Chặt, thay 6.700 cây xanh: Phá vỡ cân bằng sinh thái

Google News

(Kiến Thức) - Việc chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh tại 10 quận nội thành của Hà Nội trong khi cây mới trồng chưa kịp tạo tán, sẽ làm nhiệt độ tăng lên...

Mỗi cây là một hệ sinh thái nhỏ. Việc chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh tại 10 quận nội thành của Hà Nội trong khi cây mới trồng chưa kịp tạo tán, sẽ làm nhiệt độ tăng lên, ngập lụt nặng hơn và biến Hà Nội thành Thủ đô “trọc”. 
Nhiệt độ tăng, ngập lụt
Ông Nguyễn Nguyên Cương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục & Truyền thông Môi trường cho biết: Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Có quan điểm khẳng định không thể chặt bỏ bởi muốn giữ lại bóng mát cho đô thị, tránh những tác động xấu tới môi trường... Quan điểm khác lại cho rằng, cây ở Hà Nội đang khá tạp nham, trên một tuyến phố ngắn mà có đến hơn chục loại cây, rồi có nhiều cây ví dụ như cây xà cừ gốc nông nên rất dễ bị đổ khi mưa bão, gây nguy hiểm; vì thế, việc chặt bỏ, thay thế là cần thiết.
Ông Cương cho biết, dù là quan điểm nào thì cũng cần phải nhìn ở góc độ thực tế. Ở Hà Nội, không phải cây nào cũng là cây cổ thụ, nhiều cây chỉ là gỗ lâu năm nhưng có giá trị to lớn. Mỗi cây ấy là một hệ sinh thái thu nhỏ. Quanh gốc cây, bên này là tổ kiến, bên kia là tổ mối, tổ ve sầu, rồi trên ngọn cây, có chim chóc, sâu bọ làm tổ. Đấy có thể coi là một hệ sinh thái nhỏ. Chặt một cây là đã phá đi một hệ sinh thái nhỏ; chặt vài chục cây, vài trăm cây cũng đã thấy khác, đằng này chặt tới gần 7.000 cây. Hậu quả phá vỡ cân bằng sinh thái là điều rất dễ nhìn thấy.
Ngoài ra, cùng lúc mất đi số lượng lớn cây lâu năm, tán rộng sẽ khiến cho nhiệt độ thành phố tăng lên, có khi tăng đến 2 - 3 độ C. Chặt hết cây, trong khi cây mới thì chưa ra cành, ra tán, sẽ không thể có bóng mát, và như vậy khi thành phố “trụi” đi, vào mùa hè nắng nóng, có lẽ người dân sẽ không dám ra đường. Thứ nữa, chặt cây sẽ làm cho Hà Nội vốn đã dễ ngập lụt vào mùa mưa, giờ sẽ càng trầm trọng hơn. Bởi khi mưa xuống cành cây, lá cây, rễ cây sẽ giúp tích nước, làm chậm quá trình nước đổ ào xuống. Khi chặt hết cây đi, cây mới trồng chưa kịp ra tán, sẽ không còn gì chắn giữ, nên mưa cứ ào ào trút thẳng xuống, và thoát không kịp.
Chat, thay 6.700 cay xanh: Pha vo can bang sinh thai
 
Không phải cứ quý là trồng
Theo ghi nhận của phóng viên, trên đường Nguyễn Chí Thanh, hàng loạt cây cũ đang tạo bóng mát cho con đường đã và đang bị cưa, chặt bỏ. Hàng loạt cây được người ta gọi là cây vàng tâm có chiều cao khoảng vài mét, nhưng trụi cành, trụi lá đã được trồng xuống. Nhìn con đường được cho là đẹp nhất Hà Nội trống trơn vì thiếu bóng cây xanh, không ít người dân bày tỏ sự xót xa, tiếc nuối.
Ông Nguyễn Nguyên Cương cho biết thêm, toàn bộ số cây bị chặt đi sẽ được trồng thay thế đồng loạt bằng cây vàng tâm. Đành rằng đây là một loại cây quý, nhưng không phải cứ quý là trồng. Trước đây, ở đường Hùng Vương (Hà Nội), người ta đưa cây trò nâu từ Đền Hùng về trồng, nhưng cây chết vì ở đây là đất cát, không thích hợp. Sau đó, người ta lại đưa cây sao đen về trồng, vẫn chết, vì thế mới phải trồng cây dầu rái (dầu nước) như hiện nay. Hay như cây sao đen, một loài cây đẹp mà rất nhiều tuyến phố muốn trồng, nhưng khi đem trồng thì đều không thể sống được, ngoại trừ ở phố Lò Đúc.
Những ví dụ này cho thấy, cần phải nghiên cứu kỹ về đặc điểm sinh học của cây, đặc điểm đất ở khu vực Hà Nội nói chung và từng tuyến phố nói riêng. Hà Nội là nơi có mạch nước ngầm, vì thế, chỉ có những cây chịu nước, chịu ẩm mới có thể sống được.
Ông Cương khẳng định: “Nếu thật sự muốn chặt thì phải làm từ từ, làm dần trong 10 – 20 năm. Và thay vì chặt ngay, chặt tất thì nên làm theo cách là vẫn để cây cũ, cây mới sẽ được trồng xen kẽ để cây ra lá, mọc tán đồng thời cũng là cách để kiểm tra xem cây đó có thực sự thích hợp và sống được ở nơi đó không. Sau 5 – 10 năm, cây mới phát triển chúng ta mới chặt dần cây cũ đi. Nhìn chung, muốn chặt cây thì trước đó 10 năm chúng ta đã phải tiến hành trồng mới. Còn nếu như bây giờ mới có ý định làm, thì thời điểm này chỉ nên đi bước đầu tiên là trồng thử và trồng xen cây mới, đợi 10 – 20 năm nữa mới tính đến chuyện chặt cây cũ”.
Chiều 18/3, công văn của UBND TP Hà Nội nêu rõ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo việc rà soát cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn, đảm bảo theo đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị. Giám đốc Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan báo chí, thông tin công khai, đầy đủ, tạo đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố.
Đức Anh

Bình luận(0)