Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi thôn Yên Lập Đông với cái tên khác là “làng chết trẻ”, bởi từ khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều thanh niên trong làng vì một số lí do nào đó như nghiện ngập, bệnh tật, tai nạn mà chết. Từ đó, những người cuồng tín cho rằng, nguyên nhân việc này là do thần thánh trừng phạt vì đình bị phá, long mạch của làng bị đứt...
Lập đàn cúng giữa đêm giao thừa
Theo lời ông Cao Ngọc Thực, Trưởng thôn Yên Lập Đông thì những câu chuyện rắc rối, mê tín dị đoan khởi phát từ năm 2012 với sự kiện một nhóm người do ông Nguyễn Trung Úy cầm đầu tự ý xông vào vườn của một hộ dân trong thôn, cạnh điểm trường tiểu học Minh Thành xếp gạch dựng nhà, lập bát hương thờ cúng giữa đêm giao thừa. Ông Úy ngang ngược đòi đất của người khác và dẹp cả trường học đi để xây đình. Trong khi trước đó, chính ông Úy đã ký tên vào đơn xin cấp đất xây đình ở khu vực Miếu Cây Cộng, cách khu trường học khoảng 1km và đã được Nhà nước cấp 5.000m2 để xây đình.
Vụ việc này bị ông Trần Văn Sáu, em trai chủ sở hữu mảnh đất phản đối kịch liệt và báo cáo lên chính quyền địa phương. Ngay sau đó, chính quyền đã đến dẹp, nhưng không hiểu vì lí do nào mà việc lập đàn cúng tế quỷ ma, thần thánh vẫn cứ diễn biến phức tạp suốt từ cuối năm 2012, đầu 2013 cho đến nay.
|
Một khu lán mới được những người mê tín dựng lên làm nơi thờ cúng. |
Cướp đất trường học để buôn thần bán thánh
Ông Trần Văn Sáu kể lại: “Thời điểm ông Úy đột nhập vườn em trai tôi vào khoảng giữa đêm giao thừa năm 2012 – 2013, lúc đó tôi ngồi trong nhà nhìn ra vườn thì thấy ông Úy cùng vài người nữa đang hì hục nhặt gạch chỉ xếp tường làm nơi thờ cúng. Tôi đã đuổi họ ra khỏi vườn. Tuy nhiên, một vài hôm sau, cũng nhóm người này tiếp tục xông vào khu vườn, dùng những tấm tôn làm chòi tạm rồi lập ban thờ. Từ đó, một số người bị ông Úy lôi kéo đã đòi xây đình ngay trong vườn em trai tôi và dẹp cả trường học đi nơi khác, khiến chúng tôi rất bức xúc”.
Để minh chứng cho những hành động ngang ngược, buôn thần bán thánh của nhóm người bất hảo, ông Thực dẫn chúng tôi đến chiếc chòi nhỏ ngay cạnh điểm trường tiểu học Minh Thành. Nói là đình nhưng thực chất chỉ là chiếc chòi tạm rộng khoảng 10m2, quây xung quanh bằng những tấm tôn. Giữa chòi bày một ban thờ dài hơn 1m, với hoa quả, vàng, hương... Cách ban thờ khoảng 2m có một phiến đá dài khoảng 1,5m cùng móng gạch chỉ rêu mốc.
Ông Thực cho biết: Vị trí chiếc chòi mà người ta gọi là đình này chính là hậu cung của ngôi đình cũ. Tuy nhiên, năm 1967 – 1968 đình bị tàn phá, đất đình được trưng dụng làm nơi dạy học. Sau này, phần đất còn lại của ngôi đình xưa được chính quyền chuyển đổi thành đất thổ cư, chuyên dùng rồi cấp sổ đỏ cho bà con nhân dân trong làng. Vì thế những người tự ý vào đất nhà người khác lập ban thờ, đình miếu là hoàn toàn sai trái.
|
Một phiến đá lớn, là dấu tích của đình làng cũ. |
Dựng đình, hàn long mạch
Khi tìm hiểu nguồn gốc gây nên sự hỗn loạn, chia bè kết cánh ở thôn Yên Lập Đông về việc xây dựng đình, miếu, một số người dân cho rằngrước đây, khi đình làng chưa bị phá, dân làng Yên Lập có cuộc sống thanh bình, yên ổn, thậm chí khi giặc ném bom đánh phá quê hương cũng không có ai chết. Nhưng từ khi ngôi đình bị phá, cuộc sống người dân dần trở nên xáo trộn do có quá nhiều người còn trong độ tuổi thanh xuân mà đã lũ lượt theo nhau về nơi chín suối. Người thì chết vì tai nạn giao thông, uống thuốc độc tự tử, bị xe tải cán chết...
Vì cho rằng, dân làng không thờ cúng thần hoàng làng cho nên mới bị quấy phá, gặp kiếp nạn chết chóc thương tâm, để yên ổn, một nhóm khoảng 30 người do ông Nguyễn Trung Úy, bà Đào Thị Luyện cầm đầu đã tổ chức một cuộc cúng tế linh đình ở làng nhằm thoát khỏi kiếp nạn chết người. Thế nhưng, sau lễ cúng vẫn không thấy người làng chết bớt đi mà vẫn đều đều như cũ.
Tiếp sau đó, có người đi xem thầy bói rồi bảo rằng: Làng có nhiều người chết là vì đứt long mạch do việc thi công các công trình đường xá, cầu cống gây nên, muốn hóa giải kiếp nạn thì phải xây lại đình làng và lên Chùa Đồng trên núi Yên Tử cầu cúng thì mới được. Nghe theo lời thầy bói, nhóm này lại tiếp tục hành quân đến Chùa Đồng trên núi Yên Tử cầu khấn, sau đó lại tổ chức một lễ cúng nữa bên bờ đê nhằm tăng “độ” linh thiêng, hóa giải kiếp khổ, nhưng vẫn chẳng giải quyết được gì.
Sau những lần cúng tế giải hạn bất thành, không hiểu nguồn cơn ra sao, nhóm này lại ngang nhiên đòi dựng ngôi đình mới tại khu trường học, bất chấp sự phản đối của đa số người dân thôn Yên Lập Đông cùng chính quyền địa phương mặc dù đình đã được cấp đất xây dựng tại khu vực Miếu Cây Cộng từ trước đó.
Ông Đặng Đông Dương, Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc thôn Yên Lập Đông xác nhận: “Một nhóm người nổi lên trong làng dựng chuyện ma quỷ là có thật. Cách đây hai năm, họ kéo bè kết cánh tuyên truyền mê tín dị đoan, lôi kéo nhiều người cả tin theo, rồi đòi dựng đình ngay tại khu trường học, nhưng bị chính quyền phản đối”.