Iran ra điều kiện tái đàm phán về hạt nhân với Mỹ

Google News

Các nhà ngoại giao Iran đã thảo luận với chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc khôi phục đàm phán hạt nhân, kể cả đưa ra 7 điều kiện để bắt đầu quá trình, theo tờ báo Trung Đông.

Ông Biden đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc đảo ngược quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế JCPOA đã ký với Iran của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump năm 2018. Các quan chức trong chính quyền mới của ông Biden được cho đang lặng lẽ tiến hành các cuộc thương lượng với những đại diện Tehran.

Tờ al-Jarida của Kuwait trích dẫn lời một quan chức giấu tên từ Văn phòng Tổng thống Iran Hassan Rouhani tiết lộ, các cuộc tiếp xúc bắt đầu trước khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức và đang tiếp tục dưới dạng không chính thức.

Theo báo Kuwait, Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Majid Takht Rawanji đã được triệu hồi về Tehran để sắp xếp các cuộc gặp với chính quyền mới ở Washington trước khi quay trở lại New York cùng danh sách 7 điều kiện nhằm khôi phục đàm phán về chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của quốc gia Hồi giáo.

Điều kiện đầu tiên được cho là, Iran sẽ không chấp nhận việc giảm bớt một phần các biện pháp trừng phạt. Tehran tái khẳng định Mỹ phải tuân thủ mọi khía cạnh của thỏa thuận JCPOA, bao gồm cả việc dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm.

Thứ hai, mọi bất đồng về thỏa thuận phải được thảo luận trong khuôn khổ của các ủy ban đàm phán chính thức. Một trong những bất đồng hiện nay được tin là yêu cầu của Iran về việc Mỹ phải bồi thường các thiệt hại tài chính mà nước này phải gánh chịu do chính quyền Trump xé bỏ thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt.

Điều kiện thứ ba là Tehran sẽ không chấp nhận việc sử dụng các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân để giải quyết những vấn đề riêng rẽ, chẳng hạn như chương trình tên lửa và các hoạt động của Tehran ở nước ngoài.

Thứ tư, không có thêm thành viên mới nào, kể cả các quốc gia Ảrập ở Vùng Vịnh được phép tham gia JCPOA ngoài Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức).

Thứ năm, các quan ngại về những quốc gia khác trong khu vực phải được thảo luận như vấn đề riêng rẽ và không được đưa vào quá trình đàm phán hạt nhân Iran.

Thứ sáu, dù không sẵn sàng thảo luận về chương trình tên lửa của mình, Iran sẽ chấp nhận đàm phán về việc kiểm soát vũ khí ở cấp độ khu vực dưới sự giám sát của LHQ, đặc biệt là những lo ngại về việc phát triển tên lửa và hạt nhân của Israel.

Cuối cùng, Iran sẽ không đồng ý giải pháp 2 nhà nước dành cho Israel và Palestine. Thay vào đó, quốc gia Hồi giáo đòi LHQ phải tổ chức trưng cầu dân ý với cả người Do Thái và Palestine về vấn đề.

Tổng thống Iran dự kiến sẽ trực tiếp gửi các yêu cầu trên đến chính quyền của ông Biden.

Theo Sputnik, trong một bài viết đăng tải trên tạp chí Foreign Affairs hôm 22/1, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif quả quyết nước này sẽ không chấp nhận thêm bất kỳ đòi hỏi, điều kiện hay thành viên nào mới so với thỏa thuận JCPOA do Mỹ đề xuất năm 2015.

Động thái diễn ra sau khi có thông tin Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ cử Yossi Cohen, lãnh đạo cơ quan tình báo Mossad tới Washington vào tháng sau để đệ trình các yêu cầu của chính phủ Do Thái trước khi các bên liên quan nhất trí bất kỳ phiên bản mới nào của thỏa thuận hạt nhân Iran.

Theo Tuấn Anh/Vietnamnet.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)