Không đánh đồng quốc phục và lễ phục?

Google News

(Kiến Thức) - Theo PGS Hà Đình Đức, ý nghĩa của quốc phục và lễ phục hoàn toàn khác nhau nên không thể chọn một bộ y phục chung.

Quốc phục nam áo dài khăn đóng không hợp

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia văn hóa, quốc phục phải là trang phục vừa có tính bắt buộc, lại vừa có tính truyền thống, có giá trị khu biệt bản sắc dân tộc. Bộ y phục chọn làm quốc phục phải dung hòa được giữa trang phục dân tộc và lễ phục, cộng thêm tính hội nhập. Theo đó, không thể chọn bộ y phục cho cả quốc phục và lễ phục.

Theo TS Phạm Đức Dương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, nên phân biệt rạch ròi giữa khái niệm quốc phục và lễ phục. Lễ hội có thể mặc áo thụng khăn đóng nhưng quốc phục vẫn phải comlet, áo dài.

"Áo dài khăn đóng rất phù hợp với tranh phục lễ hội nhưng trong các hoạt động ngoại giao thì không nên. Tại diễn đàn cấp cao APEC 2006 ở Việt Nam, các nguyên thủ quốc gia và nước ngoài đều mặc lễ phục áo dài Việt Nam nhưng chỉ làm kỷ niệm thôi. Thời hiện đại nên chọn quốc phục là nam là complet, nữ áo dài là phù hợp, nó thể hiện sự kết hợp giữa dân tộc và quốc tế”, ông Dương nói. 

Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu văn hóa, PGS Hà Đình Đức cho rằng: “Chọn quốc phục là hơi khó. Nếu chọn y phục ngày xưa như áo chùng khăn đóng chỉ người cao tuổi biết và thích thôi, không tiêu biểu cho mọi tầng lớp, mọi thế hệ. Còn nếu chọn quần nâu áo sòng thì lại bình thường, phù hợp với nông thôn chứ không phù hợp với thành thị. Complet thì hiện đại, không có nét truyền thống. Hiện nay chưa có bộ y phục nào hội tụ được cả ba bộ trên nên tốt nhất là tổ chức một cuộc thi thiết kế rồi tuyển chọn ra bộ y phục vừa mang bản sắc của Việt Nam mà vẫn mang tính hội nhập quốc tế, được mọi người chấp nhận”.
 
Đa số ý kiến ủng hộ complet – áo dài làm lễ phục Nhà nước

Trao đổi với Kiến Thức bà Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Mỹ, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, đề tài Bộ Văn hóa đang lấy ý kiến là “Lễ phục nhà nước”. Đó là bộ y phục được mặc trong các cuộc họp cấp cao, các buổi lễ trọng thể của đất nước, không phải quốc phục cũng không phải lễ phục. “Lễ phục nhà nước” là sự thể hiện bản sắc văn hóa qua trang phục. 

“Cần phải rạch ròi ba từ “quốc phục”, “lễ phục” và “lễ phục nhà nước”. Bộ trang phục mà chúng tôi đang lấy ý kiến là để phục vụ cho nguyên thủ quốc gia khi tham gia các hoạt động ngoại giao, lãnh đạo các cấp mặc trong các buổi trọng lễ của đất nước. Nếu sau này người dân cả nước hưởng ứng thì sẽ trở thành quốc phục”, bà Hương nói.

Cũng theo bà Hương, Bộ VH-TT-DL vừa tiến hành xong các hội thảo ở ba miền và đang tổng hợp các tham kiến. Lộ trình tiếp theo là khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6 ban chỉ đạo, ban cố vấn sẽ tổ chức tổng kết các ý kiến góp ý trong hội thảo, chắt lọc những ý kiến chung nhất rồi phát động cuộc thi thiết kế. Nếu có được mẫu y phục đáp ứng được những tiêu chí đơn vị tổ chức yêu cầu, Bộ VH – TT – DL sẽ trình xin ý kiến Thủ tướng. 

 “Ý tưởng “Lễ phục nhà nước” không phải của cá nhân mà là trí tuệ, ý chí tập thể, của nhân dân 3 miền. Vấn đề này thuộc về tầng văn hóa nhất định nên phải lấy ý kiến của các nhà văn hóa học, nghiên cứu lịch sử. các nhà lý luận, mỹ thuật .. Nói chung là những người am hiểu về lĩnh vực này mới có thểt đưa ra ý kiến tham góp về vấn đề này được. Đơn vị chúng tôi chỉ tổng hợp ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo ba miền, chọn lọc ý kiến thành yêu cầu rồi phát động một cuộc thi thiết kế”. 

Bà Hương cũng chia sẻ, hy vọng cuộc thi thiết kế năm nay sẽ chọn được mẫu phù hợp, đáp ứng được các tiêu chí ban tổ chức đề ra và được toàn dân ủng hộ. 

Tiết lộ về dư luận ba cuộc hội thảo ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, bà Hương cho biết, đa số ý kiến ủng hộ trang phục của nam giới là complet cải tiến, số ít chọn áo dài khăn đóng.  

“Gìn giữ bản sắc dân tộc là điều tất yếu nhưng ở thời đại văn minh, y phục chọn làm “Lễ phục nhà nước” cũng phải mang tính cập nhật, tiện dụng, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới”, bà Hương nói.
Khánh Tường

Bình luận(0)