Căn nguyên là do đã tự... chế thuốc trừ sâu rồi. Ấy thế mà, chẳng những không được lời khen, gã còn bị mang tiếng là “gàn dở”, là “thần kinh”. Gã là Lê Văn Đáo, ở thôn Hương Quất, xã Thành Công, Khoái Châu, Hưng Yên.
"... Công ty thuốc sâu đã chết cả rồi"
Gã tuổi Đinh Dậu, sinh năm 1957. Năm 1977, gã đi Thanh niên xung phong trên mạn Đình Lập, Quảng Ninh, khi vừa mới cưới vợ được vài tháng. Những ngày ở đơn vị, gã được học thầy lang trong vùng bài thuốc chữa bệnh về mũi và nấm đầu. Năm 1982, gã về quê, vốn liếng vẻn vẹn là hai bài thuốc đó.
Cuộc sống khó khăn, để cả nhà 6 miệng ăn không bị đứt bữa, vợ chồng gã phải nai lưng ra làm. Hai bài thuốc ấy, gã cất tạm trong hòm thóc, đợi có dịp thì mang ra dùng.
Gã bảo, sinh ra từ làng, lại có "nghề nông gia truyền" từ thời cụ kỵ ông bà, lớn lên cùng mùi bùn ngai ngái, cùng những mùa cấy, mùa gặt nên khi nhìn những bờ cỏ quanh ruộng lúa không còn êm ả, bởi cơ man là chai, là lọ; cái màu xanh mát trên những dòng mương cũng không còn nữa, thay vào đó là thứ màu xỉn xỉn, nhờ nhờ, hôi thối của nước ruộng tháo ra sau những ngày triền miên đánh thuốc trừ sâu khiến gã "xót lắm!". Để đồng đất như thế, trình độ chỉ "a bờ cờ" như gã cũng nhận thức được rằng đó là do hệ quả của thuốc trừ sâu.
Nhưng gã chỉ là một nông dân chính hiệu. Nhìn đấy, đau đấy, lo đấy nhưng lúa bị sâu và gã không thể không phun thuốc. Nếu không phun, vụ lúa bị mất mùa, vợ gã, con gã sẽ đói. Mà gã, trụ cột chính của gia đình, làm sao có thể được phép để chuyện đó xảy ra!
Gã sực nhớ lại cái lần lấy thóc từ hòm gỗ ra xát. Lúc mở hòm, bướm nhung nhúc bay ra nhưng kỳ lạ là hòm chứa hai bài thuốc kia lại không hề hấn gì. Trong đầu gã lúc ấy "lóe lên một ý nghĩ: Thuốc này đã tránh cho thóc không bị bướm, mọt thì cũng có thể chữa bệnh được cho cây lúa ngoài đồng", gã thật thà kể. Nhưng khi vừa chia sẻ ý tưởng với vợ con, mọi người đều gạt đi, bảo gã rằng, nếu mình tự làm thuốc được thì các công ty thuốc sâu đã chết cả rồi.
|
Chân dung "gã gàn". |
Tỏi, gừng, riềng, ớt, bồ kết + rượu trắng = thuốc trừ sâu
Nghe vợ con gièm pha, gã cũng... nản. Cái ý nghĩ làm thuốc cũng dần tan biến để nhường chỗ cho những ngày gã phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".
Phải đến tận năm 2007, trong một cuộc thi do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức về khoa học công nghệ, gã tham gia và được mời về dự hội nghị tổng kết. Sau vụ đó, gã "tự tin lên rất nhiều". Thế là cái ý tưởng làm thuốc trừ sâu cả chục năm trước lại ám ảnh gã. Gã quyết định: Làm!
Để chế thuốc cho một sào ruộng, gã trộn 1kg ớt + 1kg gừng + 1kg riềng + 0,5kg tỏi + 0,3kg bồ kết (tất cả các nguyên liệu được sấy khô), một số phụ gia khác đem trộn với 3 lít rượu trắng nồng độ 500. "Tốt nhất là ngâm trong bình thủy tinh bịt kín, nếu dùng bình nhựa thì phải chôn cách âm trong vòng 6 tháng thì mở ra", gã cho biết. Thành quả là một loại nước cốt sánh, màu cánh gián.
Lần thử nghiệm đầu tiên vào vụ chiêm năm 2010. Gã phun cho 5 sào ruộng khi lúa còn con gái. Thế nhưng, khi vừa bước chân lên bờ, gã bảo "không thể tưởng tượng được khi 2/3 ruộng lá dần héo rũ". Người ta đi qua, ngạc nhiên hỏi gã phun cái gì mà làm lúa chết rũ cả thế kia. Gã lại càng hoảng. Lúa chết, gã biết ăn nói thế nào với vợ con?
"Hôm ấy, lòng tôi thật sự như lửa đốt. Bình tĩnh suy xét lại thì tôi nhận ra: 3 sào ruộng phun lúc sáng, khi còn đẫm sương vẫn xanh tốt. Còn 2 sào đánh thuốc sau đó, khi mặt trời lên, ít sương thì bị héo. Nguyên nhân là do đánh thuốc đậm quá, nếu có sương thì thuốc đã được hòa nhẹ đi rồi", gã kể. Phải đến 2 hôm sau, lúa mới dần tươi trở lại. Gã thở phào.
Vợ con gã thì vẫn nghĩ gã "thích bày vẽ". Gã mặc. Chỉ đến khi, cả làng phải ra đồng phun thuốc rầy nâu, lại phải đi đánh thuốc lúc giữa trưa, mùi thuốc quện trong mùi nắng tháng 4 làm cho không khí càng thêm ngột ngạt. Chỉ duy 5 sào ruộng nhà gã vẫn chẳng hề hấn gì. Gã mỉm cười đắc thắng với cái suy nghĩ "chính loại thuốc tự chế đã kháng được bệnh rầy". Tổng kết vụ lúa, nhà gã hết 170.000đ/sào tiền thuốc, tiền đạm, lân, kali, trong khi nhà người ta tiền thuốc đã ngấp nghé ngần ấy. Gã chẳng những không được lời khen mà còn mang tiếng là "gàn dở".
Việc gã phun thuốc xong làm lúa héo rũ, nhiều người làng Hương Quất chứng kiến. Ngay cả ông trưởng thôn khi đó là Đỗ Văn Thường cũng được "mục sở thị". Cũng chính ông Thường xác nhận "đã thấy anh Đáo phun thuốc tự chế hai lần".
Còn anh Nguyễn Văn Liêm, hàng xóm của gã cũng thừa nhận: "Ngay vụ vừa rồi, tôi thấy bác ấy mang hai can như rượu thuốc ra đồng phun và không thấy phun thuốc hóa học nào. Đến mùa, ước lượng thì năng suất nhà bác ấy cũng chừng hơn 2 tạ/sào, bằng với lúa nhà tôi".
|
Bình thuốc này là thành quả sau 6 tháng ngâm thuốc tự chế từ tỏi, ớt, gừng, riềng, bồ kết. |
Sẽ "mách nước" cho bà con
Tôi đem câu chuyện về gã đi gặp lãnh đạo xã. Ông Lê Văn Thung, Chủ tịch UBND xã Thành Công cho hay: Cả xã có 216ha diện tích đất nông nghiệp. 100% hộ dân làm nông nghiệp, hầu hết là cấy lúa. Thế nên, vào đợt phun thuốc theo hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp huyện, đi đâu cũng ngửi thấy mùi thuốc. Còn chuyện anh Đáo phun thuốc trừ sâu tự chế, rất nhiều người trong xã biết và đã tận mắt chứng kiến anh ấy phun. Có lần, tôi hỏi anh ấy về chuyện này, anh ấy chỉ gạt đi. Nếu anh ấy muốn nhờ kết nối với Phòng, với Sở Nông nghiệp để kiểm chứng loại thuốc này, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện.
Còn gã, khi được hỏi "sao không chia sẻ điều này với lãnh đạo, biết đâu lại giúp được bà con, để đồng ruộng đỡ bị ô nhiễm hơn", gã tần ngần: "Việc tự chế thuốc, phun thuốc ấy mới chỉ áp dụng ở nhà tôi. Tôi không thể giải thích giúp bà con xem nguyên lý chữa bệnh của các nguyên liệu ấy thế nào thì khó thuyết phục lắm. Vả lại, bây giờ người ta vẫn bảo tôi là gàn dở, là thần kinh nên tôi cũng ngại. Nếu được nhà khoa học giải thích cụ thể thì tôi sẽ "mách nước" cho bà con cách làm, vì ở quê tôi có phải ai cũng có điều kiện đọc báo, nghe đài thường xuyên đâu mà biết được".
Trên thực tế, đã có nhiều người làm các hỗn hợp từ nguyên liệu sinh học để phun lên cây trồng. Ví như người dân ở Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội) đã dùng chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu Emina (trong đó có thành phần của tỏi, ớt, gừng) để xua đuổi côn trùng cho ổi thành công. Trong tỏi sinh ra nhiều chất phytonxit là chất độc thực vật tiêu diệt nấm. Có thể cho thêm phụ gia là lá trầu không, bồ kết... rồi ngâm vào trong rượu thì sẽ hòa tan các chất tốt hơn trong nước, nhưng nếu để rượu ở mức 500 là khá nặng. Việc sử dụng chế phẩm sinh học phun lên cây trồng sẽ có tác dụng nhất định với một số loại bệnh, tuy nhiên không thể mong chờ có tác dụng ngay được và cũng không thể thay thế hoàn toàn thuốc hóa học.
GS.TS Nguyễn Quang Thạch (Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Sinh học Nông nghiệp, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội)