Hiện có thông tin cho rằng, Trung Quốc đang có động thái lập hồ sơ “Con đường tơ lụa trên biển” để trình lên Ủy ban Di sản Thế giới thuộc Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) để xin công nhận di sản văn hoá của nhân loại, với mục đích là bảo vệ các địa điểm khảo cổ ở Biển Đông.
Vậy mưu đồ này của Trung Quốc nham hiểm như thế nào, giá trị pháp lý của những lập luận mà Trung Quốc đưa ra ra sao chiếu theo luật pháp quốc tế, đây có thể xem là căn cứ để họ ngang ngược khẳng định chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam hay không? Việt Nam cần đưa ra những biện pháp gì để đối với với hành động này của Trung Quốc?
|
Một nhà khảo cố được cho là đang thăm dò một chiếc tàu bị chìm ở biển Đông. |
Trao đổi với Kiến Thức, Luật sư Trần Công Trục, thành viên Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, cho rằng, âm mưu của hành động này là cố lôi kéo vùng Biển Đông trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào hồ sơ như một địa danh gắn liền với “con đường tơ lụa trên biển”. Qua đó, Trung Quốc muốn chứng minh rằng người Trung Quốc đã từng đến Hoàng Sa và Trường Sa từ rất sớm, từ đó để Trung Quốc chứng minh chủ quyền của mình đối với hai quần đảo trên của Việt Nam.
Trung Quốc từng công bố nhiều thông tin về khảo cổ mà họ nói đã tiến hành khai quật ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, độ tin cậy của những “cổ vật” mà họ công bố đến đâu, thật giả ra sao, có lẽ cần được xác minh làm rõ. Nhưng phải nói ngay rằng, tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thiếu những xác tàu đắm và ẩn chứa trong đó là những cổ vật bị đắm chìm theo những con tàu xấu số đó vào các thế kỷ trước. Bởi vì quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là vùng biển có nhiều đá ngầm, bãi cạn san hô, được các nhà hàng hải ghi chú trên các hải đồ là “khu vực nguy hiểm”; tàu thuyền đi qua đây nếu không thông thuộc đường biển dễ bị mắc cạn, chìm đắm… Trong sử sách của Việt Nam cũng đã ghi nhận sự thật này. Với tư cách là quốc gia có chủ quyền, các triều đại phong kiến Việt nam đã tổ chức ra đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải để làm nhiệm vụ quản lý và khai thác khu vực Hoàng Sa, trong đó có nhiệm vụ thu lượm các hàng hóa từ các tàu đằm như gươm, ngựa bằng đồng, hoa bạc, tiền bạc, vàng bạc, đồ đồng thiếc khối, chì đen, khẩu súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ… Trong cuốn Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn đã ghi rõ:
- Năm Nhâm Ngọ (1702) đội Hoàng Sa lượm được 30 thỏi bạc.
- Năm Giáp Thân (1704) lượm được 5100 cân thiếc.
- Năm Ất Đậu lượm được 126 thỏi bạc.
- Còn từ năm Kỷ Sửu (1709) đến năm Quý Tỵ (1713) lượm được đồi mồi, hải sâm, mấy khối thiếc, mấy bát đá, vài khẩu súng đồng…
|
Luật sư Trần Công Trục. |
Tuy nhiên, phải hiểu rằng ai là chủ nhân của những “cổ vật” đó theo quy định của Luật pháp quốc tế. Tại điều 303 của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 đã quy định thẩm quyền của quốc gia ven biển đối với các hiện vật có tính lịch sử và khảo cổ nằm trên đáy biển của vùng tiếp giáp lãnh hải. Để kiểm soát việc mua bán các hiện vật này, quốc gia ven biển có thể coi việc lấy các hiện vật đó từ đáy biển của vùng tiếp giáp lãnh hải mà không có sự thoả thuận của mình là vi phạm các luật và quy định của quốc gia ven biển ở trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình.
Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là của Việt Nam. Vì vậy, mọi việc tiến hành khai quật các cổ vật trong vùng biển này là hoàn toàn vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam phải lên tiếng phản đối và kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình.
“Tôi cho rằng Trung Quốc rất hiểu điều này. Tuy nhiên, họ vẫn cố tình công khai những hành vi trên và tìm cách đề nghị các tổ chức quốc tế công nhận, là một trong những thủ đoạn của Trung Quốc trong việc tìm cách giành lấy sự công nhận trên thực tế “chủ quyền của Trung Quốc ở Tây Sa…”. Có thể nói đây là kế sách vô cùng nham hiểm của họ trên phương diện pháp lý.
Vì vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng việc Trung Quốc khai quật và có trong tay những cổ vật khai quật nói trên là thiếu căn cứ pháp lý, là vi phạm chủ quyền của Việt Nam”, ông Trục khẳng định.
Cũng theo Luật sư Trần Công Trục, để đối phó với hành vi ngang ngược, nham hiểm này của Trung Quốc, Việt Nam cần phải kịp thời lên tiếng phản đối và bảo lưu quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đặc biệt là nên có công hàm gửi lên UNESCO trình bày rõ quan điểm của mình về hành vi sai trái này của Trung Quốc. Việc này là rất cần thiết, quan trọng và cấp bách vào lúc này, ngay khi chúng ta xác minh được thông tin trên. Bởi vì, nó chứng minh ý chí của nhà nước Việt Nam đối với chủ quyền của mình với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không bao giờ thay đổi.