Cơ quan Quản lý Thảm họa Khu vực của huyện Sukabumi, miền Tây Java tối hôm qua cho biết từ kết quả thu thập dữ liệu tạm thời, hiện có 289 căn nhà bị lũ nhấn chìm hoặc cuốn trôi, hơn 1.200 người phải đi sơ tán. Trong đó có 2 người tử vong, 20 người bị thương và một số người mất tích. Cơ quan này vẫn đang tiếp tục công tác cứu hộ cứu nạn bởi hiện nay vẫn còn nhiều khu vực bị chia cắt do hàng chục cây cầu đã bị hư hại vì lũ lụt ở Indonesia.
|
Sơ tán người dân vùng lũ. Ảnh: Liputan6. |
Trong khi đó tại thủ đô Jakarta, nơi đang tái áp dụng giãn cách xã hội quy mô lớn do dịch Covid-19, hơn 500 người dân đã phải đi sơ tán ngay trong đêm khi sông Ciliwung tràn vào. Nhiều con đường tại thủ đô Jakarta chìm trong biển nước. Tại Bogor, Tanggerang và một số vùng lân cận của thủ đô Jakarta, mưa lớn cắt đứt giao thông một số tuyến đường chính. Sạt lở đất đã bao phủ nhiều công trình và đường đi. Tạm thời chưa ghi nhận thương vong tại khu vực này.
Thống đốc Jakarta, ông Anies Baswedan yêu cầu người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, không vứt rác, làm sạch kênh mương để nước có thể thoát ra sông biển. Ông cũng cảnh báo người dân sống gần khu vực sông Ciliwung cảnh giác với đợt lũ mới, sẵn sàng đối mặt với những bất thường về thời tiết. Thông thường mưa lớn gây ra lũ lụt chỉ xảy ra ở Jakarta từ tháng 1 đến tháng 3. Tuy nhiên, theo ông Doni, người đứng đầu Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Indonesia, biến đổi khí hậu khiến cho thời tiết Indonesia sẽ có những biến khổi khó lường khi 1 số nơi mùa mưa tới sớm hơn mọi năm.
Hàng trăm nhân viên cứu hộ đã tham gia chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn, trong đó có các lực lượng quân đội, cảnh sát và lực lượng cứu hộ và cứu nạn cùng các tình nguyện viên. Các hỗ trợ khẩn cấp cũng đã được phân phát cho người dân vùng lũ, đảm bảo việc giữ gìn giao thức y tế trong khi sơ tán lũ lụt.