Vật vã cai sữa mẹ “ngân sách” cho con đẻ!

Google News

(Kiến Thức) - Theo PGS.TS Hoa Hữu Lân, ngân sách đã đến mức báo động đỏ, nợ công quá lớn, thì lấy đâu mà rót cho những đứa con khát sữa nữa?

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý người giữ các chức danh quản lý tại các tập đoàn, tổng công ty (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước). Dự thảo quy định chủ tịch hội đồng thành viên, các thành viên hội đồng thành viên, tổng giám đốc, giám đốc, phó tổng giám đốc, phó giám đốc các tập đoàn, tổng công ty không tham gia giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý ở cơ quan quản lý nhà nước. Điều này đồng nghĩa với việc các quan chức nhà nước không được kiêm nhiệm chức danh quản lý này tại các tập đoàn, tổng công ty.
Được thì ăn, không thì thôi, chẳng chết ai!
Là một chuyên gia kinh tế, ông đánh giá thế nào về giải pháp này?
Dự thảo này xuất phát từ thực tế về hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian vừa qua. Kinh doanh không hiệu quả, quản lý yếu kém, khiến tập đoàn, tổng công ty này không trở thành quả đấm thép của nền kinh tế như kỳ vọng. Hàng loạt các vụ việc ở Vinashin, Vinalines, các ngân hàng... đã được phanh phui và xử lý hình sự. Bản chất của việc này là do chúng ta chưa tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng quản lý kinh doanh. Hãy “trả lại tên cho em”. Hãy để các tập đoàn, tổng công ty tự bơi. Không thể kéo dài tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” mãi được.
Ông có thể nói rõ hơn về cái được gọi là “vừa đá bóng vừa thổi còi”?
Trước đây ta có thể phân công, luân chuyển những công chức đang làm công tác quản lý nhà nước trực tiếp hoặc kiêm nhiệm làm tổng giám đốc một tổng công ty nhà nước, đây chính là một hình thức vừa đá bóng vừa thổi còi. Anh vừa là trọng tài, vừa là cầu thủ, thì ai là người bắt lỗi đây? Bằng quyền lực trong tay, anh ta sẵn sàng che lấp đi những cái lỗ, lãi trong kinh doanh. 
Từ đó tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp khác?
Để tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường thì giữa các thành phần kinh tế, các chủ sở hữu phải bình đẳng với nhau. Thế nhưng thực tế thì giữa công ty nhà nước với các thành phần kinh tế khác nó giống như con đẻ và con nuôi vậy. Các tập đoàn, tổng công ty vốn nhà nước sử dụng ngân sách để kinh doanh và được hưởng những đặc quyền... dẫn đến tâm lý ỷ lại, kém năng động nên kinh doanh được thì ăn, không được thì thôi, chẳng chết ai! 
Mô hình tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước tồn tại rất lâu rồi, theo ông tại sao đến bây giờ người ta mới tính đến chuyện làm sao cho nó hiệu quả?
Nó có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết liên quan đến lợi ích nhóm. Sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích dẫn đến ung nhọt tồn tại rất lâu. 
PGS.TS Hoa Hữu Lân, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội. 
Hy vọng còn có thể trục vớt
Vụ án Dương Chí Dũng đang được xét xử với sự quan tâm đặc biệt của dư luận, phải chăng những sai phạm ấy cũng bắt nguồn từ việc không rõ ràng giữa quản lý và kinh doanh trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước?
Thì đúng thế. Nó thể hiện sự yếu kém trong quản lý, bao nhiêu lùm xùm còn đó thì đùng cái lại được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng Hải. Thế mà sau đó họ vẫn nói bổ nhiệm đúng quy trình. Cũng may mà phát hiện sớm chứ không thì... Thế nên tôi mới nói vấn đề nó là thể chế mà thôi.
Việc tách bạch vai trò của lãnh đạo như dự thảo, trong lý thuyết quản lý kinh tế, hẳn là nó đã có rồi?
Đây rõ ràng không phải là phát kiến mới mà nó có sẵn từ rất lâu trong các lý thuyết về kinh tế thị trường. Người ta biết cả đấy! Vấn đề là vận hành nó như thế nào hoặc là có dám vận hành nó hay không mà thôi. Phải từ bỏ được lợi ích nhóm.
Phải chăng, dự thảo này đã nhìn thấu bất cập?
Việc đưa ra dự thảo này, tôi nghĩ là một tín hiệu đáng mừng. Trải qua một quá trình vật vã, trả giá thì đến bây giờ ta mới nhận ra, mới thấy đó là nguyên tắc đúng.
Theo ông đó là cái giá đắt hay rẻ?
Tôi không quan niệm thế nào là đắt, là rẻ. Tôi nhớ đến câu thơ: “Hôm nay ta đi vẫn chưa là sớm/Cất bước hành quân đã vạn năm rồi/Hôm nay ta đi vẫn chưa là muộn/Cuộc hành quân này vẫn mãi chưa thôi”. Cũng chưa biết như thế nào là sớm, là muộn, đắt, rẻ, nhưng làm được đã là đáng mừng rồi. Đến bây giờ mới làm có thể là hơi muộn rồi, nhưng cũng vẫn còn có hy vọng là nó sẽ cứu vãn, trục vớt và đưa nền kinh tế vận hành đúng theo quy luật.
Phải “cai sữa” ngay thôi
Phải chăng, đưa ra vấn đề tách bạch quản lý và kinh doanh ở các tập đoàn, tổng công ty thời điểm này là bởi “bầu sữa mẹ” ngân sách đã gần cạn kiệt rồi?
Đúng thế. Nếu “bầu sữa mẹ” này vẫn chảy ra một cách dào dạt thì có lẽ là người ta chưa nghĩ đến chuyện này đâu. Ngân sách đã đến mức báo động đỏ, nợ công quá lớn, thì lấy đâu mà rót cho những đứa con khát sữa nữa?
Vậy đây là thời điểm tự cắt đi những u nhọt trên cơ thể mình?
Đúng thế, phải kiên quyết cắt đi những u nhọt này. Nếu không cắt thì chính sự vận động của kinh tế thị trường cũng sẽ khiến nó tự chết. Phải cai sữa ngay thôi. 
Theo ông thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc để cho ung nhọt cứ tồn tại đến nay?
Lỗi cơ chế, chính sách. Chúng ta đã nhìn nhận không đúng về các khâu này. Vận hành chưa đồng bộ, chưa đúng hướng nên đã gây ra những hậu quả như vậy. 
Vậy nếu có một thể chế rõ ràng minh bạch, theo ông nó sẽ khắc phục được những yếu kém đang tồn tại?
Nếu có một thể chế rõ ràng minh bạch thì không thể có những người như Dương Chí Dũng được. Lỗ hổng thể chế làm cho những kẻ bất tài lợi dụng, họ chỉ nhăm nhăm làm giàu cho bản thân và gia đình chứ không nghĩ đến việc làm giàu cho đất nước.
Sẽ phải sửa cái lỗi thể chế ấy như thế nào thưa ông?
Chúng ta đang sửa bằng cách tổ chức thi tuyển công chức cấp cao. Chọn người có tài và có tâm mà quản lý thì nó sẽ không bê bết như bây giờ. Có một thể chế minh bạch sẽ có môi trường thuận lợi để phát huy cạnh tranh.
Xin cảm ơn ông!
Trong hoàn cảnh nền kinh tế hiện nay, hội nhập là tất yếu. Không có một quốc gia đóng kín độc lập. Đến năm 2015, các thành viên ASEAN sẽ mở cửa theo quy ước mậu dịch tự do, thuế xuất nhập khẩu giữa các nước này sẽ bằng không. Hàng của các nước vào Việt Nam không chịu thuế, hàng Việt Nam sang các nước ASEAN cũng vậy. Tôi có yêu nước đến bao nhiêu thì cũng không thể mua một chiếc xe máy do Việt Nam sản xuất với giá 1.000USD với chất lượng tồi, trong khi đó xe của Thái Lan sản xuất chỉ có 500USD mà chất lượng vượt trội. Lúc đó, tự các doanh nghiệp sẽ phải vận động. Chứ cứ cậy có “bầu sữa mẹ”, đủng đỉnh “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”, giá tăng, chất lượng kém thì bán cho ai, tồn tại với ai? Đã đến lúc phải thay đổi.
Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)