18 chiến sĩ của Trung đoàn không quân 916, Sư đoàn không quân 371 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân tử nạn trong vụ rơi trực thăng Mi-171 số hiệu 01, đã hòa vào lòng đất mẹ. Và chuyên mục Cafe đầu tuần của Kiến Thức viết tiếp chuyện về các anh qua cuộc đối thoại với Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam.
|
Trực thăng Mi -171. |
Mi-171 rơi là tai nạn thảm khốc nhất ở thời điểm hiện tại
- Thưa thiếu tướng, vụ Mi-171 rơi vừa qua khiến 18 chiến sĩ hi sinh, nhiều người đánh giá đây là vụ tai nạn thảm khốc nhất trong lịch sử Không quân Việt Nam, ông nghĩ sao về điều này?
Trực thăng Mi -171 gặp tai nạn, khiến 18 chiến sĩ hi sinh - là rất thảm khốc ở thời điểm hiện tại. Đó là sự tổn thất lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên máy bay quân sự gặp nạn. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước từng có nhiều vụ máy bay Mi -8, Mi- 17 bị rơi. Trong lịch sử hàng không thì vụ máy bay rơi ngày 15/3/1978 tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) là thảm khốc nhất, hơn 50 người trên chuyến bay đã thiệt mạng. Cách đây hàng chục năm, vụ máy bay rơi trên địa phận nước Lào cũng khiến hàng chục chiến sĩ ta hi sinh.
- Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, sự cố kỹ thuật là nguyên nhân chính khiến máy bay rơi, không phải là phá hoại từ bên ngoài. Thiếu thướng nhìn nhận thế nào?
Nhiều thông tin cho rằng, trực thăng Mi-171 trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là máy bay tốt, đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, khi chưa tìm được nguyên nhân chính xác dựa trên kết quả phân tích nguyên nhân tai nạn từ hộp đen thì không loại trừ bất cứ khả năng nào, kể cả việc có bàn tay phá hoại từ bên ngoài hay không.
Chiến sĩ Mi-171: Chết... vẫn phải tìm cách chết có lợi cho dân
- Khi trực thăng trục trặc, lẽ ra phải hạ cánh để đảm bảo an toàn, nhưng do vị trí ở giữa khu chợ và khu đông dân cư, nếu cho hạ cánh xuống thì sẽ gây thiệt hại cho nhiều người nên phi công và tổ lái đã cố gắng kéo trực thăng lên cao để tránh xa khu vực; khi đến khu đất trống thì trực thăng lại không đủ điều kiện để hạ cánh nên dẫn đến tai nạn thảm thương. Bản lĩnh của phi công và tổ lái thật đáng khâm phục?
Họ là những chiến sĩ bản lĩnh, sẵn sàng hi sinh, chứ không để nhân dân hi sinh. Họ biết là sẽ chết nhưng tìm cách chết nào đó có lợi nhất cho nhân dân. Những hành động này không chỉ các chiến sĩ trên trực thăng Mi-171 lựa chọn, mà đó còn là những hành động trong quá khứ của các phi công Việt Nam. Trong nhiều vụ tai nạn Mi-8, Mi- 17 trước đây, khi trực thăng gặp nạn, dù bị thương phi công vẫn cố lết máy bay ra khỏi khu vực dân cư.
|
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến viếng các chiến sĩ. |
Chúng tôi cũng nhiều lần làm nhiệm vụ với những người lính không quân nên thấu hiểu. Khi máy bay có sự cố, nó sẽ bay với tốc độ cao. Khi đó, phi công phải có bản lĩnh cao cường, bình tĩnh mới có thể cứu một số sống sót được, nếu không đều đi hết. Các chiến sĩ trên máy bay Mi -171 chưa đạt đến tầm bản lĩnh cao cường để cùng nhau cứu máy bay. Nhưng họ có bản lĩnh đối mặt với cái chết để không làm ảnh hưởng đến nhân dân. Họ sẵn sàng hi sinh chứ không để nhân dân hi sinh.
Thực tế đã chứng minh, trong bất cứ tình hình nào, dù ở mặt đất hay trên không hoặc trên biển, máy bay, tàu, xe tăng hay xe tải khi gặp sự cố thì tất cả mọi người từ chỉ huy đến binh nhì đều bình tĩnh, sẵn sàng chấp nhận hi sinh chứ nhất định không để nhân dân hi sinh. Đó là phẩm chất tốt đẹp được truyền qua nhiều thế hệ chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam.
- Ngay sau khi vụ tai nạn thương tâm xảy ra, Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc Phòng đã nhanh chóng vào cuộc, hỗ trợ kịp thời các chiến sĩ và thân nhân chiến sĩ gặp nạn, Thiếu tướng có muốn nói thêm điều gì?
Khi vụ tai nạn thương tâm xảy ra, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cơ quan bộ ngành đã có những biện pháp tích cực trong việc điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, thăm hỏi động viên, hỗ trợ thân nhân các gia đình có người bị nạn… Những hành động đó thể hiện cái nghĩa cái tình với những người con của đất nước đã anh dũng hi sinh.
Ngay trong lễ tang các nạn nhân được tổ chức trang trọng. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng tổ chức trang trọng và nghiêm túc thể hiện niềm đau xót chân thành với các chiến sĩ đã hi sinh. Được nhân dân đánh giá cao. Đó là một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam cần được duy trì.
|
Thiếu tướng Lê Mã Lương. |
Rút ra bài học nào từ tai nạn Mi-171?
Vụ tai nạn khiến 18 chiến sĩ hi sinh là do trực thăng Mi-171 bị lỗi kỹ thuật, Thiếu tướng đánh giá sao về chất lượng các máy bay quân sự ở Việt Nam hiện nay?
Mi-171 lịch sử ra đời từ Mi-8 và Mi-17 những năm 50 của thế kỷ trước. Mi-17 là loại máy bay trực thăng vận tải hai động cơ cỡ trung bình, được đánh giá cao ở sự đa năng, tiện dụng. Hiện nay ở Việt Nam, Mi-171 vẫn thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn, và thậm chí dùng chuyên chở các lãnh đạo ban bộ ngành đi công tác. Đây được đánh giá là loại trực thăng có hệ số an toàn cao. Tuy nhiên, việc Mi-171 là do lỗi kỹ thuật nên cũng khó có thể nói có hay không việc chất lượng máy bay quân sự thấp hay cao. Kể cả khi máy bay quân sự mới nhưng không có kiểm tra theo đúng quy chuẩn thì sẽ còn trường hợp máy bay bị rơi như thế này.
- Kiểm tra đúng quy chuẩn, có nghĩa yếu tố về mặt con người trong an toàn bay là rất quan trọng?
18 chiến sĩ hi sinh có thể nói là chuyện hy hữu của trực thăng nhưng đó là lời cảnh báo cho nhiều cán bộ phụ trách về kỹ thuật. Có một thực tế, đối với hàng không nói chung, Không quân Việt Nam nói riêng, chúng ta hiện đang sử dụng nhiều loại máy bay trong trạng thái cũ, trừ một số máy bay mới. Nhưng kể cả cũ hay mới nếu không lưu ý trong quy trình bảo vệ an toàn nghiêm ngặt thì vẫn có thể xảy ra tai nạn. Vấn đề quan trọng nhất là quy trình về mặt bảo dưỡng kiểm tra kỹ thuật phải có đội ngũ cán bộ chuyên về vấn đề này có năng lực, tâm huyết. Yếu tố về mặt con người là rất quan trọng.
Xin cảm ơn thiếu tướng Lê Mã Lương về cuộc đối thoại này!