Máy bay Hãng hàng không Malaysia Airlines số hiệu MH17, di chuyển trên lộ trình từ Amsterdam tới Kuala Lumpur, đã rơi xuống miền đông Ukraine vào ngày 17/7/2014. Tất cả mọi người có mặt trên chuyên cơ dân dụng trên gồm 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn đều tử nạn.
|
Hiện trường vụ rơi máy bay MH17 ở ngôi làng miền đông Ukraine.
|
Một báo cáo trong cuộc điều tra chính thức công báo tháng 9/2014 cho biết,
vụ rơi máy bay MH17 là kết quả gây nên bởi hàng loạt vật thể năng lượng cao lao về phía máy bay Boeing từ phía bên ngoài. Tuy nhiên, báo cáo trên không chỉ ra được các vật thể đó là gì, chúng từ đâu tới và ai chịu trách nhiệm về thảm kịch MH17.
Chính quyền Kiev và các nước phương Tây đổ lỗi cho phe ly khai miền đông Ukraine và Moscow. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố dữ liệu radar chỉ ra một khả năng rằng, một chiến đấu cơ Su-25 đã được phát hiện ở thời điểm máy bay Malaysia lâm nạn.
Trong khi cuộc điều tra quốc tế về vụ tai nạn trên tiếp tục diễn ra được gần 1 năm thì một cuộc tranh luận về nguyên nhân thảm kịch trên một lần nữa đã kéo vị kỹ sư thiết kế chính của chiếc Su-25 lên tiếng.
Kỹ sư thiết kế máy bay Nga Vladimir Babak ngày 9/3 nói rằng, chiến đấu cơ Su-25 - được phát hiện đang bám theo máy bay MH17 vào thời điểm nó bị rơi - không có khả năng bắn hạ một chuyên cơ dân dụng.
Ông nói rằng, chỉ ở độ cao tầm 3.000-4.000 mét, Su-25 mới có thể tấn công máy bay Boeing thành công. Tuy nhiên, vào lúc gặp nạn, máy bay Malaysia đang di chuyển ở độ cao 10.500 mét. Ông nói rằng, các tên lửa không đối không chỉ có thể làm hư hại máy bay Boeing chứ không thể phá hoại nó hoàn toàn khi máy bay dân dụng này vẫn bay trên không trung.
"Tôi không thể hiểu nổi làm sao một chiếc Su-25 lại có thể bắn hạ máy bay Boeing đó", ông Babak nói trong cuộc phỏng vấn của hai kênh truyền hình Đức là NDR và WDR.
Trong khi đó, trong cuộc trao đổi với kênh truyền hình RT, Trung tướng Nga Alexander Maslov, cựu Tư lệnh Bộ Tham mưu lực lượng tên lửa lại không đồng tình với quan điểm của ông Babak. Dựa trên các phân tích về xác máy bay và các vết hư hại, có một khả năng cao rằng, máy bay Boeing đó đã bị bắn hạ bởi một tên lửa không đối không hoặc một khẩu súng trên máy bay. "Các bức ảnh được công bố từ hiện trường vụ rơi máy bay MH17 có thể cho thấy rằng, máy bay Boeing đó dường như bị bắn hạ bởi một chiến đấu cơ. Chưa kể, các hư hại còn chỉ ra, máy bay dân dụng này bị bắn bằng một tên lửa không đối không cùng với một khẩu súng (lắp trên máy bay) cỡ nòng 30 ly", Trung tướng Maslov nói.