Cao thủ ẩn thân
Ông lão ấy không ai khác, chính là cụ Nguyễn Tế Công, một cao thủ Vịnh Xuân quyền từ Trung Quốc sang Hà Nội năm 1939. Vào lúc đó, cụ Tế đã 62 tuổi và người rất gầy. Nếu không chứng kiến vụ va chạm này chắc không ai tin đây là một cao thủ võ thuật.
Nhưng vào lúc ấy có một người đã chứng kiến từ đầu đến cuối và nhận ra ngay bậc chân tài. Người đó là cố võ sư Trần Thúc Tiển, một trong những đệ tử của cụ Tế Công sau này. Trong cuốn Việt Nam Vĩnh Xuân nội gia quyền của Nxb Đại học Sư phạm ấn hành, võ sư Nguyễn Ngọc Nội (học trò võ sư Trần Thúc Tiển) ghi lại câu chuyện rằng:
“Vào những năm 1940, nhà cố võ sư Trần Thúc Tiển ở 38 Gia Ngư. Vào các buổi chiều, cố võ sư có thời gian thường mang ghế ra ngồi ở trước cửa. Thời đó phố xá vắng vẻ, hè phố Gia Ngư rộng rãi. Qua những lúc ngồi ở cửa, cố võ sư Trần Thúc Tiển thường thấy một ông già người Tàu cao gầy một tay cắp cái mẹt trên đựng quẩy, bánh gối, tương ớt, dấm, còn tay kia cắp một cái giá gấp đi bán rong từ phía chợ Hàng Bè lại.
Vào một buổi chiều, cố võ sư Trần Thúc Tiển đang ngồi thì thấy hai người lính lê dương to cao đi từ phố Đinh Liệt (bây giờ) lại. Bộ dạng hai người lính như đang say, đáng đi chếnh choáng. Cùng lúc đó, ông già người Tàu đó cũng đi trên hè với hướng ngược lại hai người lính.
Lúc giáp nhau, vô tình cứ ông già người Tàu tránh sang bên nào thì hai người lính cũng tránh về bên đó. Sau hai ba lần như vậy, một trong hai người lính có vẻ tức tối, vung nắm đấm, đấm vào người ông già. Cố võ sư Trần Thúc Tiển thấy ông già không tránh và cũng không buông mẹt và giá ra để đỡ.
|
Võ sư Nguyễn Tế Công và con trai nhỏ chụp ảnh cùng các đệ tử. Ảnh: Internet. |
Cố võ sư Tiển thấy người lính đã đấm vào ngực ông già nhưng thật lạ, người lính kia lại bắn ngược lại khoảng 2m, lăn ra vỉa hè gần rãnh nước.
Người lính thứ hai thấy bạn mình bị ngã tưởng bị ông già kia đánh, mới tung cú đấm rất mạnh vào người ông già. Và lại giống như bạn mình, người lính này bị bắn ngược lại thậm chí còn văng xa hơn người kia, lăn xuống rãnh.
Trong khi đó ông già người Tàu vẫn đứng yên. Hai người lính lồm cồm bò dậy chắc vì ngượng dẫn nhau bỏ đi. Tận mắt chứng kiến sự việc đó, võ sư Tiển đã nghĩ đến đây là một ông già Tàu giỏi võ. Sau đó võ sư Tiển để tâm tìm hiểu lai lịch, chỗ ở của ông già Tàu.
Rồi một hôm, võ sư Tiển tìm đến nơi ông già Tàu ở để xin theo học. Có thể bằng nhãn quan của một Đại sư, với sự từng trải, ông đã nhìn thấy cơ duyên ở người học trò này nên đã nhận lời”.
Những cuộc tỉ đấu và biểu diễn nội công
Trong nhiều giai thoại ly kỳ về cụ Tế Công, nổi bật nhất là những giai thoại về nội công thâm hậu của cụ. Những môn sinh Vịnh Xuân Việt Nam hầu hết đều biết và truyền nhau câu chuyện về cuộc tỉ đấu nội công của cụ Tế.
Số là hồi mới sang Hà Nội, cụ Tế ở trong nhà ông Cam Túc Cường - một Hoa kiều. Một hôm cụ đang khám bệnh cho khách thì có hai người Trung Quốc, một già một trung niên bước vào cửa. Bộ dạng người trung niên rất dữ dằn.
Nhìn thấy họ, cụ Tế liền bảo người nhà rót hai chén trà rồi đưa cho ông trung niên một chén còn mình cầm một chén. Hai người cầm chén trà cụng vào nhau tưởng đâu là chúc tụng nhưng thực ra là cả hai đang ngấm ngầm tỉ đấu nội lực với nhau.
Ông khách trung niên toát mồ hôi hột, tay run run cứ phải lùi mãi ra cửa. Thấy vậy, ông khách già đi cùng lên tiếng: “Suốt đời nội lực của anh không sánh kịp Tế Công đâu, thôi xóa bỏ hận thù đi”. Lúc ấy mọi người mới vỡ lẽ ông trung niên kia vốn có mối thâm thù với cụ Tế nên đã bỏ ra mười mấy năm luyện tập rồi đi tìm cụ để tỉ thí nhưng rồi vẫn phải chịu thua.
Cũng nói về nội công của cụ Tế Công, võ sư Nguyễn Ngọc Nội chép một câu chuyện mà ông được nghe thầy của mình kể lại: “Theo học Sư tổ Nguyễn Tế Công một thời gian, các học trò chỉ được nghe nói về nội công Vĩnh Xuân mà không hiểu thực hư ra sao. Nhìn Sư tổ người cao, gầy, thân hình mỏng, không ai nghĩ Sư tổ có thể chịu được các đòn đánh vào người.
Một hôm, bác sĩ Phạm Khắc Quảng (một trong số các học trò của Sư tổ) mạnh bạo hỏi Sư tổ về nội công. Sau một thoáng suy nghĩ, Sư tổ bảo các anh em học trò đi theo người ra bãi giữa sông Hồng. Thời kỳ này bãi giữa sông Hồng chỉ là những bãi bồi, không có người ở.
Tất cả các học trò có mặt cùng sư tổ lên xe ô tô của bác sĩ Phạm Khắc Quảng đi ra bãi giữa. Tại đây, người đứng yên để cho các học trò của mình từng người đánh thoải mái vào người sư tổ. Chỉ sau một vài đòn đánh khẽ ban đầu, các học trò của người đã đánh hết sức mình (sức trẻ của tuổi thanh niên đã từng tập các môn thể thao như tạ, quyền anh… trước khi đến với môn Vĩnh Xuân). Và tất cả các học trò, sau khi đánh hết sức mình đều mệt nhoài, nằm thở trên bãi cát, còn sư tổ vẫn như không có gì xảy ra với mình. Sau khi để các trò nằm nghỉ một lúc, sư tổ ra hiệu tất cả lên xe để đi về. Sau buổi đó, các học trò mới hình dung được thế nào là nội công”.
Về khả năng này, ngày nay những truyền nhân của cụ Tế cũng nhiều người luyện được. Võ sư Nội đã có lần biểu diễn trên truyền hình đứng cho học trò đấm hàng trăm, ngàn quả vào người mà vẫn nói chuyện tiếp phóng viên VTV bình thường. Hay như võ sư Nguyễn Mạnh Nhâm có lần sang Trung Quốc thăm quê hương sư tổ Tế Công cũng đã đứng cho một võ sinh Trung Quốc đấm đến khi mệt thì thôi.
Cụ Nguyễn Tế Công sống và dạy võ ở Hà Nội từ năm 1939 đến 1954 đã đào tạo được nhiều học trò. Một vài người trong số họ sau này đã mở võ đường truyền bá môn võ này. Những người nổi tiếng có võ sư Trần Thúc Tiển, Trần Văn Phùng, Ngô Sĩ Quý, Vũ Bá Quý.
Từ năm 1954, cụ Tế Công vào Nam có thu nhận thêm một số đồ đệ như ông Hồ Hải Long và tiếp tục truyền dạy Vịnh Xuân ở Sài Gòn. Năm 1959 cụ Tế Công tạ thế thọ 83 tuổi. Hiện tại mộ cụ ở nghĩa trang người Hoa Quảng Đông ở Lái Thiêu – Bình Dương.
Do sự truyền bá của cụ Tế Công ở cả Hà Nội và Sài Gòn, ở Việt Nam đã hình thành nên một chi phái Vịnh Xuân. Cho đến hiện tại, chi phái Vịnh Xuân Việt Nam là một trong những chi phái lớn của môn Vịnh Xuân toàn thế giới.