1.Dòng dõi lâu đời
Sinh ngày 23/12/1933, Akihito là Nhật hoàng thứ 125 có lịch sử dòng tộc bắt đầu từ hơn 2.600 năm trước, theo phả hệ chính thức. Vì vậy, đây là nền quân chủ cha truyền con nối liên tục có lịch sử lâu đời nhất thế giới.
|
“Mối tình trên sân tennis”. Ảnh: Asahi Shimbun. |
Ngoài việc giữ truyền thống hoàng gia với nhiều quy định nghiêm ngặt, Nhật hoàng Akihito được nuôi dạy tại nhà trẻ cung đình từ lúc lên hai tuổi mà không có bố mẹ ở bên.
|
Cây phả hệ Hoàng gia Nhật Bản. Đồ họa: BBC. |
2.Hôn nhân phá vỡ truyền thống
Năm 1959, Hoàng thái tử Akihito cưới một thường dân, phá vỡ truyền thống 1.500 năm. Michiko là dân thường đầu tiên cưới một người trong Hoàng gia Nhật Bản. Chuyện tình của họ được gọi là “mối tình trên sân tennis” vì Akihito và Michiko gặp nhau trên sân quần vợt.
Hiện nay, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko có ba con và bốn cháu. Ba người con là Hoàng thái tử Naruhito, Hoàng tử Fumihito và Công chúa Sayako (còn gọi là công chúa Nori).
|
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko chuẩn bị đi tàu hỏa siêu tốc tới biệt thự của họ ở phía bắc Nhật Bản. Ảnh: AP. |
3. Ngai vàng hoa cúc
Các gia đình quyền quý ở Nhật Bản thường có biểu tượng dòng tộc. Trong trường hợp tổ tiên của Nhật hoàng thì đó là hoa cúc. Akihito tiếp quản ngai vàng hoa cúc vào năm 1989 sau khi bố ông, Nhật hoàng Hirohito, băng hà.
Lễ đăng quang chính thức được hoàn thiện gần hai năm sau đó và có các nghi thức tại đền Ise thờ nữ thần Mặt trời. Người ta tin rằng, các nhật hoàng là hậu duệ Mặt trời.
4. Không phải thánh thần
Nhật hoàng Hirohito công khai từ bỏ tước vị thánh nhân vào cuối Thế chiến 2, khi Nhật Bản đầu hàng quân đồng minh. Hoàng gia Nhật Bản vẫn coi ông là “biểu tượng của nhà nước”, như được miêu tả trong hiến pháp nước này.
Nhật hoàng Akihito thích cụm từ “biểu tượng của nhà nước”. Nhưng một số ít người Nhật vẫn coi ông là một vị thánh hoặc ít nhất là nên được đối xử như một thánh nhân.
5. Chơi tennis với Tổng thống Bush
|
Nhật hoàng Akihito chơi tennis với Tổng thống Mỹ George Bush. Ảnh: Asahi Shimbun. |
Nhật hoàng Akihito đi nhiều nơi và gặp nhiều nhà lãnh đạo thế giới hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào. Năm 1998, ông gặp Nữ hoàng Anh Elizabeth.
Nhật hoàng Akihito chơi quần vợt hai lần với Tổng thống Mỹ George Bush. Ông thắng cả hai lần chơi đó. Sau khi chơi tennis ở Tokyo năm 1992, Tổng thống Bush bị ốm nặng tại quốc yến, nôn cả vào người Thủ tướng Nhật Bản Kiichi Miyazawa.
6. Từng phải phẫu thuật
Nhật hoàng Akihito trải qua phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt năm 2003 và phẫu thuật bắc cầu động mạch vành năm 2012.
Nhìn chung, trong phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, bác sĩ lấy một động mạch hoặc tĩnh mạch khỏe từ chân, tay hay ngực bệnh nhân để ghép vào vị trí mạch nghẽn. Động mạch ghép sẽ bắc cầu qua đoạn động mạch nghẽn để cung cấp máu giàu ôxy cho khu vực tim đang thiếu máu, đảm bảo lưu lượng máu nuôi tim.
7. Từng để nữ sinh chụp ảnh đăng mạng xã hội
Nhật hoàng Akihito có phong cách sống hiện đại, ít nghi thức hơn để đưa hoàng gia gần hơn với người dân. Ông đi đến nhiều nơi ở Nhật ản hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào và tiếp xúc trực tiếp với người dân.
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko không ngại khi một học sinh nữ chụp ảnh họ rồi đăng trên trang mạng xã hội Twitter khi họ đến thăm tỉnh của thiếu nữ. Nhiều người trẻ coi đó là hành động bình thường, nhưng những người gia coi đó là sự bất kính không thể chấp nhận.
8. Vai trò quan trọng sau thảm họa sóng thần
Nhật hoàng Akihito có bài phát biểu được truyền hình đầu tiên là sau trận động đất-sóng thần năm 2011. Thảm họa này khiến 20.000 thiệt mạng, mất tích, hàng chục nghìn người mất nhà cửa, nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị rò rỉ phóng xạ. “Tôi hy vọng từ đáy lòng mình rằng, mọi người sẽ tay trong tay đối xử với nhau với tình yêu thương, lòng trắc ấn và cùng vượt qua thời điểm khó khăn này”, ông nói.
Một tháng sau thảm họa kép, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đến thăm hiện trường, cúi mình với những người đi sơ tán. Hành động này được coi biểu tượng của sự đồng cảm với dân chúng.
9. Đưa Nhật Bản vào kỷ nguyên hòa bình
Trong khi Nhật Bản tham gia Thế chiến 2 dưới cái tên của cha mình và thua cuộc, Nhật hoàng Akihito đưa nước này bước vào kỷ nguyên hòa bình, không đối đầu.
Nhật hoàng Akihito từng nói: “Nhìn lại quá khứ cùng với đau thương, hối tiếc sâu sắc về cuộc chiến, tôi cầu nguyện rằng, thảm kịch chiến tranh này sẽ không lặp lại”.
10. Loài cá mang tên Akihito
Nhật hoàng Akihito đặc biệt đam mê sinh học biển và ông là chuyên gia về loài cá bống. Một loài cá bống đã được đặt theo tên ông - cá Exyrias Akihito. Ông viết bài cho tạp chí Ngư học Nhật Bản và một số báo khác.
Nhiều báo đưa tin, Nhật hoàng Akihito giữ cho một phần vườn trong cung điện ở Tokyo giống nơi hoang dã và ghi chú về những sinh vật ông nhìn thấy ở đó.