Vấn đề chọn ra một bộ trang phục mang tính đại diện của đất nước được bàn thảo từ đầu những năm 1990. Trải qua nhiều cuộc họp hành, các thiết kế mẫu quốc phục đều phải gác lại với lý do chưa có tiêu chí rõ ràng.
Mới đây, Bộ VH-TT-DL tiếp tục tổ chức hội thảo, tham luận lấy ý kiến đóng góp cho việc hình thành bộ tiêu chí "lễ phục Nhà nước" của Việt Nam. Mặc dù Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên đã đưa tiêu chí để tham luận “không nên bó hẹp trong phạm vi lễ hội Nhà nước mà cần mở rộng thành tìm kiếm lễ phục Việt với các tiêu chí đẹp, tiện dụng, đa nghĩa, sử dụng được trong nhiều bối cảnh”, nhưng vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia. Trong khi lễ phục nữ là áo dài được sự đồng thuận cao thì lễ phục nam vẫn đang gây tranh cãi: Áo dài khăn đóng hay veston?
Liên quan đến việc chọn quốc phục, lễ phục nhà nước mà Bộ VHTTDL đang lấy ý kiến rộng rãi, cộng đồng mạng cũng đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.
|
Sao Việt diện trang phục truyền thống. |
Bình luận trên một tờ báo điện tử, bạn đọc có nickname Trần Sơn chia sẻ: “Tôi đồng ý comple và áo dài. Không nên cứng nhắc tuyệt đối hoá tính dân tộc. Nếu cực đoan vậy thì nhà nghi lễ phải nhà tranh vách đất? Đi guốc, quạt mo, sập gụ, ngồi chiếu hoa, uống trà xanh và ăn trầu...sao?”.
Trên diễn đàn Vozforums, thành viên Gerhet thì cho rằng: "Những cuộc họp quốc tế thì nên tôn trọng những quy tắc của quốc tế. Mọi người mặc vest, thì đừng mặc "quốc phục". Nhằm thể hiện sự văn minh và tôn trọng của đất nước mình với đất nước khác".
Trong khi đó, cũng không ít ý kiến lại đồng ý với quan điểm cho rằng áo dài của phụ nữ và áo dài khăn đóng của nam giới luôn luôn là lễ phục gợi lên hình ảnh người Việt Nam.
Bạn đọc có nickame Vũ Long nêu ý kiến: “Áo the khăn xếp và áo dài là lễ phục truyền thống rồi. Một số người thấy kỳ nhưng tôi xin lấy ví dụ thế này, bên Nhật chẳng hạn, sao cấp cao chính phủ khi nhận chức hay đón đoàn ngoại giao họ lại mặc áo đuôi tôm. Với suy nghĩ hay mắt nghệ thuật của ai không biết nhưng đối với tôi thì nó chẳng đẹp gì. Vậy sao họ vẫn mặc? Bởi nó gắn liền với văn hóa truyền thống của họ. Vậy tại sao chúng ta phải cố gắng tranh cãi để thay thế lễ phục làm gì, những chiếc áo đó gắn liền với văn hóa truyền thống của chúng ta thì cứ để nó như vậy. Hãy dựa trên những chiếc áo truyền thống mà thiết kế nó đẹp lên, đó mới gọi là văn hóa truyền thống của đất nước chúng ta…”.
“Đã gọi là "truyền thống" thì nên tôn trọng truyền thống vì "áo dài, khăn đóng" của đàn ông Việt cũng đã có lịch sử hàng ngàn năm. Tuy vậy, để phù hợp thời đại thì vẫn có thêm bộ veston cho nam giới cũng tiện và đẹp. Còn áo dài của phụ nữ thì đã ổn định rồi thiết nghĩ không cần bàn nhiều nữa. Tuy vậy với các chính khách cũng nên mặc áo dài sao cho màu sắc và hoa văn lịch sự và trang nhã hơn” - bạn đọc Lê Thị Bình góp ý.
Trong khi đó, một số cư dân mạng lại đưa ra một vài ý kiến khá “độc” khi cho rằng nếu nói về truyền thống thì quốc phục phải là “khố”, còn nói về sự thông dụng thì phải kể đến “quần đùi, áo thun ba lỗ”.
Trên diễn đàn Webtretho, thành viên Mom2b bày tỏ quan điểm: “Quốc phục là khố. Chẳng phải cụ Chử Đồng Tử ngày xưa nhờ cái khố mà lấy được Tiên Dung là gì! Chọn khố làm quốc phục là rất phù hợp để nhắc nhở con cháu về tổ tiên xưa kia và nêu cao tinh thần gìn giữ lịch sử VN. Tưởng tượng trong năm có một "ngày toàn dân mặc khố" thì thế nào nhỉ?”.
"Chiếc khố Việt Nam đã từng được tôn vinh tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế khi được đại diện Việt Nam chọn trang phục này cho phần thi trình diễn trang phục truyền thống. Theo tôi thì phải chăng nên chọn khố làm quốc phục Việt Nam?" - bạn đọc Phương Lan (30 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ.
Trong khi đó, thành viên Ngson1980 thì cho rằng: “Theo tôi, “Quốc phục” - thứ đồ mà người dân hay mặc nhất là đồ bộ và quần đùi áo thun ba lỗ”.
Tuy nhiên, một ý kiến khác lại cho rằng, đề xuất "khố" và "quần đùi áo thun" không thực tế và quá... tào lao. "Khố chỉ mặc khi biểu diễn hoặc lễ hội còn quần đùi áo cộc thì chỉ mặc ở nhà được thôi. Ở đây
Bộ VH-TT-DL muốn lấy ý kiến đóng góp lựa chọn lễ phục Nhà nước cơ mà. Mặc như thế mà đi tiếp khách thì người ta cười vào mũi cho ý chứ".
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: