Các chuyên gia thế giới nói gì về cuộc gặp lịch sử Mỹ-Triều

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều nhà chính trị cùng các chuyên gia phân tích đã đưa ra các quan điểm cá nhân xung quanh cuộc gặp Mỹ-Triều Tiên dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới.

Trong những ngày gần đây truyền thông quốc tế đưa tin rầm rộ về cuộc gặp mặt được coi là bước ngoặt trong lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Vào tối ngày 8/3 (giờ địa phương), bên ngoài Nhà Trắng, Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc, ông Chung Eui-yong đã có thông báo ngắn về việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mời Mỹ cùng tham gia cuộc gặp mặt trực tiếp. Theo lời ông Chung, cùng lời mời trên, trong thời gian tới, Bình Nhưỡng cũng đồng ý dừng các vụ thử bắn tên lửa và sẵn lòng cùng ngồi vào bàn đàm phán để hướng tới việc ngừng chương trình hạt nhân.
"Ông Kim Jong-un nhấn mạnh việc ông rất kì vọng gặp mặt Tổng thống Mỹ Donald Trump càng sớm càng tốt”, Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong nói trong cuộc gặp gỡ giới truyền thông bên ngoài Cổng Phía Tây Nhà Trắng vào tối 8/3 (theo giờ địa phương). “Tổng thống Trump đánh giá cao lời mời (từ phía ông Kim Jong-un) và nói rằng ông sẽ gặp ông Kim Jong-un trước tháng 5 để đạt được phi hạt nhân hóa vĩnh viễn”, ông Chung nói tiếp.
 Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc, ông Chung Eui-yong trả lời cánh phóng viên ngày 8/3 ở Cổng Phía Tây Nhà Trắng. Ảnh AP
Liên quan tới vấn đề này, Tổng thống Trump còn chia sẻ thông tin về cuộc gặp trên trang cá nhân rằng: “Ông Kim Jong-un đã nói về việc phi hạt nhân hóa với các đại diện Hàn Quốc, không chỉ là đóng băng. Cùng với đó, Triều Tiên sẽ không thực hiện các vụ bắn thử tên lửa trong suốt giai đoạn này. Một bước tiến lớn nhưng các lệnh trừng phạt vẫn sẽ được duy trì cho tới khi các bên đạt được một thỏa thuận. Cuộc gặp đang được bàn tính”.
Sau đó, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ giải thích, các quan chức Hàn Quốc đã thông báo cho Tổng thống Trump về lời mời đó với sự góp mặt của Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Matties, cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster, Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coates và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Sullivan.
Theo vị quan chức trên, đêm 8/3, Tổng thống Trump cũng trò chuyện với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về việc này.
Khi được hỏi lý do tại sao Tổng thống Trump sẵn sàng tham gia cuộc gặp mặt trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên thay vì góp mặt trong các cuộc đàm phán cấp thấp, vị này cho biết, Washington đã tiến hành các cuộc thương lượng như vậy trong nhiều năm qua, nhưng chưa đạt được nhiều thành công. “Tôi nghĩ rằng, lịch sử đó đã tự chứng minh rồi”, quan chức Mỹ trả lời phóng viên.
Nhiều chuyên gia phân tích chính trị hàng đầu thế giới đưa ra các quan điểm về cuộc gặp lịch sử này.
Theo đó, cuộc gặp gỡ sắp diễn ra giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho thấy, cả hai lãnh đạo đều tin giải pháp bằng con đường ngoại giao đối với bế tắc của hai bên là lựa chọn duy nhất.
Mời độc giả xem video: Lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên sẽ gặp nhau vào tháng 5. (Nguồn VTC14)
“Đây là một bước tiến quan trọng về ngoại giao…”, ông William Perry, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton, chia sẻ quan điểm trong cuộc trò chuyện với Politico. Ông Perry cũng tham gia các cuộc đàm phán với phía Triều Tiên trong thập niên 1990.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, ông Ed Royce chia sẻ dòng Twitter như sau: “Việc ông Kim Jong un muốn tham gia cuộc gặp (trực tiếp với Tổng thống Trump) chứng tỏ rằng, các lệnh trừng phạt do chính quyền (Mỹ) áp đặt đang bắt đầu phát huy tác dụng”.
Trong khi đó, Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí có trụ sở ở Washington – tổ chức đã chỉ trích cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Trump đối với Triều Tiên và từ lâu đã ủng hộ hai bên giải quyết bằng con đường ngoại giao, ông Daryl Kimball cho hay: “Đấy là một tin rất đáng hoan nghênh. Cả hai bên đều đang gửi đi các tín hiệu mạnh mẽ rằng họ muốn tìm một giải pháp thông qua đàm phán”.
Đặc biệt, ông Kimball chỉ ra, ngoài việc mời Tổng thống Trump gặp mặt trực tiếp, điều đặc biệt đáng chú ý đó là Triều Tiên còn nhất trí hoãn các vụ bắn thử tên lửa và thử nghiệm hạt nhân trong khoảng thời gian này.
“Nếu họ thực hiện thêm 3,4,5 cuộc thử nghiệm hạt nhân nữa, họ có thể làm chủ tất cả các yêu cầu kỹ thuật để phóng các đầu đạn hạt nhân về phía sân sau của bạn và của tôi. Việc này đến vào đúng thời điểm tính theo sự tiến bộ trong chương trình (hạt nhân) của họ”.
Tuy nhiên, ông và những chuyên gia khác cũng cảnh báo rằng, còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về chương trình nghị sự trong cuộc gặp Mỹ-Triều cũng như kết quả chính xác của cuộc đàm đàm phán sẽ như nào.
Bản tin truyền hình Hàn Quốc phát sóng bản tin về việc Tổng thống Mỹ Trump đồng ý gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh Getty
“Tất nhiên, cuộc gặp phải được chuẩn bị kĩ lưỡng. Và chính quyền (Mỹ) phải bỏ tâm nhiều thời gian suy nghĩ và tham khảo với những người thực sự có kinh nghiệm trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên. Tuy nhiên, như một nguyên tắc chung thì đó là ý kiến hay. Đó có thể là một bước ngoặt lịch sử”, ông Joel S.Wit, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và là người sáng lập trang 38 North chuyên phân tích tình hình Triều Tiên.
Một ý kiến khác đó là ông Perry lưu ý về việc tiến hành cuộc đàm phán mà cả hai bên đều chưa có mục tiêu rõ ràng. “Có lý do chính đáng để (hai bên) nói chuyện. Nhưng chỉ khi chúng ta đang nói về cái gì đó đáng để làm và có thể được kiểm chứng hợp lý. Nếu không, chúng ta đang thực hiện kế hoạch cho một thất bại ngoại giao lớn”, ông Perry chia sẻ. “Tôi hi vọng rằng, cuộc gặp mặt được dựa trên các kì vọng thực tế của những gì được thương lượng và kiểm chứng”.
Còn ông Wit cũng hạ thấp cảnh báo về việc Triều Tiên có thể sử dụng cuộc gặp với Tổng thống Trump như một công cụ tuyên truyền nhằm nhấn mạnh đến việc nước này được công nhận là một cường quốc hạt nhân.
“Hãy tập trung vào những gì quan trọng ở đây. Điều quan trọng đó là chỉ năm ngoái chúng ta đang trong một cuộc khủng hoảng mà nhiều người nghĩa rằng sẽ dẫn đến một cuộc Chiến tranh Triều Tiên lần thứ 2. Đó là cơ hội để xoay chuyển tình hình”, ông nói.
Thanh Hà (the Politico)

>> xem thêm

Bình luận(0)