Xe đạp đi nhiều càng ùn tắc
Tôi thấy ở Hà Nội và một số thành phố khác, khách du lịch chủ yếu đi taxi, xe ôm. Nếu có thuê xe thì họ thuê xe máy. Phải chăng bản thân doanh nghiệp thấy cho thuê xe đạp không hiệu quả nên họ không mặn mà?
Ở Hà Nội cách đây 20 - 30 năm cũng có những điểm cho thuê xe đạp nhưng do tốc độ đi chậm, dần dần người dân tự trang bị, không thuê. Cho thuê xe đạp chủ yếu phục vụ khách du lịch vì khách du lịch có tour, có danh sách, đảm bảo họ chỉ đi trong 1 - 2 giờ là thanh toán được tiền. Nếu cho thuê xe máy thì còn đòi hỏi giữ giấy tờ và tiền đặt cọc nữa. Nhưng xe đạp giá thành rẻ, tiền đặt cọc sẽ chẳng đáng bao nhiêu, rất khó quản lý khi khách đã lên xe đi. Vậy nên người kinh doanh cũng không mặn mà với việc cho thuê xe đạp.
Nhưng nghe nói, đã có doanh nghiệp nhăm nhe ý định cho thuê xe đạp rồi.
Đơn vị Du Lịch Xanh Đồng Xuân chứ đâu. Họ định đầu tư 250 xe đạp cho thuê. Giá thành của 250 chiếc xe này chỉ bằng đầu tư chiếc taxi. Nhưng cần cân nhắc: Tham gia kinh doanh thì phải xuất phát từ lợi nhuận và những tiêu chí có lợi như xanh sạch đẹp cho môi trường, có lợi cho ngành giao thông vận tải... Có điều, cơ sở hạ tầng để làm việc đó thì tôi cho rằng không khả thi vì: Nếu tổ chức cho thuê xe tập trung thì phải có bãi để cho thuê và tập trung xe về đó.
Thành phố loay hoay mãi để làm cửa hầm tàu điện ngầm đi qua Hàng Ngang - Hàng Đào còn không biết tìm ở đâu, giờ lại tìm khu đất để cho thuê xe đạp trong khu vực này thì chắc là không khả thi. Thứ nữa, nếu các phương tiện đi lẫn lộn với nhau, cả xe máy, xe đạp, ô tô... sẽ không an toàn. Tôi ngồi xe đạp vượt được ngã 5, ngã 7 rất khó vì khi đèn xanh bật lên, xe cọc cạch chưa kịp qua thì đèn đã đỏ rồi.
|
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội. |
Không khả thi
Chủ trương cho thuê xe đạp công cộng cũng có mục đích chống ùn tắc giao thông đấy!
Xe đạp đi chậm, chỉ đi được một người, mật độ phương tiện tăng lên nên vẫn ùn tắc. Giải pháp lập đường đi riêng cho xe đạp thì ở Việt Nam không khả thi.
Tại sao?
Cơ sở hạ tầng không cho phép. Chỉ riêng chuyện làm điểm đỗ xe đạp xe máy trên hè phố mà chúng ta loay hoay hàng chục năm. Chúng ta đi trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào, dù có chỗ dựng xe đạp, nhưng lại chiếm mất diện tích đi bộ của người dân.
Nhìn nhiều nước tiên tiến xe đạp đi trên đường thênh thang mà thèm!
Các vị quan chức đi nước ngoài về cũng thấy ở nước ngoài cho thuê xe đạp. Nhưng thu nhập của người ta như thế nào, cơ sở hạ tầng thành phố, phương thức thanh toán kinh doanh ra sao thì lại không so sánh, mà chỉ thấy thích thì muốn cho bằng người ta, cho nên mới làm Đại lộ Thăng Long to, cuối cùng không có hiệu quả. Rồi làm bảo tàng Hà Nội chổng ngược, đến nay không có gì để trưng bày... Cơ sở hạ tầng của Hà Nội như thế nào mà làm đường riêng cho xe đạp?
Tóm lại, theo ông, đề án cho thuê xe đạp nơi công cộng sẽ không khả thi?
Đúng vậy. Đề án này cho thấy Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề phát triển giao thông bền vững, hài hòa hợp lý các phương tiện vận tải... Đề xuất thế thôi nhưng cũng nên để các doanh nghiệp thí điểm, còn Nhà nước chỉ khuyến khích, hỗ trợ; không dùng ngân sách tài trợ như xe buýt.
|
Hạn chế ô tô không có nghĩa là cấm này nọ, mà chỉ hạn chế trong những giờ cao điểm, ở những đoạn đường nhất định. |
Cấm ô tô cá nhân vào giờ cao điểm?
Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các bộ và 5 thành phố Trung ương triển khai đề án thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng. Để bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thủ tướng đã chỉ đạo các thành phố đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông và vận tải công cộng. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải triển khai đề án tăng cường vận tải công cộng kết hợp, đồng thời điều tiết phương tiện vào trung tâm các thành phố. Bên cạnh đó, các địa phương xây dựng đề án thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm thành phố để khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng.
Như ông phân tích, việc cho thuê xe đạp sẽ không khả thi. Vậy theo ông, để đảm bảo an toàn giao thông và chống ùn tắc cho các thành phố nói chung và các thành phố lớn nói riêng nên triển khai như thế nào? Có thể tập trung vào xe buýt chăng?
Chúng ta phải có lộ trình thích hợp, không thể đi tắt, đón đầu. Chất lượng cuộc sống và thu nhập quốc dân phải tăng lên thì mới giải quyết được. Phương tiện giao thông công cộng phải tiện lợi, phủ kín, bến cách nhà xa nhất khoảng 700m thì người ta mới đi, chứ nếu xa quá, họ đi phương tiện cá nhân. Ở nhiều nước, họ đi như chạy, ra đường mắt chỉ hướng đến bến xe buýt chứ không kề cà... Người dân tự nguyện lựa chọn phương tiện để di chuyển.
Việc hạn chế xe cá nhân hay gặp phản ứng từ dư luận...
Xe ô tô thì thiếu điểm đỗ; họ đỗ khắp nơi. Khách các tỉnh thành về không biết đỗ xe ở đâu vì chỗ nào cũng cấm đỗ. Cho nên phải có nhiều giải pháp đồng bộ và phải có lộ trình. Tôi cho rằng, với xe máy thì dứt khoát chưa động đến vì nó là công cụ làm ăn, công cụ thật sự chứ không phải phương tiện đơn thuần. Không nên bê hình mẫu của các nước phát triển sắp đặt ngay cho việc này mà phải có lộ trình... Nhưng phải hạn chế ô tô. Hạn chế ô tô không có nghĩa là cấm này nọ, mà chỉ hạn chế trong những giờ cao điểm, ở những đoạn đường nhất định.
Ý ông là, hạn chế xe ô tô nói chung hay cụ thể xe nào?
Hiện nay, ách tắc là do xe taxi và ô tô con, đặc biệt là trong ngõ đi ra. Chỉ cần 2 xe tránh nhau là có thể gây ách tắc cả đoạn đường dài. Nhiều xe chỉ là đi đón con. Và một khách trong ngõ gọi taxi thì mấy xe cùng ùa vào. Vì thế, tôi cho rằng phải hạn chế ô tô cá nhân. Còn xe của cơ quan nhà nước, của doanh nghiệp phải để họ đi làm. Dùng xe ô tô riêng cá nhân thì được lợi nhưng với công cộng thì thiệt hại.
Người ta có xe mà hạn chế đi thì bất lợi cho người ta quá!
Hạn chế theo giờ thôi. Thứ 7, chủ nhật hay ra ngoại thành thì anh đi thoải mái, nhưng trong nội thành thì chỉ được đi theo giờ; vào giờ cao điểm nên cấm. Anh phải đi trước hoặc sau giờ cao điểm. Cái ngõ nơi có trụ sở Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, ô tô 16 chỗ vẫn vào, nhưng từ khi tôi làm vận tải, tôi không bao giờ đi vào bằng ô tô vì như vậy là ảnh hưởng đến mọi người, xây xát xe và khổ lái xe.
Dù hạn chế xe ô tô cá nhân vào giờ cao điểm, nhưng còn taxi. Người ta kinh doanh, làm ăn mà lại cấm vào giờ này giờ nọ thì khó cho họ?
Có thể cấm họ vào phố cổ và một số phố chật hẹp. Chỉ cấm có điều kiện ở những khu vực nhất định, ở thời điểm nhất định thôi. Tốt nhất khi nhận cuộc gọi vào giờ cao điểm, lại đến tuyến phố chật hẹp, phải vào ngõ thì nên từ chối. Tôi biết, nhiều lái xe cũng không muốn đi vào giờ cao điểm, tới nơi chật hẹp vì sợ kẹt xe và tốn xăng dầu.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
Trao đổi với báo chí về thông tin sẽ có lộ trình cấm xe máy tại các đô thị lớn trong thời gian tới, ông Masayuki Igarashi, Tổng Giám đốc Công ty Honda Việt Nam hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho biết: "Nếu Chính phủ Việt Nam đưa ra biện pháp hạn chế cưỡng bức phương tiện xe máy tại các đô thị lớn, chúng tôi sẽ phải xem xét chuyển hướng sản xuất sang những mẫu xe máy cho thị trường nông thôn, đồng thời giảm những dòng xe mới hiện đại, công nghệ tiên tiến đang phục vụ cho đô thị. Chúng tôi sẽ cố gắng đóng góp ý kiến với Chính phủ Việt Nam để xây dựng một ngành công nghiệp xe máy phát triển lành mạnh hơn".
(Trích nội dung trao đổi trong cuộc họp báo ra mắt VAMM tại Hà Nội ngày 19/2)