Sau khi Tổng thống Iran Ebrahim Raisi thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng, Iran thông báo sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 28/6.
Lịch bầu cử đã được thông qua tại cuộc họp của các lãnh đạo cơ quan tư pháp, chính phủ và quốc hội. Các ứng viên tổng thống có thể bắt đầu đăng ký cho đến ngày 28/5 và chiến dịch tranh cử sẽ diễn ra từ ngày 12-27/6.
Tổng thống Ebrahim Raisi và Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng ngày 19/5. Chiếc trực thăng chở các quan chức hàng đầu của Iran bị rơi khi băng qua địa hình đồi núi trong sương mù dày đặc khi đang trên hành trình đến thành phố Tabriz của Iran sau lễ khánh thành đập Qiz Qalasi ở biên giới Iran-Azerbaijan.
Theo hiến pháp Iran, Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber, 69 tuổi, tạm thời đảm nhận chức vụ tổng thống.
Nhiều nhà phân tích Iran cho rằng, giới giáo sĩ và Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei có thể sẽ muốn có một tổng thống tương tự như ông Ebrahim Raisi, người có đường lối cứng rắn và mất lòng tin vào Mỹ cũng như Israel.
Hội đồng Giám hộ của Iran (một cơ quan gồm các thành viên của giới giáo sĩ) chịu trách nhiệm bầu Lãnh đạo tối cao và thẩm định tư cách của các ứng cử viên tranh cử vào các vị trí điều hành trong chính phủ nước này, bao gồm cả chức vụ tổng thống Iran.
Trong các cuộc bầu cử gần đây, Hội đồng Giám hộ đã gây khó khăn cho những người theo chủ nghĩa cải cách trong việc ứng cử tổng thống.
Dưới đây là 5 ứng viên nổi bật cho vị trí tổng thống Iran.
Mohammad Mokhber
Ông Mohammad Mokhber, sinh ngày 1/9/1955, là một nhân vật có ảnh hưởng sâu sắc trong lĩnh vực chính trị và kinh tế của Iran. Ông Mokhber có mối quan hệ chặt chẽ với Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei. Ông đảm nhận vai trò Phó Tổng thống thứ nhất vào năm 2021.
Sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi được xác nhận đã thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng, ông Mokhber nắm quyền tổng thống theo hiến pháp Iran.
Theo Reuters, ông Mokhber là thành viên trong phái đoàn Iran đến thăm Moscow vào tháng 10/2023 và đã đồng ý cung cấp tên lửa đất đối đất và UAV cho Nga. Phái đoàn khi đó còn có hai quan chức cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và một quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao.
Trước khi được bổ nhiệm làm phó tổng thống, ông Mokhber đã có 14 năm làm giám đốc Setad - một tập đoàn kinh tế hùng mạnh chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực từ thiện.
Setad được thành lập theo lệnh của Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini, chịu trách nhiệm bán và quản lý tài sản bị bỏ không trong thời kỳ hỗn loạn sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, phần lớn số tiền thu được dành cho mục đích từ thiện.
Năm 2010, Liên minh châu Âu đã đưa ông Mokhber vào danh sách trừng phạt vì bị cáo buộc liên quan đến các hoạt động tên lửa đạn đạo và hạt nhân. EU đưa ông Mokhber khỏi danh sách này vào năm 2012.
Năm 2013, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Setad và 37 công ty nằm trong sự kiểm soát của cơ quan này vào danh sách các thực thể bị trừng phạt.
Mohammad Bagher Ghalibaf
Ông Mohammad Bagher Ghalibaf, 62 tuổi, là Chủ tịch Quốc hội Iran từ năm 2020 đến nay. Ông là thị trưởng Tehran từ năm 2005-2017, cảnh sát trưởng Iran từ năm 2000-2005 và chỉ huy lực lượng không quân của IRGC từ năm 1997-2000.
Ông Gahlibaf từng 3 lần đăng ký tranh cử tổng thống. Năm 2009, Hội đồng giám hộ từ chối tư cách ứng cử viên của ông Ghalibaf. Năm 2013, ông nhận được số phiếu bầu nhiều thứ hai, chỉ sau người đắc cử tổng thống là ông Hassan Rouhani.
Năm 2017, ông Ghalibaf đăng ký tranh cử nhưng sau đó rút lui để mở đường cho cuộc cạnh đua giữa ông Rouhani và ông Raisi.
Từng là cảnh sát trưởng và thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), ông Ghalibaf đã sử dụng hình ảnh cứng rắn của mình và vận động chống lại giới thượng lưu giàu có.
Ali Larijani
Ông Ali Larijani, 65 tuổi, là Chủ tịch Quốc hội Iran giai đoạn 2008-2020. Ông Larijani, được coi là một chính trị gia bảo thủ nổi bật nhưng sau này ông đã liên minh với Tổng thống tương đối ôn hòa của Iran, ông Hassan Rouhani.
Ông Larijani tranh cử tổng thống năm 2005 và đứng thứ sáu với 5,83% số phiếu bầu.
Ông từng là chỉ huy IRGC, trước đó ông từng giữ chức Bộ trưởng Văn hóa và Hướng dẫn Hồi giáo, đồng thời là người đứng đầu đài truyền hình nhà nước Iran.
Dưới thời Tổng thống theo đường lối cứng rắn Mahmoud Ahmadinejad, ông Larijani từng giữ chức thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran trong 2 năm và là nhà đàm phán hạt nhân cấp cao. Sau đó, ông Larijani trở thành Chủ tịch quốc hội Iran và đảm nhận vị trí này 12 năm.
Mohammad Javad Zarif
Ông Mohammad Javad Zarif, 64 tuổi, giữ chức Ngoại trưởng Iran từ năm 2013-2021. Ông được đào tạo ở Mỹ và thông thạo tiếng Anh.
Nhiệm kỳ của ông đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong quan hệ với phương Tây.
Ông Zarif dẫn đầu nhóm đàm phán của Iran trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc toàn cầu, nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Liên quan đến vụ tai nạn trực thăng khiến Tổng thống Raisi thiệt mạng, ông Zarif đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
“Một trong những thủ phạm đằng sau thảm kịch là Mỹ vì các lệnh trừng phạt của họ đã cấm Iran mua sắm các bộ phận hàng không thiết yếu”, ông Zarif nói.
Saeed Jalili
Ông Saeed Jalili, 58 tuổi, từng đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau ở Iran. Ông có bằng tiến sĩ khoa học chính trị và là người đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách đối ngoại của Iran trong nhiều thập kỷ.
Ông Jalili từng là trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran từ năm 2007-2013, nổi tiếng với quan điểm cứng rắn.
Ông từng tranh cử tổng thống năm 2021, nhưng đã rút lui chỉ vài ngày trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Ông Jalili tuyên bố ủng hộ ứng viên theo đường lối cứng rắn Ebrahim Raisi – người sau đó đắc cử tổng thống.
Ông Jalili hiện là thành viên của Hội đồng Biện pháp Thực tế, một cơ quan cố vấn hành chính ban đầu được thành lập để giải quyết những khác biệt hoặc xung đột giữa quốc hội và Hội đồng Giám hộ.
Ông cũng từng phục vụ trong Chiến tranh Iran-Iraq với tư cách là thành viên của lực lượng tình nguyện Basij.