mặt trong đoàn truyền thông quốc tế tới Wonsan, điện thoại vệ tinh và thiết bị đo bức xạ hạt nhân của nhóm anh đã bị nhân viên an ninh Triều Tiên tịch thu tại sân bay Wonsan. Các thiết bị của phóng viên Trung Quốc cũng bị tịch thu.
Ngày 12/5, Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết nước này sẽ mời các phóng viên từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Anh tới dự lễ đánh dấu việc đóng cửa bãi thử hạt nhân Pyunggye-ri. Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định do không gian hạn hẹp, nên sẽ chỉ có phóng viên của các nước trên được mời tới sự kiện này.
Theo Hồng Hạnh/Báo Tin tức

>> xem thêm

Bình luận(0)