|
Bà Angela McArthur - người phụ trách chương trình hiến xác thuộc Đại học Minnesota - Ảnh: REUTERS |
Tại các nhà tang lễ ở thành phố Las Vegas, những gia đình có người thân qua đời có thể tìm thấy tờ rơi quảng cáo của Southern Nevada Donor Services - một công ty dịch vụ hứa hẹn có thể giúp trang trải chi phí hỏa táng, đổi lại họ chỉ cần đồng ý hiến xác người đã khuất "cho y học".
Thoạt nghe có vẻ "nhân văn" nhưng nếu ai chịu khó tìm đến khu nhà xác đông lạnh của Southern Nevada nằm ở ngoại ô thành phố, có lẽ họ sẽ nghĩ mình đang chìm trong một cơn ác mộng. Ở đó, không có niềm an ủi nào cho người còn sống lẫn người đã khuất…
Mùa thu năm 2015, những người láng giềng ở khu ngoại ô Las Vegas than phiền về mùi hôi bí ẩn và những chiếc hộp dính đầy máu ở bãi rác. Đến tháng 12, một người nào đó đã gọi điện báo cho chính quyền về những hoạt động lạ trong một nhà kho gần đó.
Có mặt tại hiện trường, các thanh tra chứng kiến một người đàn ông mặc trang phục y tế cầm trên tay vòi nước tưới cây. Ông ta đang phun nước rã đông một phần thân người ngay dưới cái nắng giữa trưa.
Nước phun tới đâu, "mô và máu từ phần thân người tách rời ra, trôi theo dòng nước xuống cống. Nước đó chảy ngang qua một dãy cửa hàng, băng qua con đường gần một trường học" - báo cáo của chính quyền mô tả.
Người ta sau đó phát hiện ra Southern Nevada là một công ty môi giới thi thể. Họ mua lại xác chết "dành cho khoa học", xẻ ra thành từng bộ phận rồi bán chúng cho các nhà nghiên cứu, bác sĩ, các tổ chức giáo dục và bất cứ ai có nhu cầu. Phần thân người đang rã đông bị phát hiện vào một ngày tháng 12-2015 chính là để chuẩn bị bán cho một ai đó.
Nghề kinh doanh "sự tử tế"
Mỗi năm, hàng ngàn người Mỹ hiến xác "cho khoa học" - hay đó là những gì họ tin. Trên thực tế, nhiều người không hề biết các công ty/tổ chức như Southern Nevada rao bán thi thể như món hàng hóa, thị trường này ở Mỹ gần như không bị kiểm soát.
Tình trạng hiện tại là ai nấy muốn làm gì thì làm. Chúng ta đang chứng kiến những vấn đề tương tự như tình trạng cướp mộ nhiều thế kỷ trước. Tôi không biết mình có diễn tả đủ mạnh không, nhưng những gì họ đang làm là kiếm tiền từ việc buôn bán (xác) con người” - Bà Angela McArthur, người phụ trách chương trình hiến xác thuộc Đại học Minnesota
Theo điều tra của hãng tin Reuters, mô hình kinh doanh này dựa vào nguồn cung mở, dồi dào (và miễn phí) thi thể, chủ yếu đến từ tầng lớp người nghèo.
Đổi lại thi thể, các tay trung gian hỏa táng một phần xác người hiến miễn phí. Họ thường đưa ra đề nghị này với các gia đình thu nhập thấp, nhiều người trong đó vốn đã cạn kiệt tiền bạc sau khi lo chi phí chăm sóc y tế cho người thân và không thể tổ chức tang lễ một cách bình thường.
"Những người có khả năng tài chính được quyền chọn cách an táng người thân. Nhưng nếu không tiền, họ có thể chỉ còn giải pháp cuối cùng: Hiến xác" - ông Dawn Vander Kolk, người hoạt động tình nguyện cho một nhà tế bần, giải thích.
Luật lệ ít đồng nghĩa với hình phạt nhẹ khi các thi thể bị đối xử thiếu tôn trọng. Trong vụ Southern Nevada, nhà chức trách chỉ có thể gửi một cảnh cáo về hành vi gây ô nhiễm đến người công nhân đó.
Khi bị nhà báo chất vấn, ông Joe Collazo - ông chủ Southern Nevada, tỏ ra hối tiếc về sự việc. Bản thân ông thừa nhận ngành công nghiệp này cần phải được quản lý để giúp người hiến xác, người trung gian và các nhà nghiên cứu "có được sự bình an".
"Thành thật mà nói, tôi nghĩ cần phải có quy định. Vẫn còn tồn tại quá nhiều vùng xám" - ông Joe Collazo thừa nhận.
Vài tháng sau vụ việc, Southern Nevada giải thể trên đống nợ nần, còn ông chủ Collazo chuyển sang nghề buôn xe hơi.
|
Xác hiến tặng đóng một vai trò quan trọng trong y học. Trong ảnh là một bác sĩ được huấn luyện cấy ghép thiết bị vào xương sống bệnh nhân trên mẫu vật hiến tặng - Ảnh: REUTERS |
Các công ty môi giới thi thể tự nhận mình là "ngân hàng mô không cấy ghép". Chúng khác với nội tạng và mô của ngành công nghiệp ghép tạng, vốn được Chính phủ Mỹ quản lý khá chặt. Bán tim, thận… để ghép tạng là bất hợp pháp, nhưng không có luật nào cấm việc mua bán bộ phận cơ thể dùng để nghiên cứu và giáo dục. Gần như tất cả mọi người, bất kể chuyên môn ra sao, đều có thể xẻ thi thể ra và bán các bộ phận.
Trung bình, một tay trung gian có thể bán xác được hiến với giá từ 3.000 – 5.000 USD và đôi khi lên đến 10.000 USD. Nhưng thường họ sẽ chia xác ra làm 6 phần tùy theo nhu cầu của khách hàng. "Giá bán lẻ" thường là: 3.575 USD cho phần thân với hai chân; 500 USD cho phần đầu; 350 USD cho bàn chân; 300 USD cho xương sống…
"Hy sinh cuối cùng"
Ông Harold Dillard làm nghề chà bóng bồn tắm và mặt bàn cùng với người em trai ở thành phố Albuquerque, tiểu bang New Mexico. Một ngày sau lễ Tạ ơn năm 2009, bác sĩ chẩn đoán ông mắc ung thư giai đoạn cuối.
"Ông ấy chỉ mới 56 tuổi, trẻ, khỏe mạnh, có cuộc sống tuyệt vời, và chỉ sau một đêm mọi thứ kết thúc. Ông ấy muốn thực hiện hành động hy sinh cuối cùng trước khi chết và quyết định hiến xác" - cô Farrah Fasold, con gái ông Dillard, kể lại.
Khi ông Dillard trút hơi thở cuối cùng, nhân viên công ty môi giới thi thể Bio Care đến nhà họ và đọc nguyên bài diễn văn cảm động: "Món quà rộng lượng của ông ấy cho khoa học sẽ giúp ích cho sinh viên y khoa, bác sĩ và các nhà nghiên cứu… và vân vân".
Tuy nhiên, cô Fasold bắt đầu đâm ra ngờ vực sau nhiều tuần lễ Bio Care trễ hẹn bàn giao tro cốt của cha cô. Đến khi nhận được, cô cảm thấy đó không phải là tro cốt vì nó trông giống cát. Không may là cô đã đoán đúng.
|
Cô Farrah Fasold phát hiện thi thể cha cô bị người ta xẻ ra và đem bán - Ảnh: REUTERS |
Tháng 4/2010, cô Fasold được chính quyền thông báo cái đầu của cha cô nằm trong số nhiều bộ phận thi thể được tìm thấy tại một lò đốt y tế. Đó cũng là lần đầu tiên cô biết Bio Care là công ty chuyên kinh doanh thi thể người.
Tôi hoàn toàn hoảng loạn. Chúng tôi sẽ không bao giờ đăng ký nếu họ nói đến chuyện mua bán đó. Không đời nào! Đó không phải là những gì cha tôi muốn" - Cô Farrah Fasold - con gái một người quá cố bị lừa hiến xác.
Trong nhà kho của Bio Care, nhà chức trách phát hiện 127 bộ phận cơ thể thuộc về 45 người khác nhau. "Tất cả chúng dường như đã bị xẻ ra bằng một dụng cụ thô sơ, như chiếc cưa máy" - một thám tử cảnh sát mô tả lại trong lời khai.
Ông Paul Montano - ông chủ của Bio Care, bị khởi tố tội lừa đảo nhưng một mực chối bỏ. Các công tố viên sau đó phải rút lại cáo trạng vì họ không chứng minh được hành vi lừa đảo hay tội ác. Đơn giản vì không có luật liên bang nào quy định việc xử lý xác hiến tặng hoặc bảo vệ người thân của người hiến xác.
Bối rối và tức giận, cô Fasold gọi điện cho bà Kari Brandenburg - công tố viên Quận Bernalillo để chất vấn, nhưng vị quan chức cũng tỏ ra bất lực. "Những gì xảy ra quá kinh khủng, nhưng luật New Mexico không đề cập đến hoạt động này" - bà công tố viên Brandenburg tỏ ra bất lực.
Cuối cùng, nhà chức trách chỉ có thể thu hồi lại các phần thi thể của cha cô Fasold để gia đình hỏa táng đàng hoàng. Một số được tìm thấy ở lò đốt, số khác ở cơ sở của Bio Care.