Mại dâm “núp” người mù: Điều trông thấy... đau đớn lòng! (3)

Google News

(Kiến Thức) - Có khách đến tẩm quất người mù đã giở trò sàm sỡ, ăn nói vô văn hóa; không làm thì ế khách, để khách sàm sỡ thì không được...

Người khiếm thị đã kém may mắn do số phận lấy đi ánh sáng từ đôi mắt, buộc mò mẫm trong bóng đêm để sống có ích cho xã hội, không trở thành gánh nặng cho gia đình. Tuy nhiên, những quán tẩm quất trá hình đang vô hình “bôi nhọ” danh dự của họ. 
Khốn khó… lại thêm cùng quẫn

Anh Nguyễn Văn Hùng, nhân viên tẩm quất người mù trên phố Cảm Hội (Hà Nội) rất buồn khi nói đến công việc tẩm quất cổ truyền vốn là nghề kiếm sống chính của anh và toàn bộ gia đình, chia sẻ: “Trước công việc khá ổn định, vì tẩm quất người mù là phương pháp chữa bệnh, người mù không bao giờ làm những trò trá hình. Họ dùng đôi tay khéo léo, cần mẫn làm việc. Nhưng giờ đây, nhiều tụ điểm tẩm quất cũng  mượn danh người mù, đã lấn sân, thậm chí kinh doanh dịch vụ mại dâm, làm ảnh hưởng đến hình ảnh tẩm quất trong mắt người dân, kể cả là tẩm quất người mù”.
“Cứ nói đến tẩm quất là họ lại nghĩ đến những dịch vụ xấu, nên ai muốn tẩm quất lại tìm người tẩm quất dạo thay vì vào cơ sở. Những cái hiểu sai lệch về nghề tẩm quất đã khiến công việc của các cơ sở tẩm quất người mù ngày càng ít đi. Đó là nghề kiếm miếng cơm, manh áo chủ yếu của người mù, ít việc cũng đồng nghĩa người mù sẽ phải đối mặt với đói nghèo, bóng tối sẽ dài hơn trong hành trình tìm ra ánh sáng của mỗi hội viên”, anh Hùng tâm sự.

Nhiều người mù đang cố gắng vượt lên số phận từ nghề tẩm quất.

Chị Nguyễn Thị Điềm, chủ cơ sở tẩm quất người mù ở Kim Động (Hưng Yên) bộc bạch: “Người mù không thể cạnh tranh với các cơ sở trá hình khi con người bị thua thiệt về thị lực và đành ẩn mình trong bóng tối. Buồn vì nghề tẩm quất bị ảnh hưởng bởi các dịch vụ trá hình dẫn đến nhiều cái nhìn, quan điểm không thiện cảm về tẩm quất. Đau hơn nữa là nhiều cơ sở tư nhân không có chứng chỉ, giấy phép hoạt động vẫn sử dụng lao động là người mù đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, hoạt động, cơ cấu tổ chức hoạt động của nhiều cơ sở người mù đúng nghĩa”.
Theo chị Điềm, những dịch vụ tẩm quất trá hình đã khiến người mù khốn khó lại thêm cùng quẫn. Người dân không tin vào tẩm quất người mù cũng vì nghĩ tẩm quất người mù cũng như những quán tẩm quất trá hình kia. Có khi chồng đi tẩm quất, vợ lẳng lặng đi sau. Thậm chí, có khách đến tẩm quất người mù còn giở trò sàm sỡ, ăn nói vô văn hóa, khiến những người mù lành mạnh phải suy nghĩ. Không làm thì ế khách, mà để khách sàm sỡ là không được nên vẫn phải từ chối và mời khách ra khỏi cơ sở.
“Chúng tôi là những người khiếm thị sống chủ yếu bằng nghề tẩm quất, nên luôn mong muốn môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, để phát triển, nâng cao đời sống từ chính bàn tay của mình. Trước sự lấn át, bôi nhọ hình ảnh nghề như thế, nhiều khi chúng tôi cảm thấy, bất lực, cô độc vì bản thân không thể thấy ánh sáng từ công lý”, anh Hùng cho biết thêm.
Cần xử lý nghiêm cơ sở tẩm quất trá hình!
Trao đổi với Kiến Thức, Chủ tịch Hội người mù Việt Nam, ông Cao Văn Thành cho biết, với hội viên Hội người mù Việt Nam, tẩm quất là một trong những nghề mũi nhọn. Vì thế, Hội người mù Việt Nam và các trung tâm luôn chú trọng đầu tư và chú trọng công tác dạy nghề. Mỗi cơ sở tầm quất người mù thực sự sẽ được miễn thuế, tạo điều kiện trong thủ tục kinh doanh.

Chủ tịch Hội người mù Việt Nam Cao Văn Thành .

“Hiện nay, nhiều cơ sở tẩm quất đã mượn danh người mù để kinh doanh trục lợi, làm ảnh hưởng đến hình ảnh làm ăn chân chính của những người khiếm thị khác. Nhân viên tại các cơ sở này không ít lần bị quỵt lương, hoặc có khi phải thôi việc mà không rõ lí do là gì. Hơn nữa, việc bùng nổ những cơ sở tẩm quất trá hình, tuy không mượn danh người mù nhưng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công việc tẩm quất của các hội viên”, ông Cao Văn Thành cho biết.

“Với những quán tẩm quất trá hình đã làm ảnh hưởng nhiều đến nghề tẩm quất cổ truyền chân chính của người mù. Cần phải có những giải pháp để xử lý dứt điểm và dư luận cần lên tiếng mạnh mẽ, để bảo vệ nghề tẩm quất cổ truyền lành mạnh, vốn là nguồn sống chủ yếu của không ít người mù”, Chủ tịch Hội người mù Việt Nam, ông Cao Văn Thành kiến nghị.
Thiên Hải

Bình luận(0)