"Hàng khủng" của Điện lực miền Nam
Trao đổi với Kiến Thức sáng nay (24/4) về hành trình của xe siêu trọng chở máy biến áp hơn trăm tấn, ông Nguyễn Thành Duy, Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) xác nhận: "Chiếc máy biến áp có công suất 63MVA được công ty vận tải Anh Phương vận chuyển là của 1 đơn vị thuộc EVN SPC".
|
Đại diện công ty vận tải cho rằng chiếc máy biến áp nặng chỉ hơn 60 tấn. |
Chiếc máy này được công ty cổ phần thiết bị Đông Anh (Hà Nội) sản xuất và trong thời gian lắp đặt tại trạm Gò Đậu (tỉnh Bình Dương), đã xảy ra sự cố nên đã hợp đồng với Công ty vận tải Anh Phương vận chuyển trở về Hà Nội để kiểm tra, sửa chữa. Tuy nhiên, khi sửa xong, trạm Gò Đậu không còn cần, đã vận chuyển về Khu công nghiệp Cần Thơ để phục vụ phát triển phụ tải khu vực.
"Hiện, quá trình vận chuyển trong những ngày qua đã chậm hơn dự kiến. Tuy nhiên, vụ việc không gây ảnh hưởng lớn đến phát triển hệ thống điện tại KCN Cần Thơ vì EVN SPC đã có giải pháp thay thế", Tổng giám đốc EVN SPC cho biết.
|
Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) xác nhận: "Máy biến áp có công suất 63MVA được Công ty vận tải Anh Phương vận chuyển là của một đơn vị thuộc EVN SPC".(ảnh minh họa) |
Có Giấy phép lưu hành đặc biệt!
Ông Nguyễn Hoàng Anh, người đại diện của công ty vận tải Anh Phương (trụ sở trên đường Man Thiện, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP HCM) sáng nay thông tin tới Kiến Thức về thương vụ vận chuyển đang gây nóng dư luận cả nước: "Đây là hợp đồng vận chuyển được ký với đối tác từ tháng 8/2013. Vào thời điểm đó, cơ quan chức năng chưa siết chặt xe siêu trường, siêu trọng nên công ty đã xin giấy phép lưu hành đặc biệt do Cục Quản lý đường bộ 4 cấp".
Theo đó, công ty Anh Phương ký HĐ vận chuyển 3 máy biến áp từ trạm Gò Dầu (tỉnh Bình Dương) về nhà máy ở huyện Đông Anh (TP.Hà Nội) để sửa và sẽ vận chuyển trở lại các trạm biến áp ở miền Nam sau khi sửa xong.
Đến ngày 12/4, khi máy biến áp đầu tiên trên đường từ Hà Nội vận chuyển về trạm biến áp 110kV TP Cần Thơ và khi đến tỉnh Bình Thuận thì bị phát hiện, lập biên bản vi phạm và sau đó, xe được cho tiếp tục lưu thông.
"Thực chất máy biến áp đã qua sử dụng này chỉ còn là khung máy nặng hơn 60 tấn; các thiết bị, chi tiết khác đã được tháo rời, đóng kiện vận chuyển riêng. Do khung máy này nguyên chiếc không thể tháo rời để hạ tải được và hoàn toàn không nặng đến 140 tấn như những thông tin trong nhiều ngày qua", ông Hoàng Anh khẳng định.
Được biết, trong Giấy phép lưu hành đặc biệt do Cục Quản lý đường bộ 4 cấp cho chiếc xe này với nội dung xe đầu kéo có tải trọng 14 tấn, rơmooc 38 tấn và chỉ chở tối đa 41,7 tấn.
"DN mong các ngành chức năng tạo điều kiện để chiếc máy biến áp này (đang ở huyện Bến Lức tỉnh Long An-PV) được phép đưa về cảng Bourbon (Long An) để vận chuyển về TP.Cân Thơ theo đúng hợp đồng đã ký, dù việc thay đổi vận chuyển này sẽ rất tốn kém, thiệt hại cho doan nghiệp", đại diện công ty Anh Phương chia sẻ.
Được biết, vì sự cố vận chuyển máy số 1, hai máy còn lại đã được bốc lên xe ở Hà Nội, nhưng công ty Anh Phương đã cho ngừng lại để tìm phương án hoặc xin phép lại.