“Sáng tạo quốc phục là kỳ quặc“

Google News

(Kiến Thức) - Theo PGS. TS Nguyễn Văn Tiệp, trong một quốc gia đa dân tộc, chọn trang phục của một dân tộc làm quốc phục sẽ làm mất sự đa dạng văn hóa, còn việc sáng tạo quốc phục là kỳ quặc.


Xung quanh việc lấy ý kiến về "Lễ phục nhà nước" của Bộ VHTTDL, trước đó nhiều năm là việc lựa chọn trang phục làm quốc phục, Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp, đang công tác tại Đại học KHXH&NV TP HCM.

PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp bày tỏ quan ngại, nếu quyết tâm thực hiện quốc phục sẽ làm mất sự đa dạng trong sắc màu trang phục tại Việt Nam, dẫn đến thực trạng trang phục một dân tộc thay mặt trang phục 54 dân tộc khác. Đồng thời, ông nhận định, lễ phục quốc gia chỉ dùng trong các nghi lễ mang tính thiêng, đáp ứng nhu cầu tâm linh hơn đời sống thường nhật mà chỉ cần người phụ tránh trực tiếp hành lễ mặc là đủ, như thế mới thiêng còn ai cũng mặc thì tính thiêng mất đi ý nghĩa của nó.

PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp cũng nhìn nhận: “Trong những năm gần đây, ở Việt Nam rộ lên phong trào xây dựng và lựa chọn quốc hoa, quốc phục, lễ phục. Đây là tín hiệu đáng mừng thể hiện ý thức và tình cảm của người dân đối với sự trường tồn và phát triển của đất nước. Về phương diện văn hóa, quốc phục, lễ phục là biểu tượng của một quốc gia, thông qua đó thể hiện sự đoàn kết, thống nhất tinh thần quốc gia dân tộc. Trên thực tế, đây là nhu cầu chính đáng vì vậy Bộ VHTTDL đã tiến hành dự án "Lễ phục nhà nước". 

Tuy nhiên, ông Tiệp cũng lo lắng: “Nhu cầu là một chuyện, còn thực thi được trên thực tế là chuyện khác, cần bàn thảo kỹ, càng tránh áp đặt rồi không đâu vào đâu, tốn tiền, mất thời gian. Đã có thời chúng ta tổ chức thi viết quốc ca nhưng rồi cũng không thành. Đây là bài học kinh nghiệm. Trước hết phải hiểu đúng một số thuật ngữ như trang phục truyền thống của 54 tộc người trên đất nước ta, lễ phục, quốc phục, quốc phục nam, quốc phục nữ, lễ phục nam, lễ phục nữ... vấn đề này không đơn giản”.

“Phần đông các quốc gia không có quy định về lễ phục và quốc phục. Các nước theo một tôn giáo chính thống (quốc đạo) hay một quốc gia đơn tộc người thì việc lựa chọn không có gì khó. Ở Việt Nam vấn đề phức tạp hơn. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, cùng với quá trình mở rộng lãnh thổ là sự tham gia vào cộng đồng quốc gia dân tộc các tộc người khác không phải người Kinh. Đã gọi là quốc phục thì nó phải thống nhất trong toàn quốc gia, không phân biệt tộc người nào, lẽ đơn giản vì nó là biểu tượng quốc gia chứ không phải biểu tượng tộc người. Tạo ra cái mới chung cho cả quốc gia không dễ gì làm được, vì nó làm mất đi tính đa dạng của văn hóa tộc người của một quốc gia đa tộc người”. 

“Lâu nay trong sách báo, nhiều lúc người ta đồng nhất văn hóa quốc gia với văn hóa của tộc người Kinh (Việt) vì đây là tộc người đa số. Nhưng văn hóa quốc gia Việt Nam là văn hóa của 54 tộc người trên đất nước ta trong đó có văn hóa người Kinh. Lấy ví dụ, áo dài của phụ nữ Kinh chứ không phải áo dài Việt Nam, vì phụ nữ Chăm cũng mặc áo dài nhưng là áo dài rộng không có xẻ tà. Phụ nữ Hoa mặc sườn xám khác với phụ nữ Kinh. Tôi nhớ lại thời kỳ Ngô Đình Diệm bắt các quan chức người Thượng mặc áo dài, khăn đóng, không được đóng khố bị người Thượng phê phán là dùng chính sách đồng hóa, cụ thể là Việt hóa gây sự phẫn uất đối với người Thượng”. 

Về ý tưởng sáng tạo ra một trang phục quốc phục, ông Tiệp cho rằng: “Trong một quốc gia đa tộc người, trong đó các tộc người đã có trang phục truyền thống riêng mang bản sắc riêng đã bao đời nay, chúng ta sáng tạo ra một bộ quốc phục mới không giống ai thì rất kỳ quặc, mà giống với một tộc người nào đó thí dụ người Kinh chẳng hạn thì rơi vào cái nhìn Kinh hóa. Nếu kết hợp nhiều yếu tố trong trang phục các tộc người khác nhau thì có nguy cơ trở thành một thứ hổ lốn. Cái khó là ở đó. Theo tôi, trong tình hình hiện nay không nên thiết kế quốc phục để bảo tồn tính đa dạng của văn hóa Việt Nam, nhiều nước không có quốc phục thì chẳng sao. Trong một lễ hội hay sự kiện lớn của quốc gia mà có nhiều tộc người tham gia và họ mặc trang phục truyền thống của họ là niềm tự hào của tính đa dạng văn hóa Việt Nam. Nếu mọi người mặc quốc phục như nhau thì chưa hẳn đã hay”.
Về vấn đề lễ phục quốc gia, PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp cho rằng, cần bàn và làm sáng tỏ vấn đề này. 

“Lễ phục quốc gia khác với quốc phục. Quốc phục dùng chung cho cả quan chức và người dân cả nước còn lễ phục quốc gia chỉ dùng trong các nghi lễ mang tính thiêng, đáp ứng nhu cầu tâm linh hơn đời sống thường nhật mà chỉ cần người phụ trách trực tiếp hành lễ mặc là đủ, như thế mới thiêng còn ai cũng mặc thì tính thiêng mất đi ý nghĩa của nó. Vì thế người tham gia lễ hội hay sự kiện lớn của quốc gia không nhất thiết phải mặc lễ phục”. 

“Lễ phục có tính quy chuẩn mà lâu nay trong các tôn giáo hay lễ hội tâm linh các chủ lễ đã có sẵn lễ phục của mình. Chẳng hạn, người Kinh thường nam giới khi hành lễ thì mặc khăn đóng áo dài, quần trắng. Nay bình đẳng giới phụ nữ cũng được tham gia, nếu phụ nữ Kinh nên mặc áo dài là đủ. Còn trong các lễ hội và sự kiện quốc gia lớn hay tiếp khách nước ngoài, trong thời kỳ hội nhập nên mặc complet, đeo cà vạt, đi giày tây như lâu nay là tốt hơn cả. Nhiều quốc gia trên thế giới vẫn thế. Vấn đề thể diện quốc gia không chỉ trong lễ phục và quốc phục mà ở các phương diện khác của tư cách quốc gia”.
Hải Ninh

Bình luận(0)