Việc xác nhận danh tính của người chết, hỏa táng người chết bằng chi phí công là chuyện không xa lạ gì tại Nhật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thân nhân của người quá cố thậm chí còn từ chối hoặc không phản hồi trước đề nghị tới lấy tro cốt.
|
Hầm chứa những chiếc bình đựng tro cốt không người nhận ở Yokosuka. (Ảnh: Reuters) |
"Khi tôi chết đi, mặc dù tôi chỉ có 150.000 yên (31 triệu đồng), các anh vẫn sẽ hỏa táng và chôn tôi dưới ngôi mộ của một người bần cùng chứ? Tôi không có ai tới lấy tro cốt của mình cả", Reuters trích mẩu giấy nhắn nhủ của một ông lão 70 tuổi ở Yokosuka, phía nam Tokyo. Ông lão này đã qua đời vào năm 2015 và tro cốt của ông đã được chôn tại một ngôi đền địa phương.
Những chiếc bình đựng tro cốt không người nhận đã phản ánh sự thay đổi về kinh tế, xã hội và nhân khẩu học tại Nhật Bản, nơi ngày càng nhiều người cao tuổi sống bằng trợ cấp xã hội và sự gắn kết, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình dần bị mai một.
|
Đã sắp hết không gian để chứa những chiếc bình này. (Ảnh: Reuters) |
Vấn đề này dường như đang trầm trọng hơn, các chuyên gia nhận định, số người chết tại Nhật Bản dự kiến sẽ tăng từ 1,33 triệu người lên 1,67 triệu người vào năm 2040, trong khi dân số thì giảm đi.
Chính quyền thành phố Yokosuka cũng đang đau đầu khi nhà kho hơn 300 tuổi, nơi để những chiếc bình đựng tro cốt vô thừa nhận, sắp sập.
"Không gian để chứa những chiếc bình này sắp hết", ông Hitomi Nakamura, một quan chức tại Saitama, phía bắc Tokyo nói. Số lượng những chiếc bình đựng tro cốt không có người nhận tại đây đã tăng lên hơn 1.700 chiếc vào năm ngoái.
"Nhiều người cao tuổi đang sống bằng tiền trợ cấp", ông Hitoma nói thêm, "và nhiều người trong số họ bị gia đình ghẻ lạnh".
Nguyên nhân có lẽ là do nhiều người trẻ tại Nhật Bản đang phải sống bằng đồng lương ít ỏi của mình và chi phí để lo ma chay hay nơi chôn cất cho cha mẹ già có thể trở thành một gánh nặng đối với họ.
Một đám tang truyền thống, gồm cả thức ăn, nước uống, quà cho khách tới viếng và thuê một nhà sư tới tụng kinh, có thể tiêu tốn trên dưới 2 triệu Yên (hơn 400 triệu đồng).
"Ngày càng nhiều người chết trong cô đơn, không ai tới lấy tro cốt của họ sau khi hỏa táng vì sợi dây liên kết trong các gia đình ngày càng yếu đi", Hisako Makimura, một chuyên gia về xã hội học tại Đại học Kansai nói.
Trước kia, người Nhật thường sống trong gia đình 3 thế hệ. Nhưng ngày nay, các cặp vợ chồng sinh ít con hơn và mọi người có xu hướng rời xa gia đình để dồn thời gian nhiều hơn cho công việc.
Tại thành phố Fukuoka, gần 6.000 chiếc bình đựng tro cốt không có người nhận đang xếp chồng lên nhau, trong khi ở Osaka 2.366 chiếc bình như vậy đã được chôn trong một ngôi mộ chung vào năm nay sau khi không ai tới nhận chúng trong vòng 1 hoặc 2 năm.
Tại Yokosuka, ngày càng nhiều người cao tuổi qua đời mà không để lại bất cứ lời trăng trối nào về đám tang của mình hay thông tin về người thân. Giới chức thành phố đã lục soát nhà họ và các giấy tờ tùy thân để liên hệ với người nhà của họ qua thư điện tử nhưng thường không thu được kết quả gì.
Xác định những chiếc bình đựng tro cốt vô thừa nhận là của những người cao tuổi nghèo khó, từ năm 2015 trở đi Yokosuka đã bắt đầu dịch vụ "hỗ trợ kế hoạch kết thúc cuộc đời" dành cho những cư dân có thu nhập thấp mà không có người thân bên cạnh.
Các cá nhân trả ít nhất 250.000 Yên (52 triệu đồng), tương đương 1/5 chi phí hỏa táng và chôn cất, phần còn lại do chính phủ chi trả. Nhiều người đã đăng ký tham gia kế hoạch này, trong đó có ông Sumitaka Horiguchi (80 tuổi).
"Tôi cảm thấy rất an tâm", ông Horiguchi nói. Ông chưa từng kết hôn và không gặp anh chị em của mình trong nhiều năm. Vì thế, ông vô cùng lo lắng về nơi an táng sau khi chết. "Mọi chuyện đã thay đổi", ông nói khi đang ở trong trại dưỡng lão. "Tôi thấy bình tâm".