Theo Straits Times, việc Liên Hợp Quốc đưa loạt tàu vận chuyển và công ty vào "danh sách đen" vì đã giúp Triều Tiên chứng tỏ những lệnh trừng phạt áp dụng đối với Bình Nhưỡng vẫn sẽ được duy trì, dù nước này vừa tỏ thái độ "xuống nước" bằng nhiều hoạt động ngoại giao.
|
Ul Ji Bong 6 là một trong số tàu trở hàng hóa của Triều Tiên bị cấm cửa. Ảnh: Marine Traffic. |
Theo một tài liệu do AFP tiếp cận được, 13 tàu chở dầu và hàng hóa của Triều Tiên cùng 12 tàu của nhiều nước khác đã bị cấm khỏi các cảng trên thế giới. Hai tàu Triều Tiên bị đóng băng tài sản trên toàn cầu nhưng không bị cấm vào cảng.
21 tàu và công ty khác bị đóng băng tài sản trên toàn cầu. 3 trong số đó có trụ sở tại Hong Kong. Trong danh sách còn nhiều công ty có trụ sở tại Trung Quốc đại lục, Singapore, Samoa, quần đảo Marshall và Panama.
Một nhà ngoại giao giấu tên cho biết Mỹ đã yêu cầu Hội đồng Bảo an thông qua gói trừng phạt nặng nề nhất từ trước đến nay nhắm vào Triều Tiên khi cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Trump sắp diễn ra đầu tháng 5.
Động thái này là một phần của sự trừng phạt thẳng tay các hoạt động buôn lậu vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc đáp trả các cuộc thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trước đó, Mỹ đã đề xuất gói trừng phạt đối với 33 tàu thuyền và 27 công ty, nhưng Trung Quốc đã yêu cầu được duyệt lại danh sách.
Trong năm 2017, Triều Tiên đã thu lợi gần 200 triệu USD với xuất khẩu than đá, sắt, thép và nhiều loại hàng bị cấm khác.