|
Ảnh minh họa. |
Tôi thích nằm dài trên triền đê, chẳng suy nghĩ gì, chỉ lặng ngắm đàn bò đang thảnh thơi gặm cỏ gần đó hay dõi theo những đám mây trên bầu trời và ngửi mùi cỏ thơm nồng dưới lưng.
Tôi cũng thích đứng dưới chân đê nhìn người ta đi lại: Hình ảnh các bà các chị đi ngược chiều gió, tất tả, vội vàng mà cứ phải đưa tay giữ nón, giữ áo cho khỏi bị gió thổi tung, những người dắt xe đạp phải gò lưng để đẩy xe lên đê... có một cái gì đó thật thân thương, thật cũ kỹ...
Phải chăng đó là tình thương từ trong máu thịt bởi suốt mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc là từng đấy năm phải đắp đê chống lũ nên đến đời chúng tôi dù không phải trực tiếp đi đắp đê, hộ đê nữa nhưng vẫn thấy gần gũi với con đê? Đê đã trở thành người che chắn, bảo vệ cho những xóm làng. Nhìn thấy đê là thấy một cái gì đó vững chãi, chắc chắn, yên tâm. Và không có gì khiếp sợ như nỗi sợ vỡ đê, vì cùng với nó sẽ là ngập lụt, là phải sơ tán, là nhà cửa, đồ đạc bị nước cuốn trôi, là mất mát đau thương...
Vậy mà đồng bào miền Trung hầu như năm nào cũng phải chịu cảnh lũ lụt. Nhìn cảnh nước ngập mênh mông, lúa ngô, hoa màu... mất trắng, những ngôi nhà còn loi ngoi mái ngói nhô trên mặt nước, người nông dân vừa chạy lụt vừa ôm theo con gà hay đống nồi niêu, xoong chảo (chắc đó là những thứ đáng giá nhất của họ)... sao mà giống cảnh trong tiểu thuyết Vỡ đê của Vũ Trọng Phụng đến thế. Lại còn hình ảnh chị nông dân ngồi khóc giữa đám gà chết vì nước ngập... sao mà xót xa!
Là thiên tai thì đành chịu vậy, như ông cha ta ngàn đời nay vẫn chịu, vẫn kiên cường sống chung với lũ. Nhưng giờ lại thêm nỗi lo về vỡ đập, về thủy điện xả lũ... Chúng ta từng tự hào vì ngăn được sông, phá được núi, xây được những công trình vĩ đại... nhưng cái giá phải trả là cảnh lũ lụt ngày càng dữ dội. Và người gánh chịu lại là những người nông dân.
Những con đê làm sao cản được những dòng nước dữ như thế.