Chính quyền trung ương ủng hộ, tôn trọng và thấu hiểu việc chính quyền đặc khu hành chính hoãn việc thực thi sửa đổi hai pháp lệnh dẫn độ tội phạm bỏ trốn và hỗ trợ pháp lý các vấn đề hình sự (dự luật dẫn độ), người phát ngôn Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macao của Hội đồng Nhà nước (chính phủ) Trung Quốc tuyên bố ngày 15/6, báo Trung Quốc People’s Daily (Nhân dân nhật báo) đưa tin.
|
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam tuyên bố hoãn dự luật dẫn độ. Ảnh: Getty Images. |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố tương tự và nói thêm rằng, chính phủ Trung Quốc tiếp tục mạnh mẽ ủng hộ Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) và chính quyền Hong Kong quản trị theo luật pháp, làm việc với người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội để đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng của đặc khu.
Chấp nhận chỉ trích
Ngày 15/6, Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam tuyên bố hoãn vô thời hạn dự luật dẫn độ dù trước đó bà cam kết rằng dự luật sẽ sớm được thông qua.
Sau khi tuyên bố hoãn dự luật, bà khẳng định đó chỉ là hoãn, không phải rút dự luật như đám đông biểu tình đòi hỏi.
“Tôi tin rằng chúng tôi không thể rút dự luật này, nếu không xã hội sẽ nói rằng dự luật này vô căn cứ”, bà Carrie Lam phát biểu tại cuộc họp báo ngày 15/6.
Trưởng đặc khu nói rằng bà cảm thấy “buồn và đáng tiếc” vì đã không thuyết phục được công chúng tin dự luật dẫn độ là cần thiết. Bà cam kết lắng nghe ý kiến nhiều chiều.
“Chúng tôi sẽ có thái độ khiêm tốn và chân thành nhất để chấp nhận chỉ trích và đạt sự tiến bộ”, bà Carrie Lam nói.
Theo các cố vấn của trưởng đặc khu, lãnh đạo Hong Kong hy vọng rằng, việc hoãn xem xét thông qua dự luật dẫn độ sẽ khiến công chúng nguôi dân và tránh gia tăng bạo lực trên đường phố, báo Mỹ The New York Times đưa tin ngày 15/6.
Thanh gươm treo trên đầu
Tuy nhiên, các nhân vật đối lập và người biểu tình cho rằng, việc tạm hoãn dự luật không làm những người biểu tình thỏa mãn. Họ đang lên kế hoạch tiếp tục biểu tình quy mô lớn vào ngày mai, 16/6. Những đơn vị tổ chức tuần hành khẳng định, biểu tình vẫn tiếp diễn.
“Việc hoãn dự luật chỉ là tạm thời. Nó chỉ trì hoãn nỗi đau. Điều đó là chưa đủ, đơn giản là không đúng. Chúng tôi yêu cầu bãi bỏ hoàn toàn dự luật gây tranh cãi này”, Claudia Mo, nhà làm luật Hong Kong theo đường lối dân chủ, nói.
“Chúng tôi không thể chấp nhận dự luật chỉ bị hoãn. Hoãn chỉ có nghĩa rằng là tạm nghỉ và sau đó sẽ tiếp tục”, Minnie Li, giảm viên Trường Đại học giáo dục Hong Kong nói. Tuần trước, bà Li tham gia tuyệt thực phản đối dự luật.
Emily Lau, cựu chủ tịch Đảng Dân chủ của Hong Kong, từng là nhà làm luật ở đặc khu này, cho rằng, việc hoãn dự luật chỉ khiến có thêm người biểu tình xuống đường vào Chủ nhật (16/6).
“Luôn có thanh gươm lơ lửng trên đầu chúng ta và tôi nghĩ công chúng sẽ không chấp nhận điều đó”, bà Lau nói.
Trước đây, trước sự biểu tình mạnh mẽ của người dân Hong Kong, chính quyền đặc khu phải rút dự luật an ninh quốc gia (năm 2003) và dự luật giáo dục yêu nước bắt buộc (năm 2012).
Một nhóm chuyên gia và quan chức Trung Quốc gặp bà Carrie Lâm hôm 14/6 tại Thâm Quyến – thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) sát Hong Kong để xem xét tình hình, truyền thông Hong Kong đưa tin.
*) Title do Kiến Thức biên tập lại