Nhiều tờ báo Nhật vừa đồng loạt đưa tin về chủ tịch một hãng tư vấn Nhật Bản thừa nhận hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam để đổi lấy việc trúng thầu dự án ODA.
Theo đó, ông Tamio Kakinuma, Chủ tịch công ty tư vấn đường sắt JTC (Japan Transportation Consultants) thừa nhận hành vi đưa hối lộ trong cuộc thẩm vấn với cơ quan điều tra Tokyo. Tờ Yomiuri, ngày 21/3, cho biết ông này đã ký vào biên bản lời khai.
Ông Tamio Kakinuma cho hay số tiền "lại quả" phụ thuộc vào giá gói thầu nhận được. Ông khai, để đổi lấy một gói thầu dự án ODA tại Việt Nam trị giá 4,2 tỷ yen (tương đương hơn 862,8 tỷ đồng), công ty đã "lại quả" cho một quan chức Việt Nam 80 triệu yen (tương đương 780.000 USD, đổi ra VND là khoảng 16,4 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại).
Đây là số tiền hối lộ khá lớn so với những lần "lại quả" khác của JTC tại một số nước khác. Chẳng hạn, theo lời khai của ông Tamio Kakinuma, một dự án ODA ở Indonesia, JTC hối lộ quan chức 30 triệu yen (hơn 6 tỷ VND), còn ở Uzbekistan 20 triệu yen (hơn 4 tỷ VND)...
Có 5 cái tên quan chức nhận hối lộ được ông Kakinuma khai ra, trong đó có một quan chức cấp cao của Đường sắt Việt Nam.
Dự án đường sắt nào được JTC làm chủ thầu?
Trao đổi với báo chí sáng nay (23/3), ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đã nghe thông tin Công ty Tư vấn đường sắt Nhật Bản thừa nhận trả tiền "lại quả" cho một số quan chức Việt Nam, để nhận được hợp đồng cho các dự án ODA. Từ ngày 21/3, ông đã cho triển khai xác minh, yêu cầu các đơn vị viết toàn bộ báo cáo về những việc có liên quan.
|
Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, JTC có mặt ở hầu hết các dự án liên quan đến đường sắt. Ảnh minh họa. |
"Sáng 23/3, chúng tôi tổ chức họp để nghe báo cáo và tổ chức thành lập đoàn xuống kiểm tra độc lập", ông Thành nói và cho hay, đây là vấn đề nhạy cảm mà phía Nhật cũng chưa có thông tin chính thức hay đề nghị phối hợp điều tra, tuy nhiên phía Việt Nam sẽ rà soát những dự án mà công ty này tham gia để khoanh vùng, làm rõ và xử lý nghiêm.
Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, JTC có mặt ở hầu hết các dự án liên quan đến đường sắt như các dự án an toàn giao thông đường sắt Bắc - Nam, xử lý cầu yếu, dự án đường sắt đô thị và cả dự án nghiên cứu xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Chủ đầu tư các dự án này đều là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Thành nói, chưa thể xác định việc đưa hối lộ liên quan đến dự án nào.
Trong hơn 20 năm hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản (từ 1992 đến nay), tổng nguồn vốn ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam tính đến cuối năm 2012 là 2.084 tỷ yen (khoảng hơn 418.800 tỷ đồng), trong đó lĩnh vực giao thông chiếm tỷ lệ 43% (chủ yếu là đường sắt và đường bộ), đứng sau đó là môi trường, y tế chiếm tỷ lệ 15%, khai khoáng 3%, nông - lâm - thủy sản 2%...
Vậy, có bao nhiêu dự án đường sắt hợp tác giữa Việt Nam và Nhật liên quan tới việc sử dụng nguồn vốn ODA, quan chức Việt Nam nhận hối lộ mà phía công ty JTC nói tới là những ai, trong dự án nào… là những thông tin mà dư luận đang rất quan tâm và mong muốn các cơ quan chức năng sớm đưa ra kết luận.
Thông tin mới nhất từ báo Nhật Bản, dự án ODA mà JTC hối lộ quan chức Việt Nam có liên quan đến dự án Đường sắt đô thị trên cao của Hà Nội. Đồng thời, trên website chính thức của JTC, cũng thống kê các dự án mà JTC thực hiện tại Việt Nam bao gồm 5 dự án từ 1993 đến nay. Đáng chú ý là Dự án Đường sắt đô thị trên cao của Hà Nội - được triển khai từ năm 2008 dựa trên vốn ODA Nhật Bản, trong đó JTC đóng vai trò là Tư vấn Thiết kế kỹ thuật. Dự án này đã qua giai đoạn 1 và chuẩn bị bước vào giai đoạn 2 và nếu không có vụ việc gì xảy ra thì JTC cũng sẽ lại trúng thầu.
TS. Kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, vốn vay ODA đem lại cho Việt Nam những lợi ích to lớn, tuy nhiên, vẫn là vay nợ và phải trả. “Trong điều kiện nợ công đang có dấu hiệu gia tăng như hiện nay, cần chủ động và tỉnh táo khống chế vay nợ ODA ở mức độ an toàn, theo những dự án đầu tư cụ thể, được luận chứng kinh tế - kỹ thuật đầy đủ và chấp nhận sự kiểm tra, giám sát của chủ nợ để tránh hao hụt do tham nhũng hay sử dụng nợ sai mục đích”, TS Phong nói.
Những vụ tham nhũng, hối lộ liên quan tới ODA
Đây là vụ tai tiếng thứ hai của các công ty tư vấn Nhật Bản liên quan các dự án ODA trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông.
Vụ tham nhũng, đưa nhận hối lộ đầu tiên liên quan tới việc sử dụng vốn ODA tại Việt Nam là vụ Đại lộ Đông Tây cách đây vài năm. Ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Phó GĐ Sở GTVT TPHCM, nguyên Trưởng Ban quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây bị kết án 20 năm tù vì nhận hối lộ để công ty PCI Nhật Bản thắng thầu dự án xây dựng tại đại lộ Võ Văn Kiệt ở TP HCM năm 2008.
|
Bị cáo Huỳnh Ngọc Sỹ (áo trắng) trong ngày hầu tòa. |
Tháng 8/2008, phía Nhật Bản đề nghị Việt Nam cùng hợp tác điều tra sau khi có nghi vấn Công ty tư vấn xây dựng Thái Bình Dương (PCI) hối lộ ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP HCM, để được chọn là nhà thầu tư vấn giám sát dự án đại lộ Đông Tây.
Ngày 12/11/2008 báo chí Nhật Bản đưa tin, các cựu lãnh đạo PCI thừa nhận trước tòa án Tokyo đã lót tay 820.000 USD cho một cán bộ quản lý các dự án ODA ở TP HCM. Lần đưa thứ nhất vào năm 2003 (600.000 USD) và lần thứ hai năm 2006 (220.000 USD).
Ngày 19/11/2008, Thành ủy TP HCM thông qua quyết định đình chỉ công tác Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Huỳnh Ngọc Sĩ để phục vụ điều tra vụ hối lộ tổng cộng 2,6 triệu USD (hơn 52 tỷ đồng) của PCI.
13h30 chiều 11/2/2009, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng (C37, Bộ Công an) đã bắt và khám xét nhà riêng ông Huỳnh Ngọc Sĩ.
Sau 4 tháng xác minh, đầu tháng 6/2009, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất điều tra sai phạm xảy ra tại Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP HCM, liên quan hai cựu quan chức là ông Huỳnh Ngọc Sĩ (giám đốc) và Lê Quả (phó giám đốc). Theo đó, cả hai bị can đều bị đề nghị VKS truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội Nhận hối lộ. Ông Huỳnh Ngọc Sỹ đã bị kết án 20 năm tù vì các tội danh này.