Kỳ bí chùa cổ trên mình rồng xôn xao ở Bắc Giang

Google News

(Kiến Thức) - Ngôi chùa cổ Cao Long hàng nghìn năm tuổi (ở xã Thanh Lâm, Lục Nam, Bắc Giang) tọa lạc trên lưng con rồng mà thoáng nghe, ngỡ như thần thoại.

Đất thiêng xây chùa
Câu chuyện về chùa Cao Long đã nổi tiếng với nhiều sự lạ lùng mà ít ai có thể giải đáp thoả đáng. Càng cố đi sâu vào những câu chuyện để giải thích thì người ta lại càng rơi vào thế bí.
Ngay cả việc chùa được xây trên mình rồng là tốt hay xấu cũng đã gây nhiều tranh cãi. Nhưng điều mà ai cũng khẳng định và công nhận rằng, chùa được xây trên lưng rồng là sự thật. Đó là đỉnh núi có tên Cao Long, sau đổi tên là núi Chùa vì chùa được xây trên đó.
Bà Hiển chỉ ngôi mộ bà Thủ Hộ bị hổ ăn thịt năm 1942. 
Tương truyền, núi Cao Long là một trong những huyệt mạch quan trọng mà Cao Biền đã phát hiện ra và trình tấu thư lên triều đình phương Bắc hòng bàn cách yểm huyệt triệt tiêu nhân tài. Câu chuyện về sau thế nào thì không ai nhắc tới nhưng cùng với hệ thống long mạch quan trọng khác chạy dài từ núi Tản Viên (Ba Vì) thì núi Cao Long gần như điểm cuối trước khi mạch núi kết thúc.
Theo thế đất, các nhà phong thuỷ nhận ra núi Cao Long tựa như một con rồng nhỏ. Lưng con rồng nhô lên uốn lượn giữa những dải đất bằng phẳng. Một cao tăng thời kỳ đó biết đây là huyệt vượng mới cùng sư sãi xây dựng một ngôi chùa trên đỉnh núi đặt tên là Long Cốt Tự.
Cụ Nguyễn Văn Khánh (80 tuổi) là thủ từ tại đây cho biết: “Gia phả của làng ghi chép trước kia ngôi chùa này rất bề thế, thu hút hàng trăm cao tăng khắp nơi đến tu luyện. Người địa phương còn câu nói ví là “nhất Kinh Kỳ, nhì Thượng Lâm”, tức ngôi chùa này to thứ hai Kinh Bắc ngày xưa. Lúc còn bề thế, chùa có tới hơn một trăm gian, làm toàn bằng gỗ quý nhưng rồi chiến tranh loạn lạc, chùa chỉ còn lại phế tích là các chân móng chìm sâu dưới lòng đất”.
Ba lần đổi cổng
Lược đếm ở Việt Nam, để có một ngôi chùa xây trên lưng con rồng không có được nhiều, nếu không muốn nói Long Cốt Tự là ngôi chùa duy nhất. Tuy nhiên, đó cũng là chủ đề gây nhiều tranh cãi giữa các cao tăng và các nhà phong thủy. Họ đặt ra câu hỏi: Liệu xây chùa trên lưng rồng là tốt hay xấu?
Cụ Nguyễn Văn Khánh cho hay: “Từ nhỏ, tôi đã được đọc gia phả trùng tu chùa và nghe các cụ kể lại những chuyện liên quan đến phong thủy của chùa. Có rất nhiều chuyện kỳ lạ ở ngôi chùa cổ này mà nó làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người trong vùng. Trong đó, câu chuyện về hướng cổng chùa làm cho trai gái trong làng ế chồng ế vợ nhiều năm liền”.
Vì thế, dân gian có câu “toét mắt là tại hướng đình/cả làng toét mắt chứ mình em đâu”. Sau đó, có một thầy địa lý người Tàu sang du ngoạn mới dừng chân tại chùa. Thấy hướng cổng không thích hợp, ông bảo cao tăng đổi lại.
Cổng trước hướng ra phía Bắc thì đổi lại về hướng Tây. Từ khi đổi cổng, con trai của làng bỗng dưng “toét mắt, tóc xoăn” và xấu lạ thường. Ngược lại, con gái thì đẹp ra như tiên nữ. Vì thế, trai làng không bao giờ lấy được con gái trong làng mà hoặc ế hoặc cưới vợ xấu làng khác. Con gái đẹp trong làng lấy chồng ở đô thành hoặc gả cho con nhà quyền quý.
Việc này diễn ra trong nhiều năm liền khiến dân làng nghi hoặc cho rằng, thầy địa lý đã chơi xỏ nên tiếp tục đổi cổng sang hướng Đông. Từ đó, trai làng không còn bị mắt toét hay xoăn tóc nữa mà ngược lại rất khôi ngô nên hầu hết đều lấy nhiều vợ. Gái làng xưa rất đẹp, từ khi đổi cổng thì lại không còn mượt mà nên ế chỏng ế chơ.
Sốt ruột và lo lắng, cuối cùng sư trụ trì quyết định cùng dân làng đổi cổng về hướng Nam. Từ đó, trai gái trong làng cân bằng, không quá xấu cũng chẳng quá đẹp. Họ lại yên ổn làm ăn cầy cuốc quanh luỹ tre làng. Đến nay, các dấu tích của ba lần đổi cổng vẫn còn nguyên vẹn. Chỉ cần vén lớp cỏ lên là có thể thấy rõ.
Vết tích ba lần đổi cổng nay vẫn còn. 
Rắn mào canh giữ bảo tháp
Hiện nay, chùa Long Cốt Tự gần như chỉ còn phế tích. Tuy được Bộ VH-TT&DL quan tâm cấp bằng Di tích Quốc gia nhưng tất cả hiện vật xưa không còn tồn tại. Trong khuôn viên chùa trên đỉnh núi chỉ còn lại ba ngôi bảo tháp cổ là mộ của ba đời trụ trì chùa.
Bà Hồ Thị Hiên là người quét dọn vườn tược của Long Cốt Tự cho biết: “Năm 1943 thì chùa vẫn còn khá nguyên vẹn. Bao quanh chùa là rừng rậm với nhiều hùm beo thú dữ. Năm 1942 ở đây có bà tên là Thủ Hộ bị hổ ăn mất nửa người, hiện mộ bà ấy vẫn còn trong khuôn viên chùa”.
Trong chiến tranh, chùa bị tàn phá nên không ai trông coi bảo quản. Một số người tự ý lên chùa lấy đá xanh, đỉnh đồng, gỗ lạt đều bị quả báo. Người bị điên, kẻ bị chết bất đắc kỳ tử. Tuy người ta không đổ tội cho nạn nhân vì đã mạo phạm nhưng trong tâm trí thì ai cũng hiểu “của chùa lấy một đền mười”.
Có rất nhiều kẻ hám của còn lên chùa đào bới lục tung tất cả để mong tìm kiếm cổ vật hoặc vàng bạc. Theo bà Hiên: “Vào những năm sau chiến tranh, có mấy người đến tìm vị trí gốc cây khế già rồi đánh dấu. Đêm đến họ đào sâu chừng một mét nhưng người làng không thấy mà chỉ nghe tiếng hét thất thanh vọng xuống mà thôi. Sau đó, chùa còn hai lần bị đào bới nữa”.
Nhiều người nhìn thấy rắn mào trong bảo tháp. 
Vào trước năm 2000, hai thanh niên nhà gần chùa lên bắt rắn ở bảo tháp. Một con rắn hổ mang màu xám, trên đầu có mào lao ra cắn cho anh Luyến một nhát vào tay. Anh Luyến được cấp cứu kịp thời nhưng điên dại một thời gian dài. Về sau, gia đình phải lên trả lễ thì anh Luyến bình phục trở lại.
Anh Luyến công nhận với chúng tôi chuyện đó. Anh cũng nhớ như in chuyện xảy ra. Ba bảo tháp ở vườn ngôi chùa đều có ba con rắn mào bên trong. Chẳng biết là rắn bảo vệ tháp hay chúng chỉ trú ngụ ở đấy nhưng đã khiến anh Luyến và các thợ bắt rắn trong vùng khiếp đảm. 
Bà Hiển kể: “Nhiều lúc quét dọn gần khu bảo tháp, tôi còn nghe thấy tiếng phì phì bên trong. Có lần còn thấy một con rắn lớn, dài ba bốn mét, thân màu trắng đục, đầu có mào đỏ như tiết trườn bò ra ngoài. Chúng dựng người đứng thẳng nhìn mọi vật xung quanh rồi lại bò vào”.
Ông Dương Văn Nam, Trưởng thôn Thượng Lâm cho biết: “Mấy con rắn ở bảo tháp của chùa đã tồn tại rất lâu rồi. Người ta bảo phải trên 100 năm, tức là từ khi chùa chưa bị tàn phá. Việc rắn cắn người cũng là có thật. Bây giờ họ hoặc bỏ nghề hoặc đi nơi khác kiếm ăn chứ không dám lên chùa để hành nghề”.
“Chùa Long Cốt Tự là một trong những ngôi chùa cổ nhất nhì miền Bắc và được Bộ VH-TT&DL cấp bằng công nhận là di tích Quốc gia. Chùa còn có nhiều câu chuyện mang tính thần thoại, mà cứ đời này truyền đời kia. Nhưng hầu hết những chuyện lạ lùng đều chỉ là tin đồn, ít sự thực và không bằng chứng”.
Ông Trương Văn Lưu (Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm)
Trần Hoà

Bình luận(0)