Vị Sa hoàng đánh con dâu đến sẩy thai

Google News

(Kiến Thức) - Ivan IV Vasilyevich nổi tiếng vì là vị Sa hoàng đầu tiên của nước Nga, và cũng vì tính cách hung bạo nhiều khi đến mức điên cuồng.

 

Vị Sa hoàng này được biết đến với cái tên Ivan Bạo chúa, hay Ivan Hung đế, Ivan Lôi đế, Ivan Khủng khiếp. Thực ra, đó cách gọi diễn dịch từ nguyên gốc tiếng Nga là Ivan Grozny, trong đó “grozny” nghĩa là đáng sợ, gây run sợ hay khiếp hãi. Một ví dụ về sự đáng sợ của ông là: Sau khi cho xây dựng đại giáo đường Thánh Basil tại Moscow (một trong những công trình kiến trúc tuyệt vời nhất nước Nga), nhà vua đã ra lệnh chọc mù mắt các kiến trúc sư để không bao giờ sáng tạo được thứ gì đẹp như vậy nữa.

 Ivan Bạo chúa. Ảnh: Nuocnga.net.

Người đầu tiên xưng là Sa hoàng
 
Lâu nay, Sa hoàng được biết đến như một cách gọi đặc trưng dành cho các vị hoàng đế Nga, nhưng thực ra không phải ngay từ đầu, các ông vua của nước này đã được gọi là Sa hoàng (tsar).
 
“Tsar” có nghĩa là quân vương, người đứng đầu quốc gia, có nguồn gốc từ danh hiệu caesar của La Mã cổ đại. Thực ra, không chỉ các vua Nga mới dùng danh hiệu tsar, mà các vị hoàng đế Macedonia, Serbia, Bulgaria cũng từng được gọi như vậy. Sau này khi từ tsar được dùng chỉ các vua Nga, người Nga nhiều khi cũng quen dùng nó để chỉ các ông vua nói chung, kể cả ở nước khác.
 
Trước khi Ivan Bạo chúa xưng là Sa hoàng vào năm 1547, người đứng đầu nước Nga tuy thực chất vẫn là một ông vua cai trị theo lối cha truyền con nối nhưng tước hiệu chính thức chỉ là “Đại công tước Moscow”. Và khi Ivan Bạo chúa xưng là Sa hoàng ở tuổi 17, ông đã khẳng định mình có đẳng cấp cao hơn hẳn các vị Đại công tước của những vương quốc khác, ngang hàng với các bậc đế vương châu Âu – những người vẫn đang coi nước Nga là một xứ man rợ, quê mùa và thấp kém, và dĩ nhiên không bao giờ xem vua nước ấy xứng đáng với danh hiệu hoàng đế.
 
Tuy nhiên, Ivan Bạo chúa không cầu cái danh hão khi xưng Sa hoàng. Trong thời gian cai trị của mình, ông không chỉ mở rộng bờ cõi bằng các cuộc chinh phạt thành công mà còn đưa nước Nga lên một vị thế cao hơn. Năm 22 tuổi, ông đã đánh bại Kazan rồi 4 năm sau thu phục Astrakhan, sáp nhập hai vương quốc này vào lãnh thổ Nga. Sau đó, ông lại tiếp tục chinh phạt thành công Tarta và Serbia. Vị Sa hoàng đầu tiên cũng có nhiều cải cách về tố chức nhà nước, luật pháp, đồng thời chú ý đẩy mạnh thương mại. Dưới thời ông, lần đầu tiên báo in xuất hiện ở nước Nga.
 
Sau Ivan Bạo chúa, các vị quân vương khác của nước Nga cũng sử dụng danh hiệu Sa hoàng. Đến năm 1721, Pyotr Đại đế, một người tiếp nhận rất nhiều tri thức từ phương Tây và cũng là vị hoàng đế đưa nước Nga lên địa vị cường quốc trên thế giới, sánh vai với các nước lớn ở châu Âu, không dùng tước hiệu Sa hoàng nữa mà dùng danh hiệu Imperator, có nguồn gốc từ danh hiệu Emperor – Hoàng đế ở các nước phương Tây. Kể từ đó, các vua Nga chính thức mang danh hiệu Imperator. Tuy nhiên trên phương diện không chính thức, vua nước Nga vẫn được gọi là Sa hoàng, cho đến khi nền quân chủ ở nước này bị lật đổ vào năm 1917.
 
Bậc đế vương hung bạo
 
Người ta cho rằng tính hung bạo của Ivan Bạo chúa một phần xuất phát từ tuổi thơ không bình thường. Mồ côi cha khi mới lên ba, Ivan trở thành Đại công tước Moscow với sự nhiếp chính của mẹ. Khi tiếp tục mồ côi mẹ ở tuổi lên 8, Ivan lại chịu sự nhiếp chính của một số boyar (tước vị quý tộc cao nhất của Nga hồi đó). Việc bị họ áp chế khiến tâm lý Ivan phát triển không bình thường. Dù sao thì đến năm 14 tuổi, ông đã chính thức nắm quyền và đến năm 17 tuổi thì xưng Sa hoàng, mở đầu cho một sự nghiệp nổi bật.
 
 Chân dung Sa hoàng Ivan IV. Ảnh: Wikipedia.

Tính hung hãn và tâm lý bất ổn của ông không mấy bộc lộ trong những năm đầu chính thức nắm quyền, nhưng sau đó thì ngày càng phát triển, nhất là khi việc cai trị và chinh phạt về sau không mấy thuận lợi. Người ta cho rằng, tính khí nhà vua thay đổi rõ rệt nhất vào năm 1553 khi ốm nặng đến mức tưởng không qua khỏi và sau năm 1560 khi người vợ đầu qua đời, mà Ivan cho là do bị các boyar đầu độc. Vị  Sa hoàng luôn căm ghét và nghi ngờ các boyar, ông nghĩ họ âm mưu lật đổ mình, nhất là trong trận ốm thập tử nhất sinh ấy, khi ông yêu cầu các boyar thề trung thành với con trai ông, nhưng họ đã từ chối bởi nghĩ rằng cơn bạo bệnh sẽ đẩy ông vua ghê gớm đến chỗ mất mạng. Khi ông bình phục, rất nhiều vị quý tộc đã bị giết hại.

Những năm cai trị cuối cùng của Ivan Bạo chúa là những năm thất bại: những lần thua trận, sự kiệt quệ của đất nước do chiến tranh liên miên, dân chúng đói rét, chết nhan nhản vì thiếu ăn và bệnh dịch… khiến những người chống lại Sa hoàng ngày một nhiều. Sức khỏe thể xác và tinh thần vị vua này ngày một suy sụp mà hậu quả là sự độc ác, điên cuồng của ông lại tăng lên. Nổi giận với thành phố Novgorod, Ivan từng hạ lệnh tàn sát cả quý tộc lẫn thường dân ở đây, khiến thành phố vốn rất giàu mạnh này không bao giờ trở lại thời hưng thịnh được nữa. Các nhà sử học cho biết, có đến 3.000 người bị giết hại ở Novgorod, trong đó một nửa là quý tộc.
 
Bi kịch lớn nhất của Ivan Bạo chúa xảy ra 3 năm trước khi vị Sa hoàng qua đời. Vì ngứa mắt với cách ăn mặc của cô con dâu mà ông cho là lố lăng, khiếm nhã, ông đã đánh đập khiến cô bị sẩy thai. Bất bình về chuyện của vợ và đứa con thiệt phận của mình, con trai Sa hoàng đã cãi nhau một trận trời long đất lở với bố, khiến cơn điên giận của ông vua có bệnh thần kinh bùng phát. Trong cơn thịnh nộ, Ivan cầm cây gậy có đầu nhọn đánh vào đầu con trai và khiến vị hoàng tử mất mạng.
 
Vị Sa hoàng đầu tiên của nước Nga cũng được cho là đã hãm hiếp Irina, vợ của Fyodor con trai ông, và chỉ chịu buông cô ra khi hai vị cố vấn đại thần là Boris Godunov (cũng là anh trai Irina) và Bogdan Belsky nghe tiếng kêu chạy đến. Ba ngày sau đó, Sa hoàng đột ngột qua đời ở tuổi 54  khi đang chơi cờ với Belsky. Người ta cho rằng chính hai vị cố vấn sát hại nhà vua do lo sợ cho tính mạng của mình sau lần bắt quả tang vụ việc kia. Thậm chí có lời đồn rằng, Sa hoàng bị bóp cổ đến chết khi đang đánh cờ. Kết quả xét nghiệm thi hài ông vào thế kỷ 20 cho thấy một hàm lượng lớn thủy ngân, có khả năng là dấu hiệu đầu độc, nhưng cũng không loại trừ trường hợp đó chỉ là dấu vết của thuốc điều trị giang mai, bệnh mà Ivan bị cho là có mắc phải.
 
Thực ra, giả thuyết Ivan Bạo chúa bị đầu độc là có cơ sở, nhưng chắc không phải chỉ vì chuyện hai vị cố vấn nhỡ chứng kiến vụ Irina, bởi nhiều khả năng đây chỉ là chuyện được Godunov bịa ra để bôi nhọ thêm cho vị Sa hoàng đã chết. Sau khi Ivan Bạo chúa qua đời, con trai ông là Fyodor lên nối ngôi, nhưng vì bất tài nên mọi việc đều trao vào tay anh vợ là Boris Godunov quỷ quyệt, đầy tham vọng. Để dọn đường cho việc chiếm ngôi vua, Godunov đã giết em trai út của Sa hoàng Fyodor. Khi Fyodor chết vào năm 1598, không con cái, Godunov lên ngôi, tự xưng là Sa hoàng.

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Phan Trần

Bình luận(0)